Bàn chuyện dùng người ngày xưa và công tác cán bộ ngày nay

10/07/2018 06:28
Trần Sơn
(GDVN) - Ngày xưa rất cẩn trọng và nghiêm khắc trong việc dùng người, ngày nay không ít nơi có biểu hiện trục lợi trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.

Dùng người là một công việc hệ trọng đối với mỗi quốc gia từ cổ chí kim. Nước còn hay mất, nước lạc hậu hay phát triển cũng do việc sử dụng con người mà ra.

Nếu quốc gia sử dụng được các nhân tài trên mọi lĩnh vực thì dân giàu nước mạnh.

Nếu quốc gia chỉ sử dụng những kẻ bất tài vô dụng, phường giáo áo túi cơm thì dân nghèo, nước yếu.

Chuyện dùng người ngày xưa

Đọc Đại Việt sử ký toàn thư, chúng ta thấy nước ta thời vua Lê Thánh Tông (1460 -1497) là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất về mọi mặt trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Bìa cuốn sách Đại Việt sử ký toàn thư của Nhà xuất bản Văn học (Ảnh: tác giả cung cấp).
Bìa cuốn sách Đại Việt sử ký toàn thư của Nhà xuất bản Văn học (Ảnh: tác giả cung cấp).

Sự phát triển đó không thể không kể đến sự trị vì sáng suốt, quyết đoán của vị vua tài năng, tâm huyết Lê Thánh Tông. Đặc biệt là chính sách trọng dùng người tài của ông.

Sách Các triều đại Việt Nam viết: "Bộ máy nhà nước trung ương tập quyền dưới triều Lê Thánh Tông đạt đến mức hoàn bị, từ trung ương xuống đến xã.

Thế lực của đại quý tộc bị hạn chế, thay vào đó là sự tham chính của tầng lớp sĩ phu nho giáo được tuyển lựa bằng con đường thi cử".

Thế có nghĩa là thế lực "con ông cháu cha" không thể lộng hành và những người có chân tài thực học được chọn lựa vào bộ máy nhà nước các cấp.

Ông vua anh minh này đã biết sử dụng rất nhiều nhân tài để phát triển đất nước như Thái úy Nguyễn Xí, Thái sư phụ chính Đinh Liệt.

Ông thường nói với các vị quan đại thần này: "Tôn miếu yên hay nguy, chỉ mấy người các khanh thôi, các khanh nên nghĩ cho kĩ, tâu việc chính trị cho trầm nghe, trẫm cố gắng quyết đoán ở trong, các khanh thừa hành bên ngoài" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Không chỉ biết sử dụng các vị quan tài năng mà vị minh quân này cũng ra sắc dụ khuyên răn các vị quan về việc dùng người:

"Nghe Tư Mã Quang có nói rằng:“Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến họa loạn".

Ta và các ngươi thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm nhớ lấy, các ngươi chớ có lãng quên” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Khi một vị quan đại thần phạm tội, vua lập tức giáng chức và răn vị quan này: "Pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi đều phải tuân theo, ngươi nên nhớ lấy”.

Một ông vua quyết đoán và giỏi dùng người như vậy nên đất nước yên bình, thịnh trị cũng không có gì lạ.

Bìa cuốn sách Các triều đại Việt Nam (Ảnh: tác giả cung cấp).
Bìa cuốn sách Các triều đại Việt Nam (Ảnh: tác giả cung cấp).

Chuyện dùng người của Thái sư Trần Thủ Độ, vị khai quốc công thần của triều Trần cũng là một bài học vì sự công minh chính trực, dùng người tài năng vì lợi ích quốc gia chứ không vì họ hàng, thân thích.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép rằng: "Thủ Độ từng duyệt định sổ hộ khẩu, quốc mẫu (vợ Trần Thủ Độ) xin riêng cho một người làm câu đương (người làm chức dịch trong làng).

Thủ Độ gật đầu và biên họ tên, quê quán của người ấy. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi rằng tên ấy đâu. Người ấy vui mừng chạy đến. Thủ Độ nói:

"Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không ví như người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác".

Người ấy kêu van xin thôi, hồi lâu mới tha cho; từ đấy không ai dám đến nhà thăm riêng nữa.

