Quan chức Việt: Cứ bị đụng chạm là phản ứng?

03/11/2014 06:00
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Ông Đỗ Văn Đương bị đề nghị xem xét tư cách đại biểu Quốc hội, Cục trưởng Cục Hàng không bị phê bình … Phải chăng quan chức Việt cứ bị đụng chạm là phản ứng ?

Trước mỗi vụ lùm xùm, quan chức Việt lại có cách ứng xử khác nhau. Có người thẳng thắn nhận lỗi, số khác vòng vo, bao biện khiến hình ảnh của họ bị sứt mẻ nghiêm trọng trong lòng công chúng dù đúng dù sai.

Gần đây, dư luận xôn xao bàn tán về các phát ngôn gây sốc cũng như cách hành xử chưa chuẩn mực từ những công bộc của dân. Phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - GS. Nguyễn Minh Thuyết về vấn đề này.

Sau phát biểu “thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”, ông Đỗ Văn Đương – đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM –  đã nhận được những phản ứng dữ dội từ giới luật sư. Thậm chí, Liên đoàn Luật sư Việt Nam còn có văn bản kiến nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến chỉ đạo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp xem xét kiểm tra và làm rõ tính xác thực của các ý kiến phát biểu của ông Đỗ Văn Đương; xem xét trách nhiệm và tư cách đại biểu Quốc hội, tư cách Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của vị đại biểu này.

Từ thực tế trên, nhiều người cho rằng ở Việt Nam có tiền lệ xấu là khi đại biểu phát biểu trước Quốc hội mà đụng chạm thì sẽ bị phản ứng. Ông có nghĩ vậy không?

Quan chức Việt: Cứ bị đụng chạm là phản ứng? ảnh 1

Tôi cho rằng giới luật sư phản ứng trước ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Đương là có lý. Nếu tôi là luật sư, tôi cũng sẽ phản ứng. Cơ quan nhà nước phản ứng với đại biểu, đòi kiểm điểm đại biểu thì sai; chứ cử tri là “sếp” của đại biểu, phê bình đại biểu là chuyện bình thường.

Từ chuyện này, tôi nghĩ đại biểu Quốc hội nên rút kinh nghiệm khi trả lời phỏng vấn báo chí.

Về nội dung, khi đánh giá về một địa phương, một ngành, một giới, không thể khái quát dễ dãi được bởi ở đâu cũng có người thế này, người thế khác. Về cách trả lời phỏng vấn, theo tôi, đại biểu nên mời nhà báo vào phòng phỏng vấn, cung cấp cho họ email của mình và đề nghị trước khi đăng cho xem lại để cân nhắc câu chữ cho chính xác, không gây hiểu lầm. Chứ còn trả lời ở hành lang, cả chục cái mic chĩa vào thì không biết ai với ai để đề nghị họ gửi bài trước khi đăng báo. Chỉ trong trường hợp có nhiều kinh nghiệm trả lời báo chí hãy nên trả lời giữa vòng vây của báo chí như vậy.

Quan chức Việt: Cứ bị đụng chạm là phản ứng? ảnh 2Đại biểu Đỗ Văn Đương: "Mình là dân biểu, họ cứ nhầm lẫn"

(GDVN) - Sau khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội, ông Đỗ Văn Đương nói rằng đây là tiền lệ xấu, vì cứ đụng chạm sẽ bị phản ứng.

Tuy nhiên, theo tôi, dù ông Đương nói không đúng về công việc của các luật sư như báo chí đã đăng hay đó chỉ là lỗi về diễn đạt thì cũng nên tiếp thu ý kiến phê bình và có lời cáo lỗi vui vẻ, chân thành. Một lời cáo lỗi đúng lúc sẽ nhận được sự thông cảm, thậm chí nể trọng của mọi người.

Có phải vì thận trọng mà Nghị quyết 4 của Đảng đưa ra nhận định rất khó định lượng: “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái? Trong buổi tiếp xúc cử tri quận 4, TP. HCM mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng phải nhận xét: Có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ, bây giờ không biết nằm ở đâu.

