Vượt hàng nghìn kilomet trong hành trình “Nam tiến”
Ba giáo viên của Trường Trung học cơ sở Quang Trung – xã Hồng Quảng – huyện A Lưới – tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn chúng tôi đến nhà của nhà A Viết Pia (13 tuổi, trú xã Nhâm, huyện A Lưới) khi trời đã xế trưa.
Em A Viết Pia cùng bố kể lại câu chuyện bỏ học để vào Nam làm ăn. |
Băng qua một con đường đầy đá dăm và cát, chúng tôi mới đến được nhà của Pia - cậu bé bỏ học vào Nam làm công nhân mới trở về nhà cách đây hơn 10 ngày.
Nhà của Pia nằm tuốt sâu phía trong vành đai biên giới Việt – Lào, lọt thỏm giữa núi rừng Trường Sơn, cách thị trấn A Lưới đến gần cả chục cây số.
Cuộc chiến giữa học chữ và mưu sinh của học sinh làng chài |
Ông A Viết Chiêm (70 tuổi) bố của Pia mời chúng tôi vào nhà sau khi được ba giáo viên giới thiệu có khách đến hỏi thăm về con trai mình.
Nhà của Pia chẳng có gì đáng giá, bên trong chỉ có hai chiếc giường cùng với ít thức ăn còn thừa từ bữa sáng chuẩn bị được nấu lại để ăn trưa.
Rót cho chúng tôi ly nước được nấu bằng lá rừng, ông Chiêm kể rằng, gia đình ông có 10 người con. Pia là con út trong nhà.
Năm lên lớp 7 thì Pia nghỉ học vào Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê. Ngày Pia đi cả nhà không ai biết, cho đến khi nhận được điện thoại của Pia gọi về.
Ông Chiêm cho hay, đầu năm lớp 7 (năm học 2016 – 2017) có một người phụ nữ tên Sen rủ Pia vào Thành phố Hồ Chí Minh để làm công nhân may với mức thu nhập đáng kể.
Nghe vậy, Pia mới xin phép gia đình theo người phụ nữ kia vào Nam làm ăn, nhưng ông Chiêm không đồng ý.
Tuy vậy, Pia vẫn bỏ nhà đi theo người phụ nữ tên Sen bất chấp sự ngăn cản của gia đình. Khi đã khăn gói về đến Thành phố Huế thì Pia mới gọi về nhà báo rằng đã đi miền Nam.
Pia kể lại, vào Thành phố Hồ Chí Minh em được bố trí làm việc tại một cơ sở may với nhiệm vụ khâu cúc áo, với thu nhập 1,5 triệu/tháng.
Sau một thời gian làm việc, chủ cơ sở may cho Pia nghỉ việc vì số đơn hàng đã giảm không cần thêm người.
Sau đó, Pia nhận được 500 nghìn đồng và bắt xe từ Thành phố Hồ Chí Minh về lại Huế, ngoài ra không có thêm bất cứ chi phí nào.
“Em làm việc 5 tháng tại xưởng may với 8 tiếng một ngày, cơm ăn ngày 3 bữa. Khi ông chủ cho nghỉ em nhận được 500 nghìn rồi bắt xe về nhà, khi về thành phố em gọi người nhà đến đón”, Pia nói.
Con gái vào Sài Gòn, mẹ ở nhà ngóng tin
Rời nhà Pia, chúng tôi đến nhà của em Hồ Thị Vải (học sinh lớp 8 trường Quang Trung). Vải hiện đang ở Sài Gòn làm thuê cho một cơ sở may. Tiếp chuyện chúng tôi chỉ có bà Hồ Thị Phro mẹ của Vải.
Bà Hồ Thị Phro kể về con gái mình đã khó khăn như thế nào khi bỏ học để đi làm. |
Mẹ của Vải kể lại rằng, trong một lần xuống Huế để đi khám, Vải tình cờ quen với một người đàn ông tên Long. Người đàn ông này sau đó đã rủ Vải vào Sài Gòn để đi làm may và Vải đồng ý.
Tuy nhiên từ khi vào Sài Gòn thì phải đến nửa tháng sau Vải mới gọi về nhà, trước đó người nhà Vải không hề hay biết con mình làm gì.
Đi học từ khi gà gáy, đường đến trường toàn dốc với đèo |
Mẹ Vải nói rằng, bà không muốn cho con mình đi xa như vậy nhưng vì gia đình quá nghèo khó, thiếu cái ăn cái mặc nên đành chấp nhận.
Vải bắt đầu rời gia đình đi làm ăn từ tháng 2/2017 nhưng đến nay vẫn chưa gửi về gia đình một khoản tiền nào.
Mẹ Vải tâm sự, qua điện thoại Vải kể rằng mình làm trong một cơ sở may, chủ cơ sở này nói rằng phải làm đến cuối năm mới có tiền, trường hợp nghỉ ngang thì chủ cơ sở sẽ không trả bất cứ khoản nào.
Thương con, nhưng bà Phro ít khi liên lạc được với con gái, mà chỉ đợi Vải gọi về.
Ngành giáo dục cùng gia đình vào cuộc
Theo ông Trần Duy Nguyên – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới, tình trạng học sinh bỏ học để đi làm ăn xa đã diễn ra vài năm nay, thông thường diễn ra sau Tết Nguyên đán, vì thời gian này người nhà các em đi làm về và rủ đi theo.
Tết đến, thầy lại lo học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật và bỏ học |
Trong năm học 2016 – 2017, tình trạng học sinh nghỉ học đã giảm khoảng 50%, nhưng vẫn còn nhiều học sinh bỏ học đi làm chủ yếu tập trung tại xã Hồng Quảng, Nhâm, A Ngo.
Ông Nguyên thông tin thêm, mỗi khi học sinh không đến lớp vài ngày, giáo viên tìm đến nhà để hỏi thì mới biết các em đã đi làm. Gia đình biết đi đâu, nhưng lại không biết con em mình đi để làm gì.
Thầy Thái Nam – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quang Trung chia sẻ, việc học sinh bỏ học ngoài học lực yếu không theo kịp chương trình thì còn có cả trách nhiệm của gia đình các em.
Nhiều gia đình vì không có người làm nên đành để con của mình đi làm gác lại chuyện học hành.
Trước tình trạng nói trên, ông Nguyên cho hay sẽ tiếp tục kết hợp cùng với các gia đình vận động các em tiếp tục đến trường; đồng thời phối hợp với Công an huyện ngăn chặn tốt hơn nữa việc người lạ rủ rê các em đi xa.