Định"nuốt" hàng trăm hecta rừng nhưng chưa báo cáo Bộ
Hơn 100 ha rừng phòng hộ tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc có nguy cơ bị "xóa sổ" nếu đơn vị có thẩm quyền phê duyệt đầu tư dự án “siêu nghĩa trang” tại núi Ngang, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo.
Bất ngờ hơn, chỉ sau 02 ngày sau khi nhận được tờ trình của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, vào ngày 6/1/2017, Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã họp và thống nhất một cách "chóng vánh" với tờ trình về quy hoạch xây dựng công viên nghĩa trang tại xã Bồ Lý.
Cánh rừng phòng hộ bạt ngàn ở xã Bồ Lý sắp bị thay thế bằng nghĩa trang có quy mô hơn 2 triệu bộ hài cốt. |
Câu hỏi đặt ra là, một “siêu dự án” có quy mô lớn, có thể ảnh hưởng sâu sắc tới môi trường, môi sinh được thông qua một cách "chóng vánh" như vậy liệu đã đảm bảo tính khoa học, khả thi?
Tỉnh Vĩnh Phúc liệu đã có phương án đối phó với những hệ lụy có thể xảy ra khi thực hiện chuyển đổi đất rừng?
Sáng 23/1/2017, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị sẽ cho kiểm tra phản ánh, để nắm tình hình sự việc.
Vì sao người dân lo sợ về “siêu nghĩa trang" sắp hình thành trên Tam Đảo? |
“Rừng phòng hộ này thuộc tỉnh xác lập, quản lý. Nếu triển khai dự án tại khu vực có rừng phòng hộ thì tỉnh Vĩnh Phúc phải có văn bản báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xin ý kiến thỏa thuận và phải có sự đồng ý của Bộ.
Đến nay chúng tôi chưa nhận được văn bản gì của địa phương”, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.
Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cho biết thêm: “Nếu chỉ có tờ trình dự án của đơn vị chủ đầu tư mà đã thông qua và thực hiện dự án là không đúng.
Một dự án muốn được chấp thuận, thực hiện phải tiến hành khảo sát, đánh giá tác động môi trường… chứ đâu có dễ dàng như vậy.
Nếu việc chuyển đổi rừng phòng hộ với diện tích lớn thì phải trình xin ý kiến của Quốc hội. Chúng tôi sẽ cho anh em kiểm tra lại thông tin này”.
"Không phải bỗng dưng người ta xác lập đó là rừng phòng hộ"
Bình luận về sự việc trên, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng nhận định, cơ quan có thẩm quyền cần nghiêm túc xem xét, đánh giá những tác động có thể xảy ra khi thực hiện “siêu dự án”.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung phân tích: “Về mặt nguyên tắc pháp luật, cấp nào xác lập khu rừng ấy là rừng phòng hộ thì cấp đó mới có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng. Ảnh: Trung tâm Di sản |
Ví dụ, trước đây Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn xác lập, quy định khu rừng này nằm trong danh sách rừng phòng hộ của tỉnh, giao cho sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn quản lý, thì chỉ có Bộ Nông nghiệp được phép chuyển đổi, cấp dưới không được làm.
Nguyên tắc thứ 2: Phải xem xét địa phương ấy cần khu nghĩa trang tới mức nào? Nếu dự án có tầm vóc quốc tế, do nhà nước đứng ra thực hiện thì chúng ta đừng quá thiên về về mặt nguyên tắc nói trên”.
"Siêu nghĩa trang" trái quy hoạch, xâm phạm vùng đệm rừng quốc gia Tam Đảo? |
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nhận định, để thông qua dự án liên quan tới rừng, đất rừng phòng hộ không phải là chuyện có thể thông qua trong ngày một, ngày hai, đặc biệt là trong thời điểm Nhà nước đã đưa ra nhiều chế tài để bảo vệ quản lý rừng…
Do đó, khi triển khai dự án liên quan tới rừng phòng hộ rõ ràng phải thực hiện các bước đánh giá tác động môi trường, môi sinh để tránh những hệ lụy có thể phát sinh sau dự án...
“Không phải bỗng dưng người ta xác lập khu rừng đó là rừng phòng hộ mà phải có mục tiêu cụ thể là phòng hộ.
Ví dụ, rừng phòng hộ để bảo vệ đê biển nếu khi triển khai dự án, anh phải có phương án thay thế phù hợp, tương đương để đảm bảo công tác phòng hộ.
Nếu không có phương pháp thay thế thì anh không có quyền phá để triển khai dự án.
Thường thì khi liên quan tới vấn đề rừng phòng hộ, thì người ta thường thành lập hội đồng khoa học để người ta xem phương án phòng hộ của anh có thể thay thế được khu đất mà anh định chuyển đổi mục đích sử dụng không?
Thông tư 24/2013/TT-BNNPTNT quy định về việc trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác quy định rõ việc trồng rừng thay thế ở những chỗ có tác dụng tương đương về mục tiêu kinh tế, môi trường ở những chỗ mà ông đã được phép lấy và sử dụng.
Như vậy, cần phải thành lập hội đồng để đánh giá xem nhu cầu xây dựng nghĩa trang có đúng, có thật không?
Nếu thật thì phải có phương án trồng rừng thay thế nhằm đảm bảo tính chất phòng hộ.
Dự án trồng rừng thay thế phải được phê duyệt và anh phải có đủ tiền thực hiện dự án thì mới được phép giải tỏa chỗ đó.
Trên thực tế, có những dự án có liên quan tới sử dụng, chuyển đổi đất rừng không được thông qua vì tính khả thi không cao, phương án khoa học không đảm bảo.
Mặt khác, nếu dự án chưa chưa/không có tính bức thiết thì anh có thể lấy đất chỗ khác anh làm, chứ tại sao anh lại cứ nhằm vào vị trí người ta đã xác lập vị trí đó là rừng phòng hộ rồi?
Nếu lấy 1ha để làm cột thu phát sống thì việc đánh giá, quyết định không mấy khó khăn, nhưng lấy cả trăm ha thì phải xem xét”, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nhận định.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho biết thêm: “Việc chuyển đổi diện tích đất rừng lớn như vậy phải xin ý kiến của Quốc hội.
Theo đó, Nghị quyết 49/2010/QH12 của Quốc hội thì các dự án chuyển đổi 50ha rừng phòng hộ trở lên phải báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.
Nếu Quốc hội đồng ý thì mới được lấy còn không thì anh đi lấy chỗ khác.
Là nhà khoa học tôi không tin ai cả, tôi chỉ tin khoa học thôi.
Bởi trên thực tế có những dự án người ta sẵn sàng hy sinh quyền lợi số đông vì lợi ích cá thể (họ hàng, người thân…).
Ở cấp nào đi nữa anh cũng có thể trở thành kẻ tham nhũng".