Rút ruột công trình trường mầm non
"Cứu các cháu với, họ xây dựng như thế này thì nguy hiểm quá. Mấy trăm học sinh mầm non đang học trong ngôi trường thi công quá ẩu, sai kỹ thuật nghiêm trọng, nguyên vật liệu bị bớt xén. Lương tâm họ để đâu?..."
Đó chỉ là một phần trong đơn kêu cứu khẩn thiết gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam của ông Phạm Văn Ngải, đại diện ban giám sát cộng đồng công trình Trường mầm non xã Phù Lương (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Cùng với đơn kêu cứu khẩn thiết, ông Phạm Văn Ngải cũng gửi kèm những hình ảnh rùng mình trong quá trình thi công ngôi trường dành cho các cháu nhỏ là con em trong xã đang học tập tại ngôi trường này.
Sở Giáo dục Đồng Tháp nói gì về nghi vấn thông thầu mua sắm thiết bị giáo dục? |
Để làm rõ nội dung bạn đọc phản ánh, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại Trường mầm non xã Phù Lương. Theo quan sát của phóng viên, Trường mầm non xã Phù Lương là hai dãy nhà 3 tầng kiên cố bê tông cốt thép.
Hai dãy nhà được xây theo hình chữ L, một dãy đã hoàn thiện khá khang trang, còn một dãy đã xây xong một nửa, còn một nửa đang quét sơn. Ông Phạm Văn Ngải chỉ cho phóng viên thấy nhiều vị trí đơn vị thi công rất ẩu.
Nhiều mảng tưởng tại dãy nhà đã hoàn thiện đã xuất hiện ẩm mốc, loang lổ, sơn phồng rộp, mặt tường trát uốn lượn dù công trình này vừa mới xây xong đang chờ nghiệm thu.
Tại dãy nhà đã hoàn thiện, có khoảng gần 400 cháu nhỏ tuổi mầm non đang học tập, mặc cho công trình còn đang thi công.
Đáng nói, công trình này chưa nghiệm thu chất lượng, công trình chưa bàn giao và cũng chưa nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa đã cho gần 400 học sinh đến học.
Được biết, công trình Trường mầm non xã Phù Lương có tất cả 3 ban giám sát gồm: Ban giám sát cộng đồng; Ban giám sát do Ủy ban nhân dân thuê với chi phí 2,7% giá trị gói thầu; Ban giám sát của huyện là ban quản lý các công trình của huyện, nhưng vẫn để xảy ra tình trạng trên.
Ông Phạm Văn Ngải và 7 thành viên khác được Mặt trận tổ xã Phù Lương bầu ra vào Ban giám sát cộng đồng để giám sát công trình trường mầm non của xã đạt chất lượng.
Khi tham gia giám sát công trình trường mầm non cho địa phương, ông Ngải phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm của công trình này. Phát hiện ông Ngải đã kịp chụp lại những hình ảnh làm bằng chứng và gửi các cơ quan chức năng.
Công trình ngổn ngang, nhiều hạng mục chưa xong, bất chấp nguy hiểm hơn 400 học sinh hàng ngày vẫn đến trường. Ảnh: Vũ Phương. |
Ông Phạm Văn Ngải bức xúc cho biết: “Ngay khi họ đổ xong phần móng công trình và đổ cột, tôi và một thành viên nữa trong ban giám sát phát hiện đơn vị thi công dựng cột sai vị trí.
Chúng tôi yêu cầu lập biên bản dừng thi công thì họ xin sửa, khắc phục. Tuy nhiên, qua quá trình theo dõi và giám sát thấy họ không sửa mà lại bẻ cong vào. Tôi đã kịp ghi lại bằng chứng gửi các cơ quan chức năng, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi”.
Ông Phạm Văn Ngải vừa chỉ vào những vị trí mới làm đã xuống cấp, cũng như vị trí đổ cột bê tông của dãy nhà vừa lắc đầu ngao ngán: “Tôi hỏi một số kỹ sư xây dựng, họ nói để đảm bảo an toàn cho hàng trăm cháu học tập an toàn trong các năm tới thì cần phá bỏ ngôi trường này đi xây lại.
Cụ thể, tại đơn nguyên 1 tức dãy nhà 3 tầng các cháu đang học có 6 cột sai so với vị trí thiết kế (từ cột số 3 đến số 8). Còn đơn nguyên 2 có 4 cột sai vị trí. Điều này rất nguy hiểm, đổ cột để chịu lực cho mấy tầng trên đó mà làm sai kỹ thuật thì không thể chấp nhận được.
Hiểu đơn giản là gốc một nơi mà thân một nơi. Tức là trong bản thiết kế, phần móng đã có sẵn vị trí để đổ cột. Nhưng họ lại đổ cột chệch ra, như thế làm sao cột bê tông có tác dụng”.
Công trình mới xây xong, nhiều hạng mục đã xuống cấp, phồng rộp. Ảnh: Vũ Phương. |
Thi công ẩu, nguyên vật liệu bị bớt xén dẫn đến tường mới trát đã phồng rộp. Ảnh: Vũ Phương. |
Một vài chỗ tường mới xây đã nứt có thể do chất lượng công trình không đảm bảo. Ảnh: NVCC. |
Ông Ngải nhấn mạnh: “Họ đổ cột bê trông chịu lực sai vị trí so với bản vẽ thiết kế là sai phạm rất nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng. Đúng thiết kế, họ phải đổ cột đúng vị trí dầm móng bê tông, nhưng do trình độ thợ thi công yếu kém đã đổ sai vị trí. Họ đổ cột như vậy làm sao chịu lực cho cả tòa nhà 3 tầng.
