Cả họ làm quan, Tổng công ty “gia đình trị” là để ...chia tiền nhà nước?

29/11/2015 07:26
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Việc bố trí người thân giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy chính quyền, Tổng công ty trực thuộc sự quản lý của nhà nước sẽ phát sinh nhiều hệ lụy nếu...

“Hệ lụy từ lịch sử để lại”

Vụ việc “cả họ làm quan” ở Mỹ Đức (Hà Nội) vừa tạm lắng, mới đây, dư luận tiếp tục phát hiện vụ việc tương tự.

Theo đó, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải vừa có kết luận xác minh đơn tố cáo liên quan tới 30 người được cho là có quan hệ họ hàng với Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm an toàn hàng hải miền Nam (VMS – South).

Qua kiểm tra, cơ quan chuyên trách phát hiện 15 người có quan hệ gia đình, họ hàng với ông Phạm Đình Vận, nguyên Tổng giám đốc VMS - South (ông Vận về hưu năm 2014). Hiện tại, ông Phạm Phạm Quốc Súy (em trai ông Vận) đang làm Tổng Giám đốc đương nhiệm.

Kết quả xác minh cũng cho thấy, một số quy định về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm của Tổng công ty còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn như: Yêu cầu tất cả các chức danh bổ nhiệm đều phải có bằng tốt nghiệp lý luận chính trị; đối với chức danh cấp trưởng phải là đảng viên...

Nguyên nhân dẫn tới những sai sót trong việc bổ nhiệm người thân giữ các vị trí quan trọng tại Tổng công ty này được xác định là do nhận thức pháp luật chưa đầy đủ. Bộ Giao thông đã yêu cầu VMS - South kiểm điểm xử lý trách nhiệm tổ chức, các nhân thuộc thẩm quyền.

Xung quanh vấn đề này, hôm 28/11, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, việc bố trí người thân giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy chính quyền, Tổng công ty… trực thuộc sự quản lý của nhà nước, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, nếu công tác cán bộ không được thực hiện một cách công khai, minh bạch.

“Những sự việc đã diễn ra cho thấy tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ” vẫn còn ăn sâu vào tư duy của một bộ phận cán bộ là người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước.

Theo đó, tư duy kết hợp với hành động không minh bạch trong công tác cán bộ đã tạo ra phản ứng dây truyền theo kiểu phong trào, lan rộng tới nhiều cấp, ngành, gây điều tiếng xấu...

Tuy quan điểm này đã không còn phù hợp với cơ chế quản lý nhà nước hiện nay, nhưng  xu hướng “gia đình trị” tại các cơ quan công quyền vẫn còn tương đối phổ biến.

Việc làm này rất khó để chúng ta có thể tuyển chọn được người tài, có tâm nguyện cống hiến cho đất nước”, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội  Thanh Hóa nhận định.

Ông Lê Văn Cuông (ảnh: Tuổi trẻ)
Ông Lê Văn Cuông (ảnh: Tuổi trẻ)

Ông Lê Văn Cuông cũng cho rằng, việc cả họ làm quan, Tổng công ty “gia đình trị” sẽ làm hệ thống quản lý nhà nước thiếu lành mạnh, công tác tổ chức bộ máy hành chính lâm vào cảnh trì trệ, làm phát sinh "nhóm lợi ích".

“Không loại trừ trường hợp người ta lợi dụng chức quyền, tuyển chọn người thân quen của mình vào bộ máy quản lý để làm chuyện xấu.

Việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo kiểu này rất dễ làm nảy sinh “nhóm lợi ích”, tư tưởng bè phái, cấu kết trục lợi, tham nhũng”.

Mặt khác, nếu có cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm là người thân quen của lãnh đạo đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, nằm trong số 30% công chức “cắp ô” thì cần kiên quyết loại bỏ”.

Đồng quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng, những sự việc nêu trên đã gây dư luận không tốt. Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu đơn vị chưa thực sự gương mẫu.

"Đây là hệ quả của công tác cán bộ từ nhiều năm về trước để lại. Tuy nhiên khách quan mà nói, việc công khai thông tin nói trên tại các diễn đàn, thể hiện sự tiến bộ về mặt ý thức trong công tác quản lý nhà nước. Trước đây, vấn đề này rất ít được đề cập”, Đại biểu Bùi Thị An nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cũng chỉ rõ, công tác cán bộ theo kiểu “cả họ làm quan”, Tổng công ty “gia đình trị”…  bản chất là quan hệ xin - cho, ban phát lộc.