“Một bộ phận”, “một bộ phận không nhỏ”, “một số”… là cách nói thận trọng của chính trị gia, nhưng không phải là không thể hiện sự đánh giá mức độ cụ thể. Tuy nhiên, nói mà không chỉ ra được bộ phận không nhỏ đó nằm ở đâu thì hoặc là nói sai hoặc là bất lực nên không chỉ ra được.

Người ta cũng cho rằng do sợ đụng chạm nên gần đây đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều nhưng ít “chất”. Ông có thấy vậy không?

Tôi không nghĩ vậy. Qua theo dõi 7 kỳ họp của Quốc hội khóa XIII này, tôi thấy bên cạnh một số đại biểu chất vấn kiểu hỏi thông tin đơn thuần hoặc hỏi để hỗ trợ ngầm người trả lời chất vấn, nhiều đại biểu có những chất vấn rất thẳng thắn, sâu sắc.

Sự thận trọng của đại biểu trước nghị trường là cần thiết vì hỏi trúng, phê bình đúng mới có tác dụng. Nhưng nếu thận trọng đến mức chỉ nói một cách hời hợt, chung chung để khỏi mất lòng ai thì chẳng nên chất vấn làm gì, thậm chí chẳng nên vào Quốc hội làm gì.

Hy vọng rằng, trong kỳ chất vấn sắp tới, các đại biểu sẽ nêu ra được nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm để làm tròn trách nhiệm của những người đã được dân chọn mặt gửi vàng.

Mới đây, trao đổi với chúng tôi, một luật sư cho rằng ông Đương đang mắc phải “căn bệnh” mà nhiều quan chức Việt cũng mắc phải trong trường hợp họ có phát ngôn sai, đó là: cứ nói loanh quanh, vòng vo, không dám thừa nhận rằng phát ngôn như vậy là chưa chính xác. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Tôi không bình luận thêm về trường hợp cụ thể của đại biểu Đỗ Văn Đương. Còn về bệnh thiếu can đảm nhận lỗi thì theo tôi, không chỉ quan chức mà ngay cả nhiều người dân cũng có thể mắc. Hơn nữa, không có cơ sở nào để nói rằng bệnh đó chỉ có ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu người dân mắc lỗi mà không can đảm nhận lỗi, xin lỗi thì phần nào còn thông cảm được vì tác hại của việc đó không lớn, còn quan chức hay những người có ảnh hưởng trong xã hội mà mắc căn bệnh này sẽ gây tác hại lớn, ít nhất là tác hại tương xứng với vị trí, ảnh hưởng của họ. Phát ngôn sai, làm sai mà cứ vòng vo, không chịu nhận lỗi chứng tỏ nhận thức yếu và văn hóa ứng xử cũng yếu.

Cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng từng phê bình Cục trưởng Cục hàng không Lại Xuân Thanh vì thái độ “chưa cầu thị” của ông Thanh khi phản bác ngay thông tin Nội Bài, Tân Sơn Nhất lọt top sân bay tệ nhất châu Á mà chưa kiểm tra, xem xét thực trạng dịch vụ ở các sân bay này. Ông có cho rằng thiếu cầu thị là khuyết điểm rất phổ biến của quan chức nước ta không?

Quan chức Việt: Cứ bị đụng chạm là phản ứng? ảnh 3Bộ trưởng Thăng: "Rất may Tân Sơn Nhất, Nội bài chưa tệ nhất thế giới"

Người đứng đầu ngành GTVT hài hước nói rằng, sân bay của chúng ta rất may đã không lọt top "tệ nhất thế giới".

Là một hành khách thường xuyên đi máy bay và ra nước ngoài, tôi thấy đúng là dịch vụ ở các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất của ta kém thật, có thể nói nó nhốn nháo như một bến xe. Thậm chí, ở sân bay Nội Bài, chất lượng dịch vụ còn kém hơn Tân Sơn Nhất nhiều, nhất là ở các sảnh mới mở. Về chất lượng công trình, tôi thấy mấy sảnh mới mở xấu lắm và quả thật rất bất ngờ về điều đó. Nếu có điểm cộng, tôi nghĩ chỉ có thể cộng cho thái độ phục vụ khá tận tình, chu đáo, thân thiện của hầu hết nhân viên các hãng hàng không tại 2 sân bay này.

