Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra hẳn Nghị quyết số 29-NQ/TW để lãnh đạo từ tháng 11 năm 2013, do nhận thấy những vấn đề bức thiết đặt ra cho nền giáo dục và không thể không đổi mới.
Tuy nhiên mỗi động thái thay đổi chính sách từ Bộ Giáo dục và Đào tạo lại là một lần dậy sóng xã hội, mỗi kỳ họp Quốc hội thì các vấn đề giáo dục lại được lôi ra mổ xẻ với nhiều ý kiến khác nhau.
Điều này một mặt cho thấy sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục, mặt khác cũng thể hiện rõ những lo lắng, băn khoăn về bước đi và cách làm của Bộ.
Ngay khi lên nắm cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thay người tiền nhiệm Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tỏ rõ quyết tâm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục cho dù phải giải quyết hàng loạt bất cập, hàng loạt vấn đề mà hai ông Phạm Vũ Luận, Nguyễn Vinh Hiển để lại.
Hình minh họa, nguồn ảnh: noithatgocaocap.com. |
Đó là những "trận đánh lớn" đầu voi đuôi chuột, là những dự án trăm tỉ ngàn tỉ mà kết quả thì rất hạn chế, không có thước đo rõ ràng, gây bức xúc xã hội như Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đến năm 2020 có giá trị 9.400 tỉ đồng;
Đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa ban đầu Bộ xin 34 ngàn tỉ đồng, nhưng vấp phải phản đối, Bộ rút xuống còn mấy trăm tỉ đồng khiến Chủ tịch Quốc hội "nghe cũng phải sợ". [1]
Đó là việc vừa nhậm chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phải chữa cháy Thông tư 30, chỉ đạo các địa phương "triển khai VNEN" trên tinh thần tự nguyện;
Đó là cam kết trước Quốc hội sẽ lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục khi "tài liệu thí điểm" này đã ồ ạt vào trường học đại trà của 48 tỉnh thành từ mấy năm trước.
Những việc này thể hiện rõ tinh thần cầu thị, thái độ và trách nhiệm rất cao của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước ngành giáo dục và nhân dân cả nước.
Nhưng mặt khác, đấy cũng là bằng chứng rõ nhất cho thấy, đội ngũ tham mưu và công tác tham mưu của các cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có quá nhiều bất cập, thời kỳ ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển để lại quá nhiều vấn đề.
Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần và nỗ lực to lớn ấy của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhưng cũng vô cùng lo lắng và chia sẻ với những khó khăn thách thức đang chờ Bộ trưởng phía trước.
Bởi lẽ nhiệm kỳ Bộ trưởng thì có 5 năm, còn đội ngũ tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng là những người trực tiếp tham gia hoạch định các chính sách giáo dục như những dự án ngàn tỉ nói trên thì vẫn ung dung tại vị đến khi về hưu (nếu không có sự cố đặc biệt).
Đội ngũ tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng quyết định thành bại của chính sách, nhưng họ không phải trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội và dư luận, mà là Bộ trưởng.
Vì vậy, muốn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thành công, không có cách nào khác Bộ trưởng phải đổi mới từ chính cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ phận tham mưu giúp việc.
Trên tinh thần đóng góp, chúng tôi xin cung cấp những phản biện chính sách để đồng hành cùng Bộ trưởng trong sự nghiệp to lớn và khó khăn này.
Trong quá trình đó, chúng tôi không ngại chỉ thẳng những bất cập, tồn tại, những rào cản đổi mới và thậm chí cả lợi ích nhóm trong giáo dục, dù biết rằng có thể "đắc tội" với một hay một vài cá nhân nào đó.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn Quốc hội, ảnh: Báo Nhân Dân. |
Trong khuôn khổ bài viết đầu tiên này, chúng tôi xin tập trung vào việc giám sát, phản biện đội ngũ tham mưu và hoạch định chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Muốn làm được điều này, Bộ trường cần chỉ đạo các cơ quan này phải minh bạch thông tin.
Những cánh cửa đóng chặt ở Bộ Giáo dục và Đào tạo
Chỉ riêng hai vấn đề là việc triển khai ồ ạt và có dấu hiệu trái luật "tài liệu thí điểm" Công nghệ giáo dục vào nhà trường ở 48 tỉnh thành trên cả nước, hay Dự án Trường học mới (VNEN), Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hàng loạt bài phản ánh, phản biện.