Vua Thái Tôn muốn cho người anh của Trần Thủ Độ là An Quốc làm tướng. Thủ Độ nói: "An Quốc là anh thần, nếu là người hiền thì thần xin nghỉ việc, nếu cho thần là hiền hơn An Quốc, thì không nên cử An Quốc. Nếu anh em cùng làm tướng thì việc trong triều đình sẽ ra sao ?"  Vua bèn thôi".

Trần Thủ Độ đúng là một tấm gương sáng người về đạo dùng người và "dĩ công vi thượng".

Trong thời kỳ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác Hồ cũng là một tấm gương vĩ đại về cách dùng người tài.

Người từng nói: “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.

Bìa cuốn sách Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: tác giả cung cấp).
Bìa cuốn sách Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: tác giả cung cấp).

Khi đất nước mới giành được độc lập và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đứng trước muôn ngàn khó khăn, Người đã xác định được tầm quan trọng của việc sử dụng người tài.

Người đã thuyết phục và mời được các nhân sĩ, trí thức ra giúp nước không kể già hay trẻ, cựu học hay tân học, trong Đảng hay ngoài Đảng như các vị: Nguyễn Văn Tố, Huỳnh Thúc Kháng, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Phan Anh, Hoàng Minh Giám...

Người mời được các trí thức Việt Kiều về giúp nước như: Bác sĩ Trần Hữu Tước, kĩ sư Trần Đại Nghĩa, kĩ sư Võ Quý Huân, giáo sư Trần Đức Thảo,...

Đồng thời, Người mạnh dạn sử dụng nhân tài trẻ như phong Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp lúc ông mới 37 tuổi, bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho ông Nguyễn Văn Huyên (một người không phải là Đảng viên) lúc ông mới 38 tuổi.

Trong kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ cũng là người quyết định án tử hình đối với Đại tá Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu vì tội tham nhũng.

Chuyện bổ nhiệm và sử dụng cán bộ ngày nay

Ngày nay, bên cạnh những kết quả đạt được, việc bổ nhiệm và sử dụng cán bộ của chúng ta còn rất nhiều vấn đề hạn chế, bất cập.

Chỉ cần lên mạng, gõ vào trang tìm kiếm Google cụm từ "cả họ làm quan", lập tức có ngay khoảng 121.000.000 kết quả trong vòng 0,26 giây.

Câu chuyện "cả họ làm quan" này hình như đã được "phổ cập"  khắp Bắc, Trung, Nam: Hà Giang, Yên Bái, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định,  Đăk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Long An...

Bàn chuyện dùng người ngày xưa và công tác cán bộ ngày nay ảnh 4Đất nước sẽ ra sao khi cán bộ vi phạm khuyết điểm vẫn chui sâu, leo cao?

Vậy là chức vụ, quyền lực của nhà nước, của nhân dân đã bị một số người có chức quyền ở địa phương, cơ quan, đơn vị biến thành quyền lực của cá nhân mình ban phát chức quyền cho anh em, họ hàng thân thích. Họ đã biến việc công thành việc tư vì mục đích trục lợi.

Có điều lạ là báo chí, dư luận nhân dân rất bức xúc nhưng việc kiểm tra và xử lý thực trạng đáng buồn này xem chừng vẫn còn sánh ngang tốc độ... rùa.

Việc bổ nhiệm người nhà còn len vào các bộ ngành từ trung ương đến địa phương chẳng hạn như vụ bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, con ông cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng hay vụ ông Võ Thành Long, cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những bổ nhiệm nhân sự cho hàng loạt người nhà, trong đó có vợ ông.

Cách đây 7-8 năm dư luận cũng bàn tán xôn xao về việc hai vị lãnh đạo cao nhất nhì của đất nước cũng lợi dụng chức vụ, ảnh hưởng của mình để cài cắm, bổ nhiệm con trai vào những vị trí lãnh đạo cao cấp ở trung ương và địa phương.

Đó là năm 2010, con trai một vị lãnh đạo cao cấp được điều động từ Ủy ban Dân tộc của Chính phủ về làm lãnh đạo cao nhất của tỉnh Bắc Giang.

Nhưng chỉ hai năm sau, vị này lại phải quay trở về vị trí cũ.

