Ngày 21/11, Công an huyện Trạm Tấu (Yên Bái) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Đăng Vinh (hiệu trưởng) và Vũ Đức Tuyến (hiệu phó Trường phổ thông dân tộc bán trú xã Bản Công, huyện Trạm Tấu) để điều tra tội Tham ô tài sản.
Cơ quan điều tra xác định hai ông Vinh và Tuyến đã bán sáu tấn gạo của học sinh bán trú, tổng số tiền thu được 42 triệu đồng để chi tiêu cá nhân.
Trường phổ thông dân tộc bán trú xã Bản Công nằm ở khu vực núi cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. Do nhà ở xa, đi lại khó khăn, học sinh phần lớn ở bán trú tại trường.
Trường bán trú xã Bản Công được Chính phủ hỗ trợ theo Quyết định 85. Toàn bộ học sinh được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung.
Xung quanh sự việc này, ngày 22/11 bên hành lang kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Quôc hội Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho biết, việc nhà nước hỗ trợ tiền ăn cho các em học sinh đó là chính sách tốt đẹp của Nhà nước quan tâm đến con em dân tộc, khó khăn.
Tuy nhiên một trường học mà bán gạo của Nhà nước cấp cho học sinh dân tộc nội trú để lấy tiền thì đấy là việc làm không đáng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (ảnh Trinh Phúc). |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương có quan điểm rằng: “Cực lực lên án và phê phán với việc làm không minh bạch.
Đây là biểu hiện của tham nhũng- tham nhũng vặt nhưng gây phản cảm, tác động xấu đối với người dân, học sinh và đối với xã hội. Đây là hành động rất đáng lên án.
Cần xác định rõ nhà trường bán vì mục đích gì? Vì tham ô cá nhân hay bán đề lấy tiền chi phí cho hoạt động trong nhà trường.
Công an vào cuộc làm rõ điều tra xác định việc bán nhằm mục đích gì? Nếu tham ô cá nhân thì cần phải lên án và đưa ra xét xử trước pháp luật.
Còn bán vì mục đích khác phục vụ cho hoạt động của nhà trường thì phải xem xét việc bán đó có được thống nhất trong hội đồng nhà trường hay không? Được phụ huynh nhất trí hay không và được phụ huynh đồng tình hay không?
Tôi cho rằng, cái đó phải làm rõ”.
Ông Nguyễn Ngọc Phương cũng cho rằng: “Việc công an vào cuộc bắt, tức là có dấu hiệu của tham nhũng trong đó.
Xử lý việc này căn cứ theo luật nếu như anh vi phạm mức độ tham nhũng thì có mức án, trong trường hợp vi phạm chưa đến mức truy tố trước pháp luật thì xử lý theo hình thức vi phạm đạo đức.
Dù gì thì hành vi bớt của học sinh đem đi bán rất phản cảm, đáng lên án”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (ảnh Trinh Phúc). |
Cũng liên quan đến vụ việc này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng: “Đây là vi phạm nghiêm trọng, nó đi ngược lại hoàn toàn tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta.
Trường Trạm Tấu (Yên Bái) là một trường rất khó khăn, chúng ta đang phải làm hết sức mình cho các cháu ở vùng cao, chính sách dân tộc ở vùng cao.
Tôi không hiểu được tại sao lại có quyết định như thế, tôi cũng không biết là vấn đề có báo cáo cấp trên hay không?
Cấp trên có biết thì xử lý như thế nào? Cho nên tôi cho rằng việc xử lý trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước cũng phải được xem xét trong vụ việc này.
Tôi ủng hộ công an vào cuộc điều tra, đây là có sự lợi dụng chức vụ làm trái đã rất rõ rồi”.
Theo đai biểu Lưu Bình Nhưỡng, “Vấn đề cần phải lưu ý, việc bán gạo thì trường đó phải báo cáo. Ai cho anh được quyền tự quyết định vấn đề đó?
Nếu cấp trên đồng ý bán số gạo đó chuyển thành tiền thậm chí gửi tiết kiệm để mua gạo rẻ ở lúc khác cho các cháu thì đó là câu chuyện khác.
Vấn đề anh vận dụng nhằm mục đích gì? Phải xem xét lại Đảng ủy của trường như thế nào? Ban giám hiệu ra làm sao?
Cơ quan điều tra cần phải kiểm tra lại hết các biên bản, quyết định có hay không có các báo cáo xem ai cho phép làm việc này?
Nếu là việc đúng, có ý nghĩa cấp bách. Chẳng hạn như không có kho để đất bị lở mất hoặc bị mốc thì đã đành, không phải như thế thì câu chuyện đã theo hướng khác.
Tôi nghĩ rằng câu chuyện không đúng như chúng ta giả định. Nó đi theo hướng khác, ở đây có chuyện hiệu trưởng hiệu phó tự ý quyết định. Đây là vấn đề hơi cá nhân hóa quyền lực dẫn tới việc vượt quá những điều anh được làm”.