Ai làm chủ internet, người đó sẽ thắng!

24/11/2017 08:46
Trinh Phúc
(GDVN)- Ông Nguyễn Hữu Cầu: “Thực tế là những người làm án, khi các đối tượng phạm tội dùng địa chỉ IP ở nước ngoài tấn công, lừa đảo thì chúng ta không biết họ là ai".

Đừng vì hàng 100 triệu USD Quảng cáo mà chúng ta có thể mất hoàn toàn!

Sáng nay 23/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật An ninh mạng. Nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn với quy định đòi nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ trên lãnh thổ Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đánh giá, nhiều ý kiến dư luận quan tâm đến khoản 4, Điều 34 quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ điện tử viễn thông internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Quy định liệu có tạo ra rào cản thương mại, cản trở nhu cầu kinh doanh, cản trở người tiêu dùng hay không?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (ảnh quochoi.vn).

Theo ông Cầu, việc cung cấp dịch vụ internet do các doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận. Đã kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thì phải bình đẳng với các doanh nghiệp khác.

Ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu, vì máy chủ dữ liệu cung cấp thông tin cho nhiều quốc gia chứ không riêng gì cho một nước cụ thể.

Yêu cầu này đã được 14 nước trên thế giới, ví dụ như Mỹ, Nga, Úc, Canada, Colombia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ… yêu cầu các nhà mạng thực hiện.

“Vì sao các nước đó làm được, Việt Nam lại không làm được?”- ông Cầu đặt câu hỏi.

Đại biểu Quốc hội Triệu Tuấn Hải (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Triệu Tuấn Hải (ảnh quochoi.vn).

Đồng quan điểm, đại biểu Triệu Tuấn Hải (đoàn Lạng Sơn) cho rằng: “Trong thời gian vừa qua các cơ quan chức năng của Việt Nam đã yêu cầu một số doanh nghiệp nước ngoài gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin xấu trái pháp luật trên các trang mạng.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông Internet thiếu thiện chí, không hợp tác về vấn đề này.

Do đó, việc quy định cấp giấy phép hoạt động đặt cơ quan đại diện máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam là phù hợp.

Nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động, có biện pháp xử lý cứng rắn, doanh nghiệp thiếu thiện chí, không hợp tác làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (ảnh quochoi.vn).

Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) đã giơ biển xin tranh luận.

Ông Hiếu cho rằng, với việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây, việc yêu cầu các công ty đa quốc gia đặt máy chủ ở Việt Nam là khó thực hiện.

Để ngăn chặn các tin tức giả, nên xem xét các biện pháp khác như tăng cường mức phạt. Chẳng hạn như ở Đức, mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu euro đối với hành vi đưa tin tức giả.

Do đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đừng lấy con số hàng 100 triệu USD quảng cáo mà chúng ta chưa thu được thuế để ép buộc nhà mạng nước ngoài đặt máy chủ ở Việt Nam, vì có thể bị mất hoàn toàn những lợi ích mà mạng xã hội mang lại

Những quảng cáo đó cũng có những thông tin bổ ích mà mạng xã hội mang lại, là bộ phận rất quan trọng giúp phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao dân trí.

Ông Hiếu dẫn lại số liệu cho thấy Việt Nam hiện có 80 triệu tài khoản Facebook, là một trong những nước có lượng người truy cập mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Ông đề nghị cân nhắc đồng thời yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển kinh tế xã hội trước khi ban hành luật này.

Hai khóa đã chắc chắn chưa?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, quy định “nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam" là trái với cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.

Trong cam kết của WTO, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Cam kết của Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam nêu tương tự.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (ảnh quochoi.vn).

Bà Thúy cũng dẫn thêm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Việt Nam ký kết tháng 2-2016: "Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện kinh doanh trong lãnh thổ đó, để triển khai công việc".

Do đó, bà Thúy nhấn mạnh, Luật An ninh mạng không nên đặt ra những quy định trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

"Vì an ninh quốc gia và việc bảo vệ an ninh quốc gia rất quan trọng nên Quốc hội đã ban hành các Luật An ninh quốc gia, An toàn thông tin mạng. Có thể coi 2 luật như hai cái khóa rất chắc chắn.

Nay thêm Luật An ninh mạng không khác gì thêm cái khóa thứ ba", bà Thúy phân tích.

"Đề nghị Quốc hội cân nhắc: Hai khóa đã đủ chắc chắn chưa? Nếu thêm một khóa chỉ để khóa cùng một cửa, nhưng lại giao cho một 'người khác' giữ chìa thì chắc hơn, hay cồng kềnh hơn trong thời buổi mở cửa này?" – Đại biểu Thúy đặt câu hỏi.

Ai làm chủ internet, người đó sẽ thắng! ảnh 5Lo lắng facebook, google rút khỏi Việt Nam

Tranh luận với ý kiến phát biểu của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu và đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng: “Khi khuyến cáo lực lượng Việt Nam của chúng ta dưới góc độ bảo vệ chủ quyền quốc gia và chế độ xã hội, một nguyên thủ quốc gia của một nước lớn đã khuyến cáo chúng ta rằng trong tương lai ai làm chủ nắm được Internet thì người đó sẽ thắng, ai lúng túng sẽ thất bại.

Thực tại hiện nay Việt Nam chúng ta đang còn lúng túng trong vấn đề quản lý Internet như nhiều đại biểu đã phân tích”.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói rằng chúng ta có thể phạt nặng đến 5 nghìn hoặc thậm chí 50 nghìn USD cho những thông tin sai sự thật.

Trong thực tế là những người làm án, khi các đối tượng phạm tội dùng địa chỉ IP ở nước ngoài tấn công, lừa đảo thì chúng ta không biết họ là ai, yêu cầu nhà mạng cung cấp, họ không cung cấp, như vậy chúng ta tịt toàn bộ vụ án.

Vấn đề thứ hai, khi chúng ta không có luật để làm cơ sở pháp lý thì Chính phủ không ra được nghị định xử phạt.

Vấn đề thứ ba là chứng cứ điện tử. Luật Tố tụng hình sự đã quy định rất rõ, nếu chúng ta không có Luật An ninh mạng với tư cách đặt cả ở nước ngoài thì chúng ta làm sao truy cho cùng các dữ liệu và thư điện tử trên đất nước chúng ta.

"Đối với đại biểu Thúy có nói tại sao Luật An toàn thông tin đã có rồi còn sinh ra Luật An ninh mạng để chồng chéo với nhau.

Như tôi đã phân tích trong bài phát biểu của mình, chúng ta đã có Bộ luật Hình sự trong đó có rất nhiều loại tội phạm tại sao lại có Luật Phòng, chống tham nhũng, tại sao lại có Luật Phòng, chống ma tuý và tại sao lại có Luật Phòng, chống mua bán người.

Tại sao 3 luật này không nhập vào Bộ luật Hình sự luôn, tôi chỉ ví dụ đơn giản như vậy", ông Cầu cho hay.

Trinh Phúc