Năm 2011, dư luận cũng có nhiều dị nghị khi con trai một vị lãnh đạo cao cấp khác lại được bổ nhiệm thẳng từ Phó hiệu trưởng một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh lên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Chuyện bổ nhiệm vét, bổ nhiệm tháo khoán lúc "hoàng hôn nhiệm kỳ" của hai ông Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Huỳnh Phong Tranh hay của ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lúc sắp về hưu cũng từng làm nóng dư luận một thời gian dài.

Gần đây chuyện "bổ nhiệm không trong sáng" xảy ra ở tỉnh Thanh Hóa khiến cho người ta nghĩ rằng đây là "truyền thống" của tỉnh này vì cho đến nay ngoài bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng đã bị xử lý thì còn bà Lê Thị Thu Hà - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo và nhiều người khác nữa của thành phố Thanh Hóa vẫn chưa bị xử lý.

Bàn chuyện dùng người ngày xưa và công tác cán bộ ngày nay ảnh 5Thêm bằng chứng khẳng định cô Hà được “nâng đỡ không trong sáng”

Về những chuyện "bổ nhiệm không trong sáng" này của xứ Thanh, có người nói vui: "Không nên dùng cụm từ "bổ nhiệm không trong sáng" mà nên dùng cụm từ "bổ nhiệm trong tối" thì đúng hơn.

Nếu nói đúng bản chất của sự việc phải gọi là bổ nhiệm trái quy định, bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn hay nói nôm na là bổ nhiệm sai hay dân dã hơn thì đó là bổ nhiệm láo.

Việc đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ còn nhiều hạn chế được bộc lộ qua việc phải xử lý kỉ luật hoặc xử lý hình sự hàng loạt cán bộ cấp cao trong mấy năm gần đây như: Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Đặng Thanh Bình, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Xuân Anh...

Gần đây nhất chuyện "con ông cháu cha" ở Đài Truyền hình Hà Nội cũng làm nóng dư luận.

Theo Báo Tiền Phong, sáng 3/7, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Tổng Giám đốc Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, nhà báo Tô Quang Phán cho biết, Đài phát thanh truyền hình Hà Nội có 719 người thì có tới 40% là cán bộ yếu kém.

Ông Phán cũng thẳng thắn thừa nhận: “40% cán bộ này cũng không bỏ được, không loại được vì là con ông này, cháu bà kia từ thành phố đến Trung ương trở xuống”.

Sự thật, dân đang phải nuôi báo cô bao nhiêu cán bộ?

Vậy là 40% cán bộ làng nhàng, yếu kém này đều là "con ông cháu cha" được ông này, bà kia gửi gắm nên không thể đuổi được thì các chủ trương tinh giản biên chế, "tìm người tài chứ không tìm người nhà" không biết bao giờ mới thực hiện được vì chính các lãnh đạo vụ lợi lại vì thân thích của mình mà bỏ đi một chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh (ký tên X.Y.Z) đã dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi việc" "Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém".

Vì vậy, theo thiển ý của người viết để đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì công tác cán bộ, nhất là việc sắp xếp tinh giản bộ máy, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực phải được các ngành, các cấp, đặc biệt là các cấp lãnh đạo phải hết sức chú trọng; thì mục tiêu trên mới sớm trở thành hiện thực.

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Việt sử ký toàn thư (dịch giả Cao Huy Giu, hiệu đính Đào Duy Anh, NXB Văn học, 2009).

2. Sửa đổi lề lối làm việc (X.Y.Z, NXB Chính trị quốc gia, 2015).

3. Các triều đại Việt Nam (Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng, NXB Văn hóa - Thông tin, 2009).

4.http://nhandan.com.vn/theodong/item/29631302-bai-hoc-trong-dung-nhan-tai-cua-bac-ho.html

5.http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/chuyen-ke-ve-nhung-viet-kieu-cung-bac-ve-nuoc-70-nam-truoc-486468

6.https://tuoitre.vn/cuc-truong-cuc-thue-de-nghi-vo-lam-cuc-pho-1164649.htm

7.http://dantri.com.vn/blog/nang-do-khong-trong-sang-buoi-hoang-hon-nhiem-ky-o-chuyen-tau-vet-20180619050254328.htm

8.https://www.tienphong.vn/xa-hoi/40-can-bo-yeu-kem-la-con-ong-chau-cha-1295489.tpo

Trần Sơn