Do vậy, tôi nghĩ Cục hàng không nên xem lại thực tế xem người ta phản ánh chính xác đến đâu trước khi có phản ứng.

Còn nói về thái độ thiếu cầu thị, tôi rất lấy làm ngạc nhiên là có một số tổ chức, cá nhân làm sai bị đại biểu Quốc hội, người dân hoặc báo chí phê bình còn có hành vi đe dọa hoặc gây áp lực với người phê bình. 

Tôi tham gia Quốc hội 2 khóa, nhưng ở khóa nào cũng biết chuyện đại biểu  bị phản ứng sau khi chất vấn hoặc phát biểu ý kiến đụng chạm. Ở khóa XI, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Việt Nhân, sau khi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã bị Thống đốc đề nghị Bí thư tỉnh ủy “chấn chỉnh”. Ở khóa XII, sau khi Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông chất vấn Thủ tướng Chính phủ về việc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô 5 lần kháng lệnh Thủ tướng,  Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh này đã có văn bản gửi lãnh đạo Quốc hội, Tỉnh ủy Thanh Hóa,  Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, toàn bộ các Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc hội khóa XII phản đối, thậm chí yêu cầu tiến hành kiểm điểm đối với đại biểu Lê Văn Cuông.

Gần đây, có một tờ báo đăng bài phê bình công an một quận ở TP Hồ Chí Minh phát tờ rơi cho khách nước ngoài đến thành phố với nhiều nội dung như “bôi xấu” đất nước cũng bị quy kết rất nặng nề; trong khi chính ông chủ tịch UBND quận đó trả lời báo chí cũng khẳng định là sẽ cho sửa lại những nội dung không phù hợp trong tờ rơi này. 

Những phản ứng nói trên không chỉ thể hiện thái độ thiếu cầu thị, thiếu phục thiện mà còn bộc lộ sự thiếu hiểu biết về dân chủ của một số tổ chức, cá nhân. Cậy có thế, có quyền, họ không cho phép ai phê bình mình hoặc nói khác mình.   

Rõ ràng, nhiều khi đúng, sai không quan trọng bằng cách ứng xử. Có người cho rằng Bộ trưởng Thăng chính là một “tấm gương” trong việc cải thiện hình ảnh trước công chúng: ông đã vượt qua tâm bão dư luận từ những ngày đầu nhậm chức để trở thành người được lòng dân như hiện tại. Vậy theo ông, quan chức Việt học được gì từ cách hành xử, tạo dựng hình ảnh của vị tư lệnh ngành giao thông này?

Trước cùng một sự việc gây xôn xao dư luận, có người khôn ngoan biết cách “dập lửa”, có người không những không dập được lửa mà còn gây bão dư luận. Chuyện đó là có thật. Tôi cho rằng đã là chính khách thì phải khôn ngoan chứ không nên vụng về. Nhưng nói năng khôn ngoan chưa phải là điều quan trọng nhất. Quan trọng nhất là hành động.

Quan chức Việt: Cứ bị đụng chạm là phản ứng? ảnh 4Rơi nước mắt đi tìm “Bộ phận không nhỏ”

(GDVN) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi,Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được

Về Bộ trưởng Đinh La Thăng, tôi thấy ngay từ những ngày đầu nhậm chức, ông đã gây được nhiều sự chú ý nhưng đi kèm với sự chú ý đó là hàng loạt sóng gió. Chính cách nói, cách nghĩ có phần chưa chín của ông Thăng đã khiến ông gặp khó. Tuy nhiên, trong 1 – 2 năm trở lại đây, Bộ trưởng Thăng đã cải thiện hình ảnh rất rõ rệt trong lòng dân và trước Quốc hội chủ yếu nhờ các hành động của mình.

Bộ trưởng đã cho thấy ông hiểu rõ và có quyết tâm cao trong việc giải quyết những khó khăn, hạn chế của ngành mình. Ông đã đích thân tới những nơi sóng gió để chỉ đạo khắc phục hậu quả, giải quyết vấn đề. Đó cũng là cách để ông làm gương cho những vị lãnh đạo khác trong ngành. Chính điều đó đã giúp cải thiện hình ảnh của Bộ trưởng Đinh La Thăng một cách rõ rệt.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN