Bản làng chỉ có 10 học sinh
Đi bộ gần 3 giờ đồng hồ, phải len lỏi quá những dốc đá gồ ghề, lởm chởm, chúng tôi đến được bản Đoòng, một bản làng đặc biệt khó khăn của xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).
Lớp học ở bản Đoòng chỉ có vỏn vẹn 3 bộ bàn ghế và tấm bảng (Ảnh: Phúc Văn) |
Nơi đây có một điểm trường nằm lặng lẽ, đơn sơ giữa rừng núi. Điểm trường bản Đoòng thuộc Trường Trung học phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và Trung học cơ sở Tân Trạch , chỉ vỏn vẹn 10 học sinh ở 3 khối lớp gồm: lớp 3, lớp 5 và lớp 7.
Nói là trường, nhưng thực chất đó chỉ là ngôi nhà được dựng bởi những tấm ván gỗ trên nền đất tạm bợ, rộng chừng 30 mét vuông.
Thầy giáo Hoàng Văn Sáu (sinh năm 1968, quê ở xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch) - một giáo viên cắm bản ở đây cho biết: “Cả bản chỉ có 10 em học sinh, trong đó khối lớp 3 có 2 em, lớp 5 và lớp 7 mỗi khối có 4 em. Do đặc thù bản nằm biệt lập với bên ngoài, vì vậy các em khá nhát khi giao tiếp với người lạ”.
Túp lều dựng tạm bợ được gọi là lớp học kia ngăn thành 3, 2 ngăn dùng để học, một ngăn còn lại để các thầy giáo ăn ở và sinh hoạt.
Sự khó khăn, vất vả của các giáo viên nơi đây thêm bội phần khi nơi này chưa có mạng lưới điện. Để việc học của các em học sinh không bị ảnh hưởng, các thầy giáo luôn phải linh hoạt thay đổi giờ giấc học tập, vất vả nhất là vào những ngày mưa gió.
Biệt lập với thế giới bên ngoài, bản Đoòng còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. (Ảnh: Phúc Văn) |
Sinh sống giữa một bản làng nằm tách biệt với bên ngoài, các em học sinh ở đây thiệt thòi đủ thứ. Vì vậy, khi được học con chữ, các em rất hăm hở và chăm chú nghe giảng bài.
Em Nguyễn Thị Con (sinh năm 2003) đang là học sinh lớp 7 tâm sự: “Em rất thích được học. Sau này lớn lên em muốn trở thành cô giáo để dạy chữ cho các em nhỏ khác. Em mong muốn cuộc sống của chúng em ở đây đỡ vất vả hơn”.
Khi được hỏi ngoài giờ học thì làm gì, Con nhanh nhẻn trả lời rằng em vào rừng kiếm củi phụ giúp bố mẹ. Buổi tối, vì không có điện nên em phải thắp đèn ôn bài.
Băng rừng gieo chữ
Điểm trường ở bản Đoòng được thành lập từ năm 2010, thầy Hoàng Văn Sáu là người đầu tiên được cử lên đây cắm bản và gắn bó với học sinh nơi đây đến tận bây giờ.
Nhớ lại những ngày đầu chân ướt chân ráo đến vùng đất này, thầy Sáu nói nhiều lúc không nghĩ mình sẽ vượt qua được để bám trụ đến tận bây giờ.
Chưa kể đến những thiếu thốn, khó khăn ở trong bản, riêng đường đi vào bản đã là cả một chặng đường đầy gian nan và nguy hiểm. Mới nghĩ đến và nghe qua lời kể thôi nhiều người cũng không dám đến rồi. Thế nhưng, gần 7 năm qua thầy Sáu vẫn vượt rừng, vượt núi... vượt qua cả ý chí của mình để đem con chữ đến cho các em học sinh.
Thầy Sáu kể, mới đầu trường chỉ là một cái chòi tạm, không có một chiếc bàn học nào. Rồi thầy đã cùng dân bản cầm búa, cầm đinh đóng từng chiếc bàn, từng chiếc ghế cho học sinh từ những tấm ván góp.
“Thời gian đầu, nhiều khi thấy nản lắm vì sống xa gia đình, lại ở nơi núi rừng lạnh lẽo, thiếu thốn đủ bề. Nhưng rồi vẫn cứ cố gắng, ở lâu dần thành quen, ăn ngủ với dân bản và thấy gắn bó, giờ tôi lại muốn ở đây để có thể làm được điều gì đó có ích cho bà con, cho học sinh để nơi này bớt nghèo khổ”, thầy Sáu chia sẻ.
Một bản làng nằm ở nơi thâm sơn cùng cốc, không tránh khỏi việc học sinh bỏ học hay không chịu đến lớp. Mới đầu lên đây, thầy Sáu đã bao lần phải đến vận động từng học sinh đến trường.
Rồi những buổi sáng thầy gõ liền 3 hồi chuông nhưng không có em học sinh nào chịu đến trường. Lúc này, thầy đành phải nhờ đến trưởng bản vận động, khuyên nhủ làm sao cho học sinh đi học đầy đủ.
Những kỷ niệm về muôn vàn khó khăn, vất vả khi mới lên đây có lẽ thầy không thể nào quên được. Thầy nhớ cả những lần dựng lán giữa rừng dạy chữ, lũ tràn về lại cuốn phăng mất...
Học sinh không được học qua các lớp mầm non, khi vào nhận lớp, thầy Sáu phải kiêm luôn việc dạy tiếng Kinh.
Mới đây, Trường Trung học phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và Trung học cơ sở Tân Trạch đã bổ sung thêm 2 nữa lên cùng cắm bản với thầy Sáu. Do vậy, việc dạy học và ăn ở cũng đỡ vất vả, buồn tẻ hơn. Thời điểm chúng tôi lên, 2 thầy giáo kia đã về quê, còn lại mỗi thầy Sáu ở lại trực, dạy bồi dưỡng để bảo đảm đúng tiến độ của việc học.
Nói về sự học ở đây, Trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc cho biết, vì muốn tìm con chữ cho các em nên ông đã băng rừng, lội suối đến Ủy ban nhân dân xã Tân Trạch gõ cửa xin được tìm thầy dưới xuôi lên dạy chữ cho các em.
Năm 2007, lớp học được mở tại bản Đoòng nhưng chỉ được được một thời gian ngắn thì trận lũ kinh hòang cuốn bay mất trường nên việc dạy học bị gián đoạn.
Đến năm 2010, khi thực hiện chương trình mở lớp học xóa mù chữ cho các em học sinh vùng cao, Trường Trung học phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và Trung học cơ sở Tân Trạch đã cử thầy Hoàng Văn Sáu lên cắm bản.
Từ đó đến nay, giữa nơi đại ngàn xa xôi ấy, lớp học của các em học sinh và những người thầy hàng ngày vang lên tiếng đọc chữ, làm cho bản làng này thêm sức sống.