Sau ngày 25/3/2013, KVS không thay đổi được người đại diện pháp luật
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, hành trình đòi lại con dấu của doanh nhân người Malaysia, ông Wee Kim Hong, trên đất Việt Nam đã diễn ra một thời gian dài nhưng không thu được kết quả.
Trong suốt quá trình tìm lại công lý cho bản thân, Hội đồng quản trị của công ty Cổ phần chứng khoán Kenanga Việt Nam (Công ty KVS), ông Wee Kim Hong và các cộng sự của mình đã cầu cứu đến rất nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam và Đại sứ quán Malaysia.
Về phương diện ngoại giao, Đai sứ quán Malaysia đã 3 lần gửi thư đến nhà chức trách Việt Nam với mong muốn vụ việc được giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn không có tiến triển.
Đại sứ quán Malaysia đã ba lần gửi thư kiến nghị, vụ việc tại KVS vẫn tắc |
Đặc biệt, trong các thư trả lời của cơ quan chức năng Việt Nam, cụ thể là Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho biết Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã thụ lý đơn kiện của Công ty chứng khoán Kananga kiện ông Cao Văn Sơn chiếm đoạt con dấu.
Ngày 18/5/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tạm đình chỉ vụ án lý do chờ kết quả xác minh, trả lời của Ủy ban chứn khoán nhà nước về một số nội dung liên quan đến vụ án.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Wee Kim Hong cho biết mình không nhận được thông tin về việc đình chỉ này.
Để làm rõ thông tin mà dư luận quan tâm, ngày 16/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có công văn gửi đến Ủy ban chứng khoán Nhà nước đề nghị trả lời về một số nội dung liên quan đến vụ việc của Công ty KVS Việt Nam.
Vụ việc tại công ty KVS đến nay lâm vào bế tắc vì cơ quan chức năng đang đùn đầy? (Ảnh: Lại Cường) |
Đến ngày 24/10, Ủy ban chứng khoán Nhà nước vẫn chưa có công văn phúc đáp. Tuy nhiên, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã được ông Bùi Vũ Hoàng, Vụ Phó Vụ quản lý kinh doanh, Ủy ban chứng khoán Nhà nước xếp lịch làm việc.
Tại buổi làm việc, trả lời câu hỏi về việc người đại diện pháp luật của công ty KVS từ ngày 25/3/2013 đến nay là ai. Ông Hoàng cho biết: “Với cơ quan quản lý như Ủy ban chứng khoán nhà nước thì từ năm 2013 đến nay, khẳng định với em là người đại diện của công ty KVS là ông Cao Văn Sơn.
Đây là công ty kinh doanh ngành nghề có điều kiện nên Ủy ban chứng khoán nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ, nên khi công ty có sự thay đổi người đại diện về mặt pháp luật là người ta phải làm hồ sơ, thậm chí phải xem cả lý lịch tư pháp thì Ủy ban chứng khoán nhà nước mới chấp nhận được là người đại diện pháp luật.
Chính vì vậy từ năm 2013 đến nay thì Ủy ban chứng khoán nhà nước và các cơ quan khác thì người đại diện pháp luật được công bố người đại diện pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng là ông Cao Văn Sơn”.
Sau đó công ty này chưa có bất cứ hồ sơ, tài liệu nào gửi đến Ủy ban chứng khoán Nhà nước về việc thay đổi người đại diện pháp luật. Nghĩa là đến thời điểm hiện tại trên tất cả các báo cáo, các quyết định công ty ký người đại diện pháp luật vẫn là ông Cao Văn Sơn”.
Ông Hoàng cũng cho biết: “Về cơ cấu công ty thì với Ủy ban chứng khoán nhà nước, cơ quan quản lý về chuyên ngành chứng khoán thì Ủy ban chứng khoán nhà nước chỉ quan tâm đến người đại diện pháp luật, ban giám đốc của công ty. Và đến thời điểm hiện tại, công ty không có bất kỳ hồ sơ thay đổi người đại diện pháp luật.
Đến nay chỉ có duy nhất một hồ sơ gửi đến báo cáo về việc thay đổi nhân sự cấp cao, nghĩa là ban giám đốc, thì ngày 23/5/2017 có thay đổi về việc bổ nhiệm Tổng giám đốc mới đối với trường hợp của ông Trần Việt Thắng. Chính ông Cao Văn Sơn ký bổ nhiệm. Đây là thay đổi duy nhất đến nay”.
