Đó là thông tin do ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đưa ra tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm 2017 ngày 27/6 khi trao đổi về vấn đề Sơn Trà.
Nhiều dự án khiến bài toán Sơn Trà “khó giải”
Ông Thơ cho biết, trước khi dự luận lên tiếng về quy hoạch Sơn Trà thì Đà Nẵng đã chủ động đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ rà soát lại toàn bộ các dự án trên bán đảo này.
Hàng loạt dự án đã và đang triển khai khiến "bài toán" Sơn Trà càng trở nên khó giải. Ảnh: TT |
Thực trạng hiện nay trên bán đảo Sơn Trà có 25 dự án đã và đang triển khai với diện tích đất giao, thuê, giao để quản lý khoảng 1.400 hecta, trong đó 18 dự án du lịch.
“Hầu hết, các dự án này đã hoàn thành thủ tục về đất đai, phần đất giao người ta đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính. Họ đã đóng tiền và đã lấy sổ đỏ từ lâu và đất thuê người ta cũng đã ký hợp đồng thuê”.
Ông Thơ cho rằng, nếu như ngay từ đầu, chúng ta không có những dự án như thế này thì việc giải quyết “bài toán” Sơn Trà không phải quá khó khăn.
Còn bây giờ, chúng ta phải xử lý một số dự án như vậy, nó không phải chỉ là vấn đề muốn là được ngay. Mà cần quá trình rà soát, cân nhắc thật kỹ rồi chọn lựa một điểm cân bằng phù hợp, theo hướng tích cực nhất.
“Trong quá trình thảo luận và càng về sau, chúng tôi càng nghiêng về quan điểm tăng cường cho bảo tồn, giữ gìn hệ sinh thái. Tất nhiên cũng phải tính toán, phù hợp với vấn đề khai thác phát triển cho hợp lý” ông Thơ nói thêm.
Đà Nẵng thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng về quy hoạch Sơn Trà(GDVN) - Việc giải quyết thủ tục liên quan đến các dự án tại khu vực bán đảo Sơn Trà phải báo cáo Ủy ban để xin ý kiến thường trực Thành ủy Đà Nẵng. |
Chủ tịch Đà Nẵng cũng chỉ ra khâu phức tạp nhất trong “bài toán” Sơn Trà đó là việc ngày xưa giao đất trong thời điểm nó còn hoang hóa, giá đất rẻ. Nhưng bây giờ, đất ở khu vực này có giá cao, đắc địa.
“Nếu chúng ta tính toán thu hồi thì phải hỗ trợ, bồi thường và bố trí lại một vị trí khác cho chủ đầu tư.
Mà vấn đề này đặt ra không hề đơn giản, bởi số lượng dự án ở đây khá lớn, diện tích rộng. Trong khi qũy đất của thành phố cũng không còn nhiều để bố trí cho hợp lý”.
Tuy nhiên, ông Thơ cũng cam đoan rằng, không để cho những yếu tố kinh tế lấn át, gây hại đến những giá trị tự nhiên, môi trường cảnh quan của Sơn Trà.
“Tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của Sơn Trà, tuy nhiên khi tiến hành xử lý vụ việc cụ thể như thế này thì cần có thời gian để tìm lối ra.
Ví dụ, khi cho dừng một dự án thì sẽ phải đối mặt với những kiện tụng. Bởi vì chủ đầu tư đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng nhưng không được triển khai thì chính quyền phải trả lời và giải quyết những thiệt hại của họ.
Những vấn đề pháp lý không hề đơn giản và không phải như chuyện của nhà mình: cứ muốn là được” ông Thơ phân tích.
Đà Nẵng sẽ giải quyết “bài toán” Sơn Trà theo cái lý và cái tình để bảo vệ được những mục tiêu của mình.
Ông Thơ cũng khẳng định, không hề có bất kỳ một áp lực nào trong việc giải quyết vấn đề Sơn Trà. Mà nếu có áp lực từ doanh nghiệp thì đó là áp lực từ việc xử lý, rà soát lại từng dự án, cắt giảm đi số phòng.
“Khi loại bỏ đi một số dự án thì mình phải giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ cho chủ đầu tư thì đó mới là áp lực lớn. Ngoài ra, ở đây không có vấn đề gì. Con số (số phòng, số dự án) cụ thể thì sau khi rà soát sẽ có, nhưng tin rằng sẽ giảm hơn so với con số trong quy hoạch” ông Thơ nói.
Đến 30/8, Đà Nẵng sẽ hoàn thành rà soát và đưa ra một phương án giải quyết theo hướng tích cực để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ai trả tiền xây kè chắn sạt lở ở khu vực có 40 móng biệt thự không phép?
Liên quan đến 40 móng biệt thự xây dựng không phép của công ty cổ phần biển Tiên Sa trên núi Sơn Trà, đang có nguy cơ xảy ra hiện tượng sạt lở vào mùa mưa tới.
Đà Nẵng đập bỏ 40 móng biệt thự không phép trên núi Sơn Trà(GDVN) - Giao các cơ quan chức năng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những dự án ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, cảnh quan môi trường. |
Ông Thơ cho hay, khu vực đó mà đào lên như thế thì sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng sạt lở. Hiện nhà đầu tư đã xin ý kiến thành phố cho họ có những biện pháp nhằm khắc phục bằng cách trồng cây và xây bờ kè chắn sạt ở một số điểm.
“Chúng tôi thấy rằng quan điểm trên là phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát lại các dự án, không cho phép xây dựng thêm một cái gì.
Nên dù là xin xây để bảo vệ thì cũng cần có ý kiến chỉ đạo nên thành phố hết sức thận trọng, cân nhắc”.
Theo ông Thơ, vấn đề phức tạp và gây băn khoăn hiện này là ai bỏ tiền ra để xây bờ kè này? “Nếu như để doanh nghiệp bỏ tiền ra để xây bờ kè, sau này thì có khi người ta cho rằng họ đã có công bỏ ra thì để cho họ tiếp tục dự án.
Cho nên chúng tôi đã bàn đến phương án là thành phố bỏ tiền ra để làm. Nhưng như vậy nó cũng vô lý, vì đây là đất của họ rồi. Đất này thành phố đã cấp sổ đỏ nên mình không thể bỏ tiền ra xây dựng trên phần đất của họ được”.
Ông Thơ cho rằng, đang lấn cấn chuyện ai bỏ tiền ra xây kè? Quan điểm là nếu thành phố bỏ tiền ra thì khách quan hơn nhưng cũng phải tính toán kỹ.
Có hai phương án là thành phố sẽ xây và sau này, dự án được quyết định như thế nào thì chủ đầu tư sẽ hoàn trả lại số tiền cho thành phố.
Hướng thứ hai là cho doanh nghiệp bỏ tiền ra xây nhưng cam kết là để giữ không cho sạt lở chứ không được làm gì khác. Hiện thành phố vẫn đang xin ý kiến của thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về vấn đề này.