Ngày 10/10/2011, Đoàn lãnh đạo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam, do GS. Trần Hồng Quân dẫn đầu, đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận để trình bày những kiến nghị lớn về dự thảo Luật GDĐH. GS Trần Hồng Quân, chủ tịch Hiệp hội; PGS Trần Xuân Nhĩ (Phó chủ tịch thứ nhất) và TSKH Phan Quang Trung (Phó chủ tịch thường trực) nhấn mạnh: Sau khi nhận được dự thảo Luật GDĐH, Hiệp hội đã khẩn trương triệu tập các thành viên 3 miền Bắc, Trung, Nam thảo luận, lấy ý kiến đóng góp. Theo đó, đa số thành viên Hiệp hội đều thống nhất cao về 3 kiến nghị lớn đối với dự thảo Luật. Kiến nghị thứ nhất: Đề nghị Ban soạn thảo Bộ GD & ĐT chưa trình Quốc hội thông qua Luật GDĐH tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIII, bởi: “Dự thảo này mới mang tính chất Luật của các trường ĐH chứ chưa mang tính chất Luật của hệ thống GDĐH nói chung; chưa kế thừa được các quan điểm chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về GDĐH, trong đó có Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Luật Giáo dục 2005, Nghị quyết 14/2005/NQ – CP của Chính phủ và một số nghị quyết, văn bản có liên quan”.
GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Ngoài công lập |
Kiến nghị thứ hai: “Cần bố trí đủ thời gian, lực lượng và các điều kiện cần thiết khác để sửa chữa, bổ sung, tu chỉnh cho Dự thảo Luật GDĐH xứng tầm thời đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn mới”.
Kiến nghị thứ ba: “Cần chuyển việc soạn thảo Luật GD ĐH cho cơ quan lập pháp, cụ thể giao Ủy ban Văn hóa GDTNTNNĐ của Quốc hội chủ trì, thành lập Ban soạn thảo, gồm các chuyên gia am hiểu sâu về Luật GD ĐH để tránh tình trạng giao việc soạn thảo luật cho các cơ quan hành pháp như hiện nay”.
Lãnh đạo Hiệp hội nhấn mạnh: Luật GDĐH cần phải thỏa mãn được các yêu cầu như: Phải định hướng cho sự hình thành một Hệ thống GDĐH mang tính đại chúng (đương nhiên có bộ phận tinh hoa), phân tầng thống nhất, đa dạng, rõ ràng, hiệu quả và hiện đại để có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phải khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ thực sự, hợp lý và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH. Phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyển lợi của cộng đồng xã hội đối với GDĐH, thể hiện được quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục. Dự thảo phải triệt tiêu mọi tệ nạn “xin – cho” đang phổ biến hiện nay trong quản lý GDĐH. Lãnh đạo Hiệp hội nhận định: Cả 4 yêu cầu nói trên đều không được thể hiện hoặc nếu có thể hiện thì lại rất mờ nhạt ở Dự thảo Luật này. Chỉ khi nào Dự thảo Luật GDĐH đáp ứng được cả 4 yêu cầu nêu trên thì giáo dục ĐH ở Việt Nam mới có hy vọng trong tương lai, đạt được các tiêu chí cần phải có của một nền GDĐH tiên tiến: Công bằng – Chất lượng – Hiệu quả. Trong kiến nghị gửi đến Bộ trưởng Bộ GD và ĐT, Hiệp hội còn đưa ra các đề nghị sửa đổi cụ thể cho nội từng điều khoản của Dự án Luật GDĐH và hình thức thể hiện của Dự án Luật. Về kết cấu Dự án Luật GDĐH: Lãnh đạo Hiệp hội kiến nghị đưa thêm 2 chương mới và Dự án, một chương về Hệ thống GDĐH (chương 2) và một chương về Quan hệ xã hội (chương cuối). Về nội dung, Hiệp hội cũng đưa ra nhiều đề nghị sửa đổi cho từng chương, tường Điều khoản trong dự án Luật. Theo đó, các đồng chí lãnh đạo Hiệp hội đề nghị bổ sung Chương 1, Chương 2 Mục 1, Chương 3, Chương Hệ thống GDĐH, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 13, Điều 14, Điều 23, Điều 25, Điều 26, Điều 28… Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội cũng khẳng định sẽ tiếp tục có thêm ý kiến đóng góp cho Luật, đồng thời sắp tới sẽ đẩy mạnh kiến nghị về tuyển sinh, đặc biệt là vấn đề bãi bỏ 3 chung.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp thu ý kiến đóng góp của Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Ngoài công lập |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của Hiệp hội và đưa vào dự thảo Luật những lần tiếp theo những kiến nghị hợp lý. “Tuy nhiên, các vấn đề mà Hiệp hội kiến nghị cũng chỉ là một phía, Bộ cần phải nghe nhiều phía”. Về vấn đề 3 chung, ông Luận cho rằng không thể bãi bỏ đồng loạt đối với tất cả các trường vì “như thế sẽ loạn. Bộ sẽ xem những trường nào đủ tiêu chuẩn thì mới cho bỏ 3 chung”. Về vấn đề này, GS Trần Hồng Quân cho rằng: “Tiêu chí nào để đánh giá trường nào đủ điều kiện bỏ 3 chung, trường nào không? Như vậy chẳng khác nào lại thêm 1 cửa xin – cho mới. Và như vậy, quan điểm trao quyền tự chủ cao nhất cho các trường, cũng sẽ chỉ được thực hiện nửa vời”.
Thu Hòe