Tòa án nói không chính xác?
Liên quan câu hỏi về tính pháp lý của cuộc họp Hội đồng quản trị ngày 25/3/2013 của công ty KVS, đại diện của Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết:
“Các hoạt động của công ty hàng ngày, Ủy ban chứng khoán nhà nước không can thiệp, các hoạt động của công ty do công ty tự hoạt động và tự quyết định, định đoạt.
Khi mà công ty có bất kỳ thông tin gì định đoạt hay quyết định, nghị quyết định Hội đồng quản trị thì sau 24 giờ công ty phải công bố trên thị trường chứng khoán vì công ty là công ty chứng khoán và là công ty kinh doanh có điều kiện nên bọn anh đã có quy định đến công bố thông tin.
Tại thời điểm đó, công ty không công bố bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc có cuộc họp hội đồng quản trị. Vì công ty không công bố thông tin nên Ủy ban chứng khoán Nhà nước không biết đến cuộc họp đó có diễn ra hay không diễn ra.
Ủy ban chứng khoán chỉ giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tính pháp lý của cuộc họp như thế nào Ủy ban chứng khoán Nhà nước không xác định được vì không biết đến cuộc họp”, vị đại diện này khẳng định.
Suốt 5 năm, không biết bao nhiêu giây tờ văn bản trao đổi qua trao đổi lại nhưng vụ việc vẫn không có hướng giải quyết cụ thể. (Ảnh: Lại Cường) |
Bên cạnh đó, ông Hoàng cũng cung cấp thêm: “Nhưng theo thông tin trên thị trường và thông tin công ty cung cấp thì chính những tranh chấp của công ty phát sinh từ cuộc họp này.
Tất cả những sự việc đó bản thân ông Cao Văn Sơn và ông Wee Kim Hong đều có những đơn kiện gửi cho cơ quan ban ngành. Những tranh chấp đó thuộc về thẩm quyền cao nhất là đại hội đồng cổ đông và nếu đại hội đồng cổ đông không xử lý được, không hòa giải được thì thẩm quyền quyết định vẫn là phải đến tòa án.
Cho nên vấn đề này theo tôi được biết thì cả hai bên đã đưa nhau ra tòa”.
Vụ việc tại Kenanga Việt Nam lâm vào bế tắc vì chưa có quy định pháp luật? |
Về các văn bản của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội trả lời rằng việc đình chỉ vụ kiện con dấu của ông Wee Kim Hong và ông Cao Văn Sơn bị đình chỉ vì chờ câu trả lời của Ủy ban chứng khoán nhà nước, đại diện cơ quan này khẳng định:
“Khi đọc bài báo thấy rằng tất cả các cơ quan ban ngành đang chờ câu trả lời của ủy ban chứng khoán thì bọn anh cảm thấy rất là bức xúc.
Đối với cơ quan quản lý về chuyên ngành như bọn anh thì bao giờ bọn anh làm việc cũng rất chuẩn chỉ. Về giấy tờ cơ quan làm việc rất chuẩn”.
Ông Bùi Vũ Hoàng cho biết: “Vấn đề này chúng tôi khẳng định là tất cả các công văn liên quan đến các cơ quan ban ngành, đặc biệt là đối với tòa án hay Viện kiểm sát, công an thì Ủy ban chứng khoán nhà nước đều trả lời hết sức chuẩn chỉ. Chưa một công văn nào của Tòa án, Viện kiểm sát gửi về mà chúng tôi không trả lời.
Chúng tôi đã trả lời đầy đủ không thiếu một công văn nào. Kể cả Tòa án và Viện kiểm sát đối chứng tôi sẵn sàng đứng ra đối chứng.
Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội nói rằng Tòa án đình chỉ vụ án chỉ vì đợi câu trả lời xác minh của Ủy ban chứng khoán Nhà nước là không chính xác. Bởi vì, chúng tôi đã gửi trả lời đầy đủ tất cả công văn của Tòa án”, ông Hoàng khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Hoàng cho biết các công văn cụ thể mà Tòa án gửi sang cho Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ được nêu cụ thể trong công văn phúc đáp của cơ quan này đối với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tuy nhiên từ ngày 24/10 đến nay đã gần 1 tháng, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chưa nhận được công văn phúc đáp của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tới quý độc giả.