Nhiều năm qua, các em học sinh trung học phổ thông ở xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) phải đến trường trên những cung đường xa xôi, lại khó khăn, nguy hiểm. Bởi lý do này mà nhiều em đã phải bỏ học giữa chừng.
Đi học từ lúc gà gáy
Xã Hồng Hóa là một trong nhiều xã khó khăn của huyện Minh Hoá, nằm giữa bao la núi rừng. Ở đây, có gần 100 em học sinh đang theo học tại Trường trung học phổ thông Minh Hóa ở trung tâm huyện.
Nhiều học sinh phải dắt xe qua đèo Dốc Cảng. (Ảnh: X.V) |
Hàng ngày để đến trường học, các em học sinh ở xã Hồng Hóa phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, chuẩn bị đồ đạc rồi đi xe vượt chặng đường hàng cây số, với con dốc đèo cao hun hút để đến kịp giờ học.
Đến trường mà chẳng có đường, hễ trời mưa là nghỉ học |
Khoảng 17 giờ 30 phút, hàng chục em học sinh đạp xe nối đuôi nhau vượt hàng cây số, với những cung đường nguy hiểm để về nhà. Từ Trường trung học phổ thông Minh Hoá, theo Quốc lộ 12A đi chừng 7 cây số thì đến đèo Dốc Cảng.
Đèo Dốc Cảng dài khoảng 3 cây số, nối từ xã Yên Hoá về xã Hồng Hóa, xuyên qua cánh rừng rậm với một bên là núi đá vôi cao chót vót, một bên còn lại là vực sâu thẳm. Đây là con dốc đèo rất cao, các em học sinh phải đi lại rất vất vả và nguy hiểm. Nhìn các em học sinh đi xe đạp lao dốc vun vút khiến chúng tôi không khỏi rùng mình, lo lắng.
Em Đinh Quốc Văn (ở thôn Vè, xã Hồng Hóa) cho biết, có nhiều trường hợp khi lao đèo Dốc Cảng, xe đứt phanh đành phải dùng chân đạp vào bánh trước để giảm tốc độ. Cũng có trường hợp bị ngã sưng cả mặt mũi, thậm chí gãy chân tay phải vào bệnh viện.
Nhiều học sinh Trường trung học phổ thông Minh Hóa (ở xã Hồng Hóa) phải bỏ học giữa chừng vì đường đi lại quá khó khăn. (Ảnh: X.V) |
“Việc lao dốc này đối với các em đã quá quen, chỉ cần xe không bị đứt phanh là yên tâm. Với lại chỉ sợ khi có xe ô tô đi ngược chiều lấn đường lỡ mình không tránh kịp”, Văn nói.
Theo nhiều em học sinh ở đây, từ dưới đèo Dốc Cảng về nhà còn phải mất khoảng 10 cây số nữa mới về đến nhà, lúc về nơi thì cũng đã hơn 19 giờ. Hôm sau, các em lại dậy từ lúc gà gáy, cầm đèn pin để bắt đầu cuộc hành trình gần 20 cây số bằng xe đạp đến trường. Đường về thì lao dốc vun vút, đường đi các em lại đẩy bộ qua đèo Dốc Cảng đến “mệt bở hơi tai”.
“Leo lên được con dốc này, chúng em phải đẩy bộ gần một giờ đồng hồ. Buổi sáng trời mát con đỡ, chứ buổi trưa nắng thì mệt không thở ra hơi”, em Đinh Thị Thùy Dung, một học sinh lớp 10 (ở thôn Tiến Hóa) nói.
Nhiều em bỏ học giữa chừng vì đường xa
Theo tìm hiểu, mỗi năm có khoảng trên 10 em học sinh trung học phổ thông ở xã Hồng Hóa bỏ học từ đầu cấp hoặc bỏ giữa chừng vì đường đi lại khó khăn.
Em Đinh Quốc Văn (ở thôn Vè, xã Hồng Hóa) cho biết, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mà đường đi học quá xa nên hai anh trai của em đều phải nghỉ học giữa chừng.
“Ngày nào em cũng đi học từ 4 rưỡi sáng để cho kịp giờ học. Buổi trưa nhiều khi chỉ ra quán ăn tạm gói mì tôm rồi vào học tiếp. Học xong thì mãi đến hơn 7 giờ tối em mới về được đến nhà.
Nhiều bữa trời nắng về tới nhà là nằm liệt giường luôn chứ còn sức đâu mà học bài nữa. Dù vất vả, nhưng em phải cố gắng đi học để sau này kiếm cái nghề chứ bỏ học về chẳng biết làm gì cả”, em Đinh Thị Nhạn, học lớp 11A3 tâm sự.
Ông Đinh Xuân Đại, một phụ huynh có con đang theo học trung học phổ thông ở xã Hồng Hóa chia sẻ: “Mỗi lần thấy con đi học sớm, về muộn khiến đứa nào đứa nấy mệt lừ đến bỏ ăn, phận làm cha mẹ thấy vậy xót lắm. Chỉ mong các cấp chính quyền, các ban ngành liên quan cùng chung tay, giúp đỡ để các cháu được đi xe buýt hay xe khách như một số em học sinh dưới xuôi cho đỡ vất vả hơn”.
Thầy Trần Văn Đồng - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Minh Hóa cho biết: “Hiện trong trường có hàng trăm em học sinh ở xã Tân Hóa và Hồng Hóa phải đi học trên quảng đường dài từ 15 đến 20 cây số. Do đường quá xa nên hàng năm có khá nhiều học sinh bỏ học, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường.
Trước thực trạng trên, nhà trường cũng đã bàn bạc với hội cha mẹ học sinh và một số nhà xe khách trên địa bàn để tạo điều kiện cho học sinh đi học tốt nhất nhưng đến nay vẫn chưa có sự thống nhất”.