“Phải nói thật, công tác cán bộ ở đây là có vấn đề. Điều này tạo ra sự thiếu công bằng, minh bạch trong tuyển chọn cán bộ.

Khi kiểm tra thì họ bảo “đúng quy trình”, nhưng đến khi

Cả họ làm quan, Tổng công ty “gia đình trị” là để ...chia tiền nhà nước? ảnh 2

Dân còn nghèo, xây dựng Trung tâm hành chính nghìn tỷ để làm gì?

“sản phẩm” ra lò lại thì không đạt chuẩn. Việc này trách nhiệm thuộc về người đứng đầu đơn vị”, Đại biểu Bùi Thị An nêu rõ.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An lưu ý, chỉ nên ưu tiên con em cán bộ được đặc cách làm việc tại cơ quan công quyền, trong một số trường hợp cụ thể, đặc biệt.

Đối với những trường hợp là con em cán bộ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa… cần được ưu tiên, đặc cách. Điều này tôi nghĩ không có vấn đề gì. Những trường hợp khác cần được đối xử bình đẳng, công khai như nhau.

Cần rà soát tổng thể...

Ông Lê Văn Cuông cho rằng, công tác cán bộ hiện nay chưa thể hiện rõ tính cạnh tranh, mà chủ yếu vẫn chạy theo công thức chung “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, thứ ba quan hệ…”

“Việc bố trí, đề bạt hiện nay chủ yếu do người đứng đầu đơn vị quyết định. Do đó không tránh khỏi tư tưởng cá nhân, trục lợi khi đề bạt, bổ nhiệm, xin việc…

Đừng nghĩ người khác không biết chuyện này, có điều nếu nói ra họ có thể phải chịu thiệt thòi.

Do đó, để lành mạnh hóa công tác cán bộ, cần trú trọng vào việc thi tuyển (thi công chức, các chức danh quản lý…).

Bên cạnh đó cần chỉ đạo thực hiện quyết liệt các quy định cụ thể trong việc tuyển chọn cán bộ, luân chuyển cán bộ theo quy để tránh nhóm lợi ích cục bộ. Trong đó, con em nông dân cũng cần được đối xử công bằng khi bố trí công tác, đề bạt…

Bộ Nội vụ cần đổi mới, đưa ra chế tài nhằm siết chặt công tác quản lý cán bộ nhằm hạn chế “phong trào” đưa con, em cháu cha vào làm việc tại các cơ quan công quyền nhà nước.

Đặc biệt nên kiểm soát việc đề bạt, bổ nhiệm ở thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Bài học từ ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã cho thấy rõ điều đó", ông Lê Văn Cuông nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An - đoàn Hà Nội (ảnh: Ngọc Quang)
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An - đoàn Hà Nội (ảnh: Ngọc Quang)

Đại biểu Bùi Thị An thì cho rằng: “Trong lúc nhà nước đang thực hiện đề án tinh giảm biên chế thì đây là thời điểm thích hợp để chúng ta rà soát lại một cách tổng thể hiệu quả công tác cán bộ trong hệ thống bộ máy nhà nước.

Trong đó, đặc biệt chú trọng loại bỏ những thành phần “con ông, cháu cha” không làm được việc.

Cụ thể, cần xem xét quy trình bổ nhiệm, đề bạt có đúng quy định hay không? Muốn đánh giá được ai đúng, ai sai, ai làm được việc thì phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí họ đảm nhiệm. Từ đó để có căn cứ để đánh giá chất lượng công chức.

Việc này cần hết sức thận trọng, nếu không sẽ dẫn tới sai lầm, người cần giảm thì không giảm, lại giảm những người không nên giảm”, Đại biểu Bùi Thi An lưu ý.

Đại biểu Bùi Thị An nhấn mạnh tầm quan trọng của lãnh đạo các các đơn vị trong công tác sắp xếp, bố trí cán bộ hiện nay.

“Người đứng đầu đơn vị cần minh bạch hóa công tác cán bộ (thi tuyển cán bộ), tạo ra sự công bằng, cơ hội cho người tài có điều kiện được cống hiến. Nếu cán bộ lãnh đạo gương mẫu, có tâm thì chắc chắn không để tiêu cực xảy ra”.

QUỐC TOẢN