Trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2017, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) không quy định điểm sàn, các trường cao đẳng, đại học (CĐ-ĐH) tự quy định điều kiện tuyển sinh của mình.
Việc quy định điểm sàn có lẽ là sự độc đáo trong công tác tuyển sinh đại học của ngành Giáo dục Việt Nam bởi lẽ tốt nghiệp trung học phổ thông chưa phải là đã đủ điều kiện theo học bậc đại học.
Có ý kiến phân vân, có ý kiến không đồng tình và cũng có những ý kiến đồng tình “già nửa” nghĩa là tán thành chủ trương bỏ điểm sàn song phải có lộ trình vài năm hoặc không bỏ điểm sàn với các trường chưa qua kiểm định,…
Hơn 30 năm trước, người viết từng chứng kiến công tác tuyển sinh tại một đại học thuộc Cộng hòa Séc (Tiệp Khắc cũ).
Bỏ điểm sản có phải là "tháo khoán"? (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Học sinh tốt nghiệp phổ thông đăng ký ngành học, trường giao cho khoa tổ chức phỏng vấn, những ai qua vòng phỏng vấn là được nhập học.
Vậy bỏ điểm sàn có phải là “tháo khoán”, có phải là chủ trương nhằm cứu các trường tốp dưới, các trường ngoài công lập đang “thoi thóp”?
Nói theo cách hài hước của một tác giả là việc bỏ điểm sàn giống như quyết định tăng cường “bón cháo và không rút ống thở” với nhóm trường này?
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là mở đầu vào (tuyển sinh), quản lý chặt đầu ra (tốt nghiệp). Người viết cho rằng đây là chủ trương đúng, là hướng đi tất yếu của giáo dục phù hợp với thực tế mà các nước tiên tiến đang áp dụng.
Bỏ điểm sàn phù hợp với chủ trương tạo điều kiện cho công dân học tập suốt đời, những người tốt nghiệp THPT sau một thời gian đi làm vẫn có thể tiếp tục đăng ký học bậc đại học mà không quá lo lắng cho kỳ thi tuyển sinh.
Bỏ điểm sàn cũng có thể bớt đi một kỳ thi thứ hai mà các trường phải tự tổ chức - như quyết định của ĐH Quốc gia Hà Nội vừa qua.
Vấn đề là có phải là Bộ Giáo dục & Đào tạo đang “tháo khoán”?
Bỏ “điểm sàn” vừa phù hợp với Luật Giáo dục đại học vừa phù hợp với xu thế |
Người viết cho rằng không phải như vậy vì câu chuyện “tháo khoán” đã tồn tại từ lâu rồi.
Để chứng minh cho nhận định này xin lấy số liệu thống kê mà Bộ đã công bố (riêng mảng đại học):
Theo số liệu thống kê mới nhất mà Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ GD&ĐT công bố trên website Bộ [1], năm học 2015-2016, cả nước có 223 đại học (163 công lập, 60 ngoài công lập). Tổng số sinh viên là 1.753.174 người.
Số sinh viên tuyển mới là 470.044 người. Số giảng viên đại học là 69.591 người trong đó có 550 giáo sư, 3.317 phó giáo sư, 13.598 tiến sĩ, 40.426 thạc sĩ.
Căn cứ vào Thông tư số: 32/2015/TT-BGDĐT ban hành ngày 16/12/2015, hệ số quy đổi học hàm học vị như sau: đại học: 0,5; thạc sĩ: 1; tiến sĩ: 2; tiến sĩ khoa học, phó giáo sư: 3; giáo sư: 5.
Vì các giáo sư, phó giáo sư đều là tiến sĩ nên số lượng tiến sĩ khi quy đổi sẽ chỉ là 9731 người, số người mới tốt nghiệp đại học, chưa có bằng thạc sĩ hoặc cao hơn là 15.747 người.
Theo quy định khối ngành khi tuyển sinh, số lượng sinh viên/giảng viên tương ứng với các khối ngành như sau: khối ngành I, III, VII là 25, khối ngành IV, V là 20, khối ngành VI là 15 và khối ngành II là 10.
Nếu lấy bình quân là 20 sinh viên/ giảng viên và hệ số quy đổi theo quy định thì số sinh viên đại học được phép tuyển sẽ là (40426+9731*2+3317*3+550*5+15747*0.5)*20 = 1.609.205 người.
So với số liệu công bố, số sinh viên tuyển dư là 143.924 người, bằng gần 30% số sinh viên tuyển mới trong năm học (470.044 người).
Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT cho phép quy đổi cả những người có bằng đại học (hệ số 0,5) để làm căn cứ tuyển sinh trong khi điều 77 Luật Giáo dục quy định phải có bằng thạc sĩ trở lên mới được giảng dạy chuyên đề (môn học) tại các đại học.
Nếu không quy đổi số giảng viên “chưa đủ chuẩn” này thì số lượng sinh viên được phép tuyển chỉ là 1.451.780 và khi đó số tuyển dư sẽ là 301.394 người.
Với số lượng sinh viên tuyển thừa nhiều như vậy liệu có nên lo khi bỏ điểm sàn mức độ “tháo khoán” sẽ còn tăng thêm nữa?
Trở lại vấn đề bỏ điểm sàn, dù biết rằng đó là xu thế tất yếu, dù đồng tình với chủ trương của Bộ Giáo dục & Đào tạo, người viết vẫn muốn nhắc lại ý kiến đã nêu trước đây, đó là việc quản lý công tác tuyển sinh của các đại học, đặc biệt là quản lý đội ngũ giảng viên cơ hữu. [2]
Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó đội ngũ giảng viên giữ vai trò quyết định.
Không ít đại học, đặc biệt là trường ngoài công lập thiếu trầm trọng giảng viên cơ hữu, phần lớn là giáo viên thỉnh giảng “đội lốt” cơ hữu.
Có trường hiện nay như Đại học Hùng Vương, Vtc.vn ngày 8/3/2016 đưa tin doanh nhân Đặng Thành Tâm đã “đuổi toàn bộ giảng viên ĐH Hùng Vương”, tại Đại học Lương Thế Vinh phần lớn giảng viên cũng đã bị cho nghỉ việc,…
Nếu Bộ không quản lý chặt chẽ danh sách giảng viên thì tình trạng phản ánh trong bài báo “Tự chủ tuyển sinh: trường lừa, bộ ngơ, thí sinh đừng nhẹ dạ” [3] liệu có được khắc phục?
Bộ trường Phùng Xuân Nhạ dù quyết tâm đến mấy thì cũng không thể trực tiếp kiểm tra các “danh sách ma” mà một số đại học gửi về Bộ.
Các bộ phận giúp việc Bộ trưởng (Vụ Đại học, Cục Nhà giáo, Thanh tra, khảo thí,…) không thể nói là không biết tình trạng này song đều làm ngơ cho các đơn vị vi phạm, nói như tác giả bài báo đã dẫn: “việc Bộ phê duyệt cho họ tự chủ tuyển sinh thực chất là đồng lõa với hành động lừa đảo”.
Khi cơ quan quản lý cao nhất ngành Giáo dục còn chưa thực hiện nghiêm túc chức năng quản lý nhà nước của mình mà hy vọng “mở đầu vào (tuyển sinh), quản lý chặt đầu ra (tốt nghiệp)” liệu có hơi chủ quan?
Trước khi yêu cầu các trường quản “lý chặt đầu ra”, Bộ trưởng có nên “quản lý chặt” chính đội ngũ chuyên viên của mình?
Trước khi “mở đầu vào” cho các trường, Bộ có nên học tập kinh nghiệm “Hà Nội không vội được đâu”, tiếp tục “mở” cho các nhà quản lý thêm một thời gian nữa?
Câu hỏi này có thể làm Bộ trưởng không hài lòng nhưng đành phải nói thật, rằng nếu Bộ trường có yêu cầu, người viết sẵn sàng cung cấp hàng loạt dẫn chứng.
Điều có thể khẳng định là những chuyện “lùm xùm” không phải chỉ liên quan đến các trường mà còn chính tại một số bộ phận thuộc cơ quan Bộ.
Chỉ còn 6 tháng nữa là đến kỳ tuyển sinh 2017, thời gian tuy không nhiều song cũng đủ để Bộ rà soát danh sách giảng viên, lập ngân hàng dữ liệu giảng viên từ đó loại trừ những “danh sách ma” mà các trường đã hoặc sẽ trình Bộ.
Người viết cho rằng quan điểm cần phải qua kiểm định mới cho các trường tuyển sinh là không khả thi bởi số trường ĐH-CĐ đến nay là hơn 400.
Nếu tất cả các Trung tâm Kiểm định đều hoạt động hết “công suất” thì một năm (ước tính) cũng chỉ có thể kiểm định khoảng 40 trường và mất hơn 10 năm mới kiểm định xong.
Việc đơn giản trong tầm tay Bộ nên làm ngay đầu năm 2017 là yêu cầu các trường thực hiện “ba công khai”, trong đó quan trọng nhất là công khai danh sách giảng viên cơ hữu.
Không ít đại học hiện nay để trống mục ba công khai hoặc mập mờ bằng cách chỉ công bố vài số liệu mà không có thông tin cụ thể.
Có thể có đôi chút châm chước về cơ sở vật chất (trường lớp, phòng thí nghiệm,…) nhưng tuyệt đối không thể châm chước về đội ngũ thày/cô giáo.
Thay vì phải qua kiểm định, nếu trường nào không công bố các số liệu “ba công khai” hoặc số liệu không đáp ứng các quy định hiện hành thì kiên quyết tạm dừng tuyển sinh năm 2017.
Người viết đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo Cục Công nghệ Thông tin của Bộ tổng hợp số liệu và công bố danh sách giảng viên các ĐH-CĐ cả nước để những người quan tâm có thể theo dõi.
Sẽ không thiếu người tâm huyết thay Bộ làm việc kiểm tra những số liệu này (nếu các thông tin hình thành một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh).
Khi sự trung thực trong kinh doanh luôn là thứ hàng xa xỉ thì không thể đặt trọn niềm tin vào những người xem đầu tư vào giáo dục cũng chỉ là một cuộc “lướt sóng” kiếm lời.
Nói thế không có nghĩa là các “nhà” không đầu tư (lãnh đạo của một số trường công lập) cũng đủ trung thực để xã hội có thể tin tưởng.
Công việc cần làm tiếp theo là cải tổ bộ máy quản lý tại cơ quan Bộ theo ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng đề cập.
Một số chủ trương mà Bộ trưởng Công Thương đưa ra nhận được sự đồng tình cao của xã hội, đặc biệt là cơ cấu lại các bộ phận và nhân sự.
Người viết có cảm giác Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang tập trung vào những bức xúc của người dân mà các đại biểu Quốc hội đã đề cập như giao quyền tự chủ cho các đại học, dạy thêm - học thêm, sách giáo khoa,…
Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển và những siêu đề án ngàn tỉ |
Ngay cả những tâm huyết mà Bộ trưởng đang thực hiện liệu sẽ thành công nếu bộ máy giúp việc Bộ trưởng vẫn không có gì thay đổi, vẫn là những con người cũ với “niềm tin mãnh liệt”, rằng chiếc ghế chuyên viên tại cơ quan bộ là không thể thay thế?
Bỏ điểm sàn nếu không kèm theo cơ chế kiểm soát liệu có như câu nói dân gian “thả gà ra đuổi”?
Nếu chưa thể làm toàn bộ hệ thống thì ít nhất Bộ cũng cần công bố cho người dân biết số liệu “đảm bảo chất lượng” của 223 đại học.
Người viết tin rằng chỉ cần một trang tính Excel là quá thừa để lưu trữ dữ liệu của 69.591 giảng viên và Cục Công nghệ Thông tin của Bộ thừa khả năng để làm việc này.
Nghi ngờ các nhà đầu tư hay lãnh đạo các trường là không có cơ sở, nhưng như Các Mác đã nói “lợi nhuận lên đến 300% thì treo cổ họ vẫn sẵn sàng” và cũng nên nhắc lại câu nói “Hỡi nhân loại, ta yêu người nhưng hãy cảnh giác”.
Là công bộc của dân, liệu lãnh đạo Bộ có yên tâm khi các bậc phụ huynh không biết, không được cung cấp các thông tin cần thiết (hoặc thông tin thiếu trung thực) về những trường mà họ đang muốn cho con em nhập học?
Liệu có nên cảnh giác khi không ít người đang tìm đủ chiêu trò để “dối Bộ, lừa dân”?
Ủng hộ chủ trương của Bộ nhưng người viết vẫn mong Bộ “cảnh giác” để không diễn ra tình trạng người dân thất vọng khi con em họ mất bốn năm năm theo học để rồi cầm trong tay tấm bằng thật nhưng chất lượng “dởm”, để rồi không ít cử nhân phải giấu tấm bằng đi khi xin việc.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx?ItemID=4041
[2] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Nha-giao-lao-thanh-gui-vai-y-kien-toi-Bo-truong-Phung-Xuan-Nha-post168362.gd
[3] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tu-chu-tuyen-sinh-truong-lua-bo-ngo-thi-sinh-dung-nhe-da-post142000.gd