Hơn nữa, kỹ thuật đổ cột bê tông cũng không đảm bảo, tức sắt thép làm lõi cột bê tông làm ẩu. Cột bê tông làm sai vị trí, kỹ thuật đổ cột bê tông không đảm bảo sẽ vô cùng nguy hiểm.
Thi công công trình cũng rất ẩu, công trình mới xây xong đã bộc lộ hư hỏng do nguyên vật liệu bị bớt xén, thay thế vật liệu kém chất lượng”.
Một điểm chết người nữa mà ông Phạm Văn Ngải chỉ ra đó là đơn vị trúng thầu thi công vô cùng cẩu thả, vì đồng tiền mà họ coi thường tính mạng của mấy trăm cháu học tập: “Các dầm nổi của nhiều nhà vệ sinh trên tầng 2, tầng 3 bị đập đi hết để lắp ống dẫn nước thải.
Điều này có nghĩa dầm bê tông mà bị đập chỗ đầu nối liên kết sẽ còn gì tác dụng chịu lực, độ vững chắc của công trình. Cứ tưởng tượng cả cái trần rộng của tầng 2, tầng 3 có những dầm bên tông đỡ, nhưng một đầu dầm chỗ nhà vệ sinh bị đập đi.
Trước lúc họ đổ dầm tôi đã cảnh báo phải thiết kế chỗ ống xả nước thải trước, nhưng họ không làm, đến khi đổ dầm bê tông xong họ lại đập dầm đi để cho ống nước xả thải của nhà vệ sinh vào.
Thật không thể tưởng tượng cách làm ăn gian dối, cẩu thả đến như vậy của đơn vị thi công”.
Cột đổ bê tông nằm sai vị trí so với thiết kế sẽ không còn tác dụng chịu lực cho cả tòa nhà 3 tầng. Ảnh: NVCC. |
Ông Phạm Văn Ngải cũng thẳn thắng cho biết: “Để đảm bảo ngôi trường của các con em trong xã được an toàn, tôi không ngại trong việc đấu tranh chống lại tiêu cực, rút ruột công trình.
Công trình xây dựng bằng tiền ngân sách nhà nước, chính là bằng đồng thuế của người dân đóng góp, chất lượng công trình phải tương xứng”.
Công ty sân sau trúng thầu?
Qua tìm hiểu và nắm bắt thông tin của phóng viên được biết, công trình Trường mầm non trung tâm xã Phù Lương được đầu tư khoảng trên 10 tỷ đồng do Ủy ban nhân dân xã Phù Lương làm chủ đầu tư. Ngoài ra công trình này còn có các gói thầu khác nữa như gói thiết bị khoảng 5 tỷ đồng…
Đáng nói, không ít người dân, thành viên ban giám sát nghi ngờ việc đấu thầu gói thầu này có nhiều vấn đề. Thậm chí đơn vị trúng thầu có liên quan đến lãnh đạo Ban quản lý dự án huyện Quế Võ.
Đơn vị trúng thầu gói xây dựng là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Xây dựng KBICO có địa chỉ tại Khu 4 - Thị trấn Phố Mới - Huyện Quế Võ - Bắc Ninh.
Thành viên ban giám sát cộng đồng công trình này cũng chỉ rõ, nhiều hạng mục khác nữa có sự làm ăn gian dối, rút ruột.
Cụ thể, trong dự toán công trình là bê tông đổ tay tại chỗ, trong khi đó, đơn vị thi công lại sử dụng bê tông tươi. Chênh lệch giữa bê tông đổ tay và bê tông tươi từ 500-600 ngàn đồng/khối. Số tiền chênh lệch này không phải là ít.
Như bể nước phòng cháy chữa cháy, cứ trời mưa thì bể đầy nước, còn trời nắng nước trong bể cạn. Như thế có thể nói, bể nước này làm rất ẩu.
Gần 400 cháu nhỏ đang học tập trong ngôi trường đang thi công, chất lượng công trình không đảm bảo. Ảnh: Vũ Phương. |
Làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Văn Nhuận – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phù Lương – Chủ đầu tư dự án Trường Mầm non xã Phù Lương thừa nhận, công trình chưa nghiệm thu chất lượng, cũng như hệ thống phòng cháy chữa cháy đã cho khoảng 400 học sinh mầm non vào học. Lý do vì thiếu lớp học.
Ông Phạm Văn Nhuận cho biết: “Đến bây giờ tôi đã gửi văn bản lên Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh. Họ đang tiến hành thẩm định chất lượng công trình. Kết quả thẩm định có thể trong tuần tới sẽ có.
Tổng giá trị công trình là trên 10 tỷ đồng, đơn vị trúng gói thầu xây dựng là công ty KBICO. Ngoài ra, công trình này còn nhiều gói thầu khác nữa”.
Phóng viên hỏi cụ thể từng gói thầu bao nhiêu tiền, cũng như tên đầy đủ đơn vị trúng thầu thì ông Chủ tịch xã, chủ đầu tư không nhớ.
Trước câu hỏi của phóng viên có ý kiến phản ánh công trình bị rút ruột, nhiều hạng mục làm sai kỹ thuật, không chuẩn.
Về việc này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phù Lương: “Chuẩn hay không phải chờ cơ quan chuyên môn vào thẩm định”.