Hôm nay (26/10), Quốc hội dành cả ngày thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Quốc hội sẽ đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 cũng sẽ được xem xét.
Theo thống kê trên bảng điện tử, đầu giờ sáng có 69 đại biểu đăng ký phát biểu.
Đại biểu Cao Đình Thưởng – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Phú Thọ phát biểu, việc sắp xếp tinh giản bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết của Quốc hội là một chủ trương đúng đắn nhằm khắc phục tình trạng cồng kềnh của bộ máy được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Đại biểu Cao Đình Thưởng. Ảnh: Quochoi.vn |
Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể nên thực hiện ở các địa phương chưa đồng bộ, thống nhất và có thể nói là rất lúng túng, mỗi nơi làm một cách khác nhau.
Trong khi chúng ta chưa thí điểm mô hình, tổng kết đánh giá nhân ra diện rộng. Nhiều vướng mắc băn khoăn chưa được tháo gỡ.
Việc tinh giản đầu mối còn mang tính cơ học ví dụ như việc sáp nhập các ban, sở ngành…chưa được tính toán thấu đáo trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và các quy định của pháp luật.
Đề nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất trên cả nước.
"Tiếp đó là vấn đề tinh giản biên chế rất nóng thời gian qua. Với tinh giản biên chế công chức, tôi cho rằng có nhiều thuận lợi.
Nhưng giảm biên chế viên chức, sự nghiệp, nhất là viên chức giáo dục thời điểm này cần có lộ trình và sự cân nhắc kỹ”, đại biểu Thưởng nói.
Ông dẫn chứng, theo thống kê chưa đầy đủ vừa qua, chỉ ở 43 tỉnh trực thuộc Trung ương đã thừa thiếu giáo viên cục bộ. Riêng giáo viên mầm non thiếu 44 nghìn người.
“Theo tôi biết, cả nước hiện chỉ có 2 địa phương có đủ giáo viên.
Giáo dục, y tế cần phải tạo ra đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của người dân một cách tốt nhất.
Chúng ta không thể gộp tất cả các điểm trường ở các khu vực miền núi để các cháu phải đi học quá xa nhà.
Chúng ta không thể để tình trạng nhồi nhét 50 – 60 học sinh/lớp ở các thành phố, thị xã mà phải nhanh chóng xử lý bài toán thiếu giáo viên hiện nay. Tất nhiên phải có tầm nhìn dài hạn để xử lý hậu quả sau này”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu tạo ra lộ trình hợp lý để các địa phương có quyền chủ động để các địa phương sắp xếp đội ngũ, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non đang có thu nhập rất thấp, quá tải công việc.
Đồng thời đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục, y tế ở những nơi có điều kiện.
Về việc sáp nhập thôn xã, nhiều nơi đang gặp rất nhiều khó khăn về xử lý chính sách cán bộ, giấy tờ, cơ sở vật chất, tập quá chứ không đơn thuần là dân số và diện tích.
Đề nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.
Theo đại biểu, ở nước ta mỗi địa phương có đặc thù khác khác nhau, mỗi nơi có cách làm riêng.
Nhưng theo đại biểu, chủ trương phải thống nhất toàn quốc cho toàn quốc.
Vừa qua có địa phương xin cơ chế đặc thù, trong đó có tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức hoặc xin được soạn sách giáo khoa cho riêng mình sau khi Bộ có chương trình. Hay xin giảm học phí cho Trung học cơ sở khi chưa có luật ra đời.
“Tôi đề nghị đã là chính sách chung phải thống nhất trong toàn quốc, đã là cán bộ, công chức, viên chức của Việt Nam phải được hưởng chế độ chung và có mặt bằng như nhau.
Đã là dân tộc thiểu số thì ở vùng miền nào cũng vậy. Ngay cả sách giáo khoa phổ thông cả nước nên dùng chung một bộ sách giáo khoa.
Không nên một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa, nhiều là bao nhiêu?. Tôi cho rằng cần hội nhập nhưng cần giữ gìn bản sắc”, đại biểu Cao Đình Thưởng nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề biên chế giáo viên, đại biểu Hoàng Quang Hàm – Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, ngành giáo dục đang gặp nhiều khó khăn, đội ngũ nhà giáo đang bị tác động bởi nhiều chính sách. Trong đó, chính sách tinh giản biên chế.
Theo đại biểu, nếu áp dụng tư duy giảm biên chế 10% đối với khối sự nghiệp, trong đó có giáo dục là bất cập và không khả thi. Vì vậy cần xem xét, tính toán lại và có cách hiểu tường minh về vấn đề này.