500 cán bộ thủ đô "hành" là chính, còn giấu tên là còn bao che!

12/06/2015 06:58
QUỐC TOẢN
(GDVN) - “Nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn là biểu hiện của bệnh tham nhũng…”, PGS.TS Đăng Ngọc Dinh nêu quan điểm về việc hơn 500 cán bộ Hà Nội bị kỷ luật.

Thông tin Hà Nội kỷ luật hơn 500 cán bộ, công chức (từ năm 2011-2014) có lẽ không gây bất ngờ cho nhiều người. Bởi, thực tế, không ít “công bộc” của dân làm việc theo kiểu “hành” là chính, chẳng còn là chuyện hiếm gặp. Không ai khác, nhân dân là người hiểu rõ nhất điều này.

Con số trên được đưa ra hôm 9/6 khi Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết chương trình 08 của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015”.

Tại hội nghị này, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, trong 4 năm thực hiện chương trình trên, có 526 cán bộ, công chức gồm cả lãnh đạo và nhân viên từ cấp sở, ngành xuống các quận huyện, xã phường do vi phạm trong cải cách hành chính bị kỷ luật.

Điều tai hại, nguy hiểm hơn cả nằm ở chỗ, trong số hơn 500 công chức, có không ít các vị trí chủ chốt (Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở, Ngành...) – những người có liên quan trực tiếp tới các vấn chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, được liệt kê vào danh sách "đen”.

Theo đó, thống kê chỉ rõ: Trong số cán bộ bị kỷ luật trên ở các sở ngành có 46 người, gồm 4 Giám đốc, Phó Giám đốc. Đơn vị thuộc quận, huyện, thị xã có 476 người, trong đó có 4 Phó Chủ tịch UBND quận, huyện và 55 Chủ tịch UBND cấp xã. 

Việc lãnh đạo thành phố Hà Nội dám nhìn rõ vào sự thật, chỉ rõ những khiếm khuyết trong công tác cải cách hành chính trong những năm qua là điều đáng được hoan nghênh.

Nó cũng được coi là lời “tuyên chiến” của lãnh đạo thành phố này với tệ nhũng nhiễu, quan liêu, tiêu cực của cán bộ công chức khi xử lý công việc.

"Những cán bộ, công chức bị kỷ luật phần lớn do có hành vi vi phạm chế độ công vụ, công chức và có thái độ ứng xử không chuẩn mực, nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho tổ chức và cá nhân trong thực hiện các thủ tục hành chính", báo cáo nêu rõ.

Cái "tiêu cực" theo cách nói của lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội có thể hiểu nôm na theo nghĩa "lót tay", "bôi trơn", "ngã giá"...

Minh họa của Satế
Minh họa của Satế

Giới phân tích cho rằng, hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn thực chất là biểu hiện của bệnh tham nhũng. Đồng thời nó cũng cho thấy sự suy thoái xuống cấp về đạo đức nghiêm trọng của một bộ phận cán bộ công chức hiện nay. 

Theo PGS.TS Đặng Ngọc Định, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (hôm 11/6): “Những hành vi đó không còn giới hạn ở thái độ ứng xử nữa. Sâu xa hơn, nó đã thuộc về bản chất con người. Nếu những vấn đề trên không sớm được khắc phục, sẽ gây ra sự trì trệ trong quản lý, vận hành bộ máy nhà nước đặc biệt là cấp cơ sở...”, 

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cũng cho rằng, nguyên nhân sự việc xuất phát từ hệ thống quản lý nhà nước không lành mạnh. 

“Ở đó, họ vừa là phạm nhân tiếp tay cho tiêu cực, vừa là “nạn nhân” của hệ thống quản lý nhà nước chưa lành mạnh. Muốn quản trị tốt cần làm trong sạch bộ máy theo hướng công khai, minh bạch...", PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu quan điểm. 

Mặt khác, nếu cho rằng, hành vi nhũng nhiễu vòi vĩnh, là biểu hiện của bệnh tham nhũng thì đó là vấn đề cực kỳ đáng báo động.

Không ít khảo nghiệm chỉ rõ, cán bộ công chức coi

việc tham nhũng trở thành bình thường. Họ cho rằng, đối tượng quản lý đương nhiên phải "bồi dưỡng", "lót tay" khi muốn thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của người cán bộ, công chức.

Sẽ ra sao nếu những hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, tiêu cực nói chung còn xâm phạm những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, khi người thực hiện hành vi tham nhũng là giáo viên, bác sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội - những người xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội?

Có lẽ, đã đến lúc Bộ Nội vụ cần đặc biệt chú ý tới những cán bộ “hành” là chính này, khi thực hiện đề án tinh giản biên chế. Mặt khác, cơ quan quản lý cũng cần khai cụ thể danh sách cán bộ vi phạm để làm gương cho cán bộ khác.

Bởi trao "kiếm" cho "kẻ ác" còn nguy hiểm gấp nhiều lần so với  30% đám công chức “cắp ô”, ăn bám, có cũng được, không có cũng chẳng sao.

QUỐC TOẢN