Chúng tôi cũng đã đề nghị đích danh một số tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng, nhưng đến nay chúng tôi đều nhận được một sự im lặng đáng sợ, ngoại trừ "câu trả lời một nửa" từ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mà cũng phải qua nhiều nỗ lực mới có được.
Về vấn đề triển khai đại trà "tài liệu thí điểm" Công nghệ giáo dục, chúng tôi đã có 2 công văn gửi đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đó là Công văn số 58/GDVN-HC ngày 4/10 và Công văn số 62/GDVN-HC ngày 4/11.
Tiếp đó ngày 23/11 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mang theo giấy giới thiệu sang Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị gặp lãnh đạo Bộ để xác minh các thông tin liên quan, nhưng cho đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ hồi âm chính thức nào từ Bộ.
Về Dự án VNEN, sau hàng loạt bài phản ánh thực trạng triển khai mô hình này ở cơ sở với nhiều bất cập, cùng các bài phân tích đánh giá của các chuyên gia giáo dục và tìm hiểu nguyên bản mô hình này ở Colombia, chúng tôi cũng đặt ra 6 câu hỏi lớn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 2 bài viết, nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Đó là bài "Ba câu hỏi lớn về VNEN chờ câu trả lời chi tiết từ Bộ Giáo dục" đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 3/11, và bài "Các địa phương đang tự nguyện áp dụng VNEN trong tư thế nào?" đăng ngày 10/11.
Chưa nhận được câu trả lời từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi vẫn hy vọng được nghe nó từ phiên trả lời chất vấn Quốc hội của đồng chí Bộ trưởng.
Nhưng tiếc rằng cả 5 vị Đại biểu Quốc hội chất vấn và bấm nút tranh luận với Bộ trưởng về VNEN đều không kịp nhận câu trả lời tại hội trường, vì thời gian đã hết.
Ngày nhậm chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã hứa rằng: “Tôi sẽ thành tâm lắng nghe và tạo điều kiện để các bậc cao minh, trí giả cũng như người dân bình thường đều có thể hiến kế hoặc đưa ra những suy nghĩ tâm huyết”.
Đổi mới toàn diện giáo dục không khó, nếu Bộ biết lắng nghe |
Chúng tôi biết Bộ trưởng không chỉ đang lắng nghe, mà còn rất nỗ lực, cố gắng chèo lái con thuyền giáo dục nước nhà.
Nhưng những tiếng nói phản biện, góp ý và hầu hết những câu hỏi từ Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn chưa đến được với Bộ trưởng.
Là một cơ quan báo chí có trách nhiệm xã hội đối với ngành giáo dục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã được Bộ trưởng đến thăm và gửi gắm:
"Báo sẽ tiếp tục có những bài viết phản biện tốt hơn trên tinh thần định hướng thông tin đa chiều", hay chỉ đạo của Bộ trưởng: "giữa Bộ GD&ĐT và Báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp để cùng chung sức đưa chủ trương, chính sách của ngành tới cuộc sống người dân".
Nhưng những câu hỏi từ Báo đến Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như đồng chí Bộ trưởng vẫn bị chặn lại đâu đó bởi chính cơ quan hành chính, tham mưu giúp việc của Bộ trưởng.
Cơ quan báo chí có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn thông tin đến bạn đọc đúng tôn chỉ mục đích như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam còn chẳng tiếp cận được thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề nóng dư luận quan tâm, thì làm sao tiếng nói của phụ huynh học sinh và giáo viên cả nước đến được với đồng chí Bộ trưởng?
Do đó, chúng tôi trân trọng đề nghị đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan tham mưu giúp việc chấn chỉnh tác phong làm việc, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.
Tại sao mô hình Trường học mới thành công tại Colombia? |
Điều đó chỉ có lợi cho công tác chỉ đạo điều hành của Bộ trưởng, cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Chừng nào những cánh cửa ở Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn đóng chặt như hiện nay, Bộ trưởng có thành tâm lắng nghe đến mấy, những gì nghe được cũng sẽ rất hạn chế.
Thậm chí nó có thể bị "khúc xạ" bởi chính bộ phận tham mưu, giúp việc của Bộ trưởng và không loại trừ có lợi ích nhóm ở trong những tham mưu "khúc xạ" ấy.
Để rồi họ vẫn tại vị đến khi nghỉ hưu nếu không có sự cố gì đột xuất, còn chẳng bao lâu lại một mình Bộ trưởng phải xoay xở trả lời chất vấn trước Quốc hội và cử tri.
