Các tỉnh ven biển phía Nam lo lắng đón bão Tembin

25/12/2017 06:00
Đan Quỳnh
(GDVN) - Các tỉnh phía Nam đã lên phương án đón bão số 16 (Bão Tembin) được dự báo là lớn nhất trong vòng 20 năm qua.

Tối 24/12, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) đã đi kiểm tra các khu neo đậu tàu bè của người dân trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Triển thông tin, huyện Cần Giờ đã vận động và di dời gần 5.000 người dân ở những nơi nguy hiểm đến nơi trú ẩn an toàn.

Người dân sẽ được trú ngụ trong các công trình kiên cố và trên các đảo thuộc xã đảo Thạnh An.

Huyện bố trí lực lượng ứng trực 24/24h để cung ứng lương thực thực phẩm, các thiết bị y tế cần thiết để đảm bảo an toàn, an tâm cho người dân. Đến 19h cùng ngày, công tác di dời dân đã hoàn tất.

Lãnh đạo huyện cũng phát đi thông báo và yêu cầu các tàu bè tìm nơi trú ẩn hoặc quay về cầu cảng an toàn.

Tàu bè của người dân neo đậu tại khu vực cầu cảng thị trấn Thạnh An (huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: CTV)
Tàu bè của người dân neo đậu tại khu vực cầu cảng thị trấn Thạnh An (huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: CTV)

Trong diễn biến liên quan, ngày 24/12, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đi thị sát tại huyện Nhà Bè và Cần Giờ để chỉ đạo Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với cơn bão số 16.

Ông Liêm đánh giá, bão số 16 sẽ có tác động và ảnh hưởng đến thành phố Hồ Chí Minh. Diễn biến hướng đi của bão Tembin không thể lường trước.

Ông Liêm yêu cầu lãnh đạo huyện Cần Giờ chỉ đạo người dân buộc phải rời khỏi những nơi không an toàn trong chiều ngày 24/12. Toàn bộ