Hiện Việt Nam có một hệ thống gồm 84 trường (60 trường đại học và 24 trường cao đẳng) ngoài công lập với hơn 13.000 giảng viên và hơn 330.000 sinh viên, chiếm 14% sinh viên của cả nước.
Đó là con số được nêu trong hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập” do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 22/12 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, GS.Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết: Những chủ trương, chính sách xã hội hóa của Đảng và Nhà nước đã mở lối cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập lần lượt ra đời.
Trong hơn 20 năm qua, hệ thống trường này không chỉ đóng góp vào việc đào tạo nguồn nhân lực bậc cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn tạo ra mô hình trường mới mẻ, hiện đại, quản trị năng động hiệu quả, có uy tín về chất lượng đào tạo.
Khẳng định vai trò của các trường đại học ngoài công lập, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng: “Các trường đại học ngoài công lập đã đóng góp rất lớn cho công tác đào tạo nguồn nhân lực từ khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới.
Điều này đã khẳng định chủ trương đúng đắn của nước ta khi xã hội hóa giáo dục - đào tạo và tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với giáo dục đại học trong khi nguồn lực nhà nước đầu tư có giới hạn”.
Tuy nhiên, cho tới nay hệ thống trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc dẫn đến nhiều điều bất cập trong quản lý, quy mô sinh viên giảm sút...
Trong buổi hội thảo, các đại biểu là lãnh đạo các trường ngoài công lập đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân đích thực, nguyên nhân chủ quan và khách quan, cơ hội và thách thức từ thực tế hoạt động của nhà trường.
Từ đó, các trường cũng nêu ra một số giải pháp nhằm củng cố, duy trì và phát triển hệ thống này trong mối tương quan với hệ thống các trường đại học công lập, trong điều kiện trao quyền tự chủ đầy đủ cho tất cả các trường đại học, cao đẳng cùng cạnh tranh lành mạnh để phát triển.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, không có chuyện Bộ Giáo dục phân biệt đối xử giữa trường công và trường tư (Ảnh: Thùy Linh) |
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng cũng thừa nhận những khó khăn chính mà các trường đại học ngoài công lập đang gặp phải.
Thứ nhất, về cơ sở vật chất. Phần lớn các trường đại học ngoài công lập hiện nay vẫn phải thuê mướn cơ sở vật chất, không được đầu tư theo đúng lộ trình của đề án xét thành lập trường đã trình Chính phủ nên dẫn đến một số bất cập về cơ sở vật chất, ảnh hưởng đến chất lượng.
Thứ hai, đa số các trường đại học ngoài công lập mới tập trung xử lý vào các hoạt động trước mắt chứ chưa đi vào những vấn đề chiến lược phát triển lâu dài như đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo uy tín.
GS.Hoàng Xuân Sính: “Trường ngoài công lập chưa được xã hội vui vẻ thừa nhận”(GDVN) - Hiện nay phản ứng của xã hội đối với các trường ngoài công lập vẫn còn rất nặng nề. |
Thứ ba, bất cập trong công tác quản lý điều hành trường.
Thực tế có rất nhiều trường đại học ngoài công lập, đặc biệt là các trường dân lập xảy ra mâu thuẫn nội bộ kéo dài, khiếu kiện vượt cấp.
Chính từ đó đã làm uy tín nhà trường giảm sút và tuyển sinh ngày một khó khăn.
Và Thứ trưởng cho biết thêm: Mặc dù, Bộ đã giới hạn thời gian cuối cùng là tháng 12/2016 các trường phải thực hiện nhưng đến nay vẫn còn 9 trường dân lập chưa chuyển sang được loại hình tư thục.
“Trong khi theo Luật Giáo dục hiện nay, chúng ta chỉ có các trường công lập và trường tư thục, không có loại hình trường dân lập, vì vậy những trường dân lập không có một hệ thống văn bản, pháp luật nào điều tiết.
Do đó, tất cả những trường dân lập còn lại phải chuyển sang tư thục để các trường vận hành đúng trong hành lang pháp lý rõ ràng”, ông Ga lưu ý.
Bộ chủ trương không thành lập thêm các trường đại học công lập
Khẳng định tại hội thảo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Bộ GD&ĐT luôn nhất quán trong việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tức là tăng cường các trường đại học ngoài công lập.
Bộ chủ trương trong bối cảnh hiện nay không cho thành lập các trường đại học công lập nhưng những trường đại học tư thục có đầu tư lớn, chất lượng cao và không vì lợi nhuận vẫn được trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
“Đó là một chủ trương chúng tôi rất khuyến khích những nhà đầu tư chất lượng, không vì lợi nhuận.
Bộ luôn xem các trường đại học công lập và ngoài công lập bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt đối xử nào trong tất cả các cơ chế, chính sách”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Quốc hội mong muốn xây dựng mô hình đại học không phân biệt công lập hay tư thục(GDVN) - Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục Thanh Thiếu niên & Nhi đồng mong muốn xây dựng mô hình đại học, một mô hình đúng nghĩa chứ không phân biệt tư thục hay công lập. |
Ông Ga nêu minh chứng, sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhậm chức, Bộ trưởng đã đến thăm trường đầu tiên là trường ngoài công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều đó cho thấy, Bộ trưởng rất quan tâm đến các trường ngoài công lập.
Hơn nữa, trong đào tạo cán bộ giảng dạy tại Đề án 911, Bộ vẫn dành suất đào tạo giáo viên cho các trường đại học ngoài công lập như các trường đại học công lập.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thừa nhận, tâm lý xã hội vẫn có sự phân biệt đối xử, ví dụ một số ngành cho các trường ngoài công lập đào tạo thì dư luận phản ứng rằng những ngành đó dân lập không đào tạo được.
“Dư luận không hề biết trường ngoài công lập đầu tư rất tốt, tốt hơn nhiều so với các trường công lập, vậy không có lý gì họ không thể mở chuyên ngành đào tạo theo đúng quy định.
Dư luận nên đối xử công bằng với các trường ngoài công lập để họ có thể phát triển trong hệ thống giáo dục nói chung”, ông Ga nhấn mạnh.
Thứ trưởng tiết lộ thêm, để hoàn thiện hệ thống văn bản sắp tới, Bộ GD&ĐT hiện nay đang thành lập tổ công tác, tổ công tác này sẽ khảo sát, đánh giá lại hội đồng của các trường ngoài công lập trong 7 lĩnh vực: cơ chế chính sách, đội ngũ giáo viên, cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, tình hình tuyển sinh, nghiên cứu và hoạt động hợp tác quốc tế.
Trên cơ sở đánh giá như vậy, tổ công tác sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ về những điều chỉnh cần thiết để chúng ta xây dựng lại hệ thống các quy định liên quan đến các trường đại học ngoài công lập về phát triển lâu dài.