Cần công khai các văn bản chỉ đạo những vấn đề lớn của giáo dục, có ảnh hưởng đến nhiều người để nhân dân giám sát
Không liên hệ được với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đành, ngay cả việc tìm hiểu các văn bản chỉ đạo của Bộ và các cơ quan chức năng thuộc Bộ đối với các vấn đề nóng mà dư luận quan tâm, cũng khó như với sao trên trời, mò trăng đáy nước.
Đơn cử như dự án VNEN, hiện nay không ai có thể tìm được Quyết định số 4106/QĐ-BGDĐT ngày 3/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (GPE-VNEN) không được Bộ công khai, cả quyết định phê duyệt lẫn nội dung báo cáo, mặc dù dự án đã kết thúc ngày 31/5 vừa qua.
Người viết không thể tìm thấy các văn bản này trên cổng thông tin điện tử của Bộ, Ban Quản lý Dự án VNEN cũng như bất kỳ website chính thức nào.
Thứ hai là báo cáo chi tiết tổng kết, đánh giá mô hình VNEN sau 5 năm thí điểm trên hàng ngàn trường.
Thứ ba là quá trình và đội ngũ tham gia biên soạn, thẩm định, dạy thử nghiệm “Tài liệu hướng dẫn học tập” để thay thế toàn bộ sách giáo khoa hiện hành trong các lớp học theo mô hình VNEN, ít nhất là từ lớp 2 đến lớp 7 chỉ trong vòng 5 năm.
Bộ giáo dục đừng làm cô bảo mẫu, mà phải là chuyên gia hoạch định chiến lược |
Đây không phải là những tài liệu mật, và cần được cung cấp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để nhân dân theo dõi, theo đúng quy định của Luật Tiếp cận thông tin 2016.
Ví dụ thứ hai là Vụ Giáo dục tiểu học cũng giấu nhẹm những văn bản chỉ đạo triển khai đại trà "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục vào trường học, trong đó có việc đưa tài liệu này vào các trường học tham gia Dự án VNEN.
Đơn cử như Công văn số 1409/BGDĐT-GDTH ngày 26/3/2015 về việc đăng ký dạy học theo "bộ sách" Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, chúng tôi chỉ có thể tìm thấy "dấu vết" của nó qua công văn chỉ đạo tiếp theo của một số Sở Giáo dục và Đào tạo xuống các phòng. [2]
Ngay cả một chuyên viên của Vụ Giáo dục tiểu học trực tiếp tham gia triển khai đại trà các tài liệu Công nghệ giáo dục vào trường học, khi tiếp chúng tôi đã khẳng định chắc chắn, mọi văn bản chỉ đạo triển khai này đều công khai, nhưng cũng không thể cung cấp cho chúng tôi nội dung công văn này.
Chúng tôi rất chia sẻ với những tâm tư của đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với báo chí rằng:
"Những cụm từ: “chuột bạch”, “thí nghiệm”, “nhồi nhét”… rất xa lạ với giáo dục. Điều này khiến những nhà làm giáo dục hết sức trăn trở.
Bị nhận xét như vậy là cú sốc đối với những người làm quản lý giáo dục trong quá trình đổi mới."
Tiếc rằng thực trạng này vẫn cứ diễn ra mà nguyên nhân chính nằm ở công tác tham mưu, hoạch định của cơ quan chức năng giúp việc Bộ trưởng hiện nay.
Để xóa bỏ tận gốc tình trạng không mong muốn này, thiết nghĩ không có cách nào khác, Bộ trưởng cần phải đổi mới chính tác phong, lề lối làm việc của cơ quan Bộ.
Việc đầu tiên chúng tôi hy vọng là đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan giúp việc xác minh xem:
Công văn số 58/GDVN-HC ngày 4/10 và Công văn số 62/GDVN-HC ngày 4/11, Giấy giới thiệu liên hệ công tác ngày 23/11 của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam gửi sang Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang nằm ở đâu, các cơ quan này có định trả lời Báo hay không?
Chỉ khi nào thông tin hoạch định chính sách, tham mưu và chỉ đạo thực hiện các chính sách giáo dục được công khai minh bạch, dư luận mới có thể theo dõi, góp ý, phản biện và ngăn chặn kịp thời những dấu hiệu tiêu cực, đừng để ván đã đóng thuyền mới lại chạy theo "chữa cháy".
Tài liệu tham khảo: