Trở nên hung bạo vì cô giáo mầm non toàn cho xem đĩa siêu nhân

25/05/2011 03:16
Tính Kid điềm đạm và hơi nhát gan một tí. Vậy mà từ khi Kid đi học về, Kid đâm ra hiếu động có thừa, Kid chạy nhảy, bay chíu chíu rồi đấm ùm ùm.

Trên blog của mình, mẹ của bé Kid có một tựa entry rất thú vị: Siêu nhân ư? Hừ! Xin được trích một đoạn ngắn: “Kid trước đây cũng không thích siêu nhân. Kid thích đọc sách, chơi xe ôtô... Tính Kid điềm đạm và hơi nhát gan một tí, điều này làm ba mẹ yên tâm hơn. Vậy mà từ khi Kid đi học về, Kid đâm ra hiếu động có thừa, Kid chạy nhảy, bay chíu chíu rồi đấm ùm ùm. Kid nói Kid làm siêu nhân.

{iarelatednews articleid='2029,1567,403,2866'}

Mẹ ngạc nhiên vì trước giờ mẹ có cho Kid xem đâu? Hỏi ra mới biết ở trường cô thường xuyên mở đĩa siêu nhân cho con và các bạn xem để cô rảnh rỗi. Hức, nghe chuyện này mẹ không đồng ý chút nào...”

Đọc tới đoạn này, hẳn nhiều cha mẹ trẻ gật gù: Đúng quá! Đúng quá!

Rõ ràng câu chuyện người nhện, người dơi, những phim hành động giả tưởng Mỹ, đã đạt đến đỉnh cao của tinh thần nhân văn, bênh vực cái yếu, cái thiện. Với khả năng siêu phàm và nghị lực sống phi thường, cùng tinh thần bênh vực cái thiện vô điều kiện, hình ảnh các siêu nhân gợi lên cho người xem một xúc cảm mạnh mẽ, một lòng tin lớn lao vào công lý. Các em bé mê siêu nhân, cũng là một cách để hun đúc niềm tin vào cái đúng, cái thiện trong cuộc sống.

Tuy nhiên, tất cả những siêu nhân đó là ảo. Tập cho trẻ tin vào một ảo ảnh, có nên chăng? Mai mốt khi lớn lên, trẻ dễ dàng biết rằng: nếu té từ hai mét trở lên chắc chắn gãy tay, vỡ đầu, chứ không như người dơi, người nhện, đu qua đu lại giữa các nhà cao tầng như đi bộ!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó là chưa kể, ăn theo thành công của các phim siêu nhân, hàng loạt phim khoa học giả tưởng khác ra đời, hoạt hình có, bán hoạt hình có, phim Mỹ có, phim Trung Quốc có, phim Thái Lan cũng có… những anh chàng mặt búng ra sữa kiểu hotboy, diễn rất cứng và gượng gạo, vung tay vung chân theo những bài quyền chẳng thuộc môn phái nào, vậy cũng làm cho các em nhỏ phát mê. Điều đáng nói, càng ngày hình tượng siêu nhân càng sống sượng hơn, cẩu thả trong các phim ăn theo này, khiến các em nghĩ: mình cũng có thể làm siêu nhân (vì siêu nhân giống người thường quá!)

Chị Loan ở Thủ Đức, lo lắng: “Cháu Rô nhà tôi lúc trước kén ăn, mỗi lần muốn cháu ăn thì bà ngoại mở phim siêu nhân cho xem, tranh thủ cháu mải coi màn đánh đấm, bà đút nhanh. Thành ra, bây giờ mỗi khi bị ép ăn, cháu đòi phải mua kiếm, xe, áo siêu nhân, mỗi lần một món, thì mới chịu ăn. Không mua thì không được, mà mua về cho con, tôi thấy suốt ngày cháu múa may quay cuồng, không biết phải làm sao?” Tự chị hỏi nhưng thiết nghĩ, chị cũng đã tự trả lời: không nên dùng phim siêu nhân để khuyến khích trẻ ăn hay làm điều người lớn muốn. Hãy để các phim siêu nhân làm đúng nhiệm vụ của mình: là một bộ phim hướng thiện, bênh vực cái tốt, thế thôi!

Hiện nay, các kênh truyền hình chiếu nhan nhản các loại phim này, cũng khó bảo phụ huynh đừng cho con xem, hay xem những phim nào là hay, phim nào là dở. Nhưng để giúp con phân biệt giữa ảo và thực, tạo cho con thăng bằng về tâm lý, các bậc cha mẹ cần giải thích cho con hiểu: không phải mọi người đều làm được như siêu nhân, rằng siêu nhân là ước mơ của loài người, chứ không phải là một con người cụ thể! Và nhớ nhắc con: không phải chỉ có bạo lực mới giải quyết được vấn đề (như tiêu chí của các phim siêu nhân). Bạn cũng có thể gợi ý cho con xem những bộ phim khác, tươi sáng và ít bạo lực hơn, trong trẻo và gần gũi với tuổi nhi đồng. Xem phim cổ tích Việt Nam cũng là một cách bồi bổ nhân cách của con bạn, lại cổ vũ tinh thần điện ảnh nước nhà – một công mà đôi ba chuyện vậy!

Theo Ngô Phương Thảo (SGTT)

Hãy chia sẻ những câu chuyện, quan điểm trong việc nuôi dạy con của bạn và những người thân và email: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc phản hồi phía dưới bài viết. Xin chân thành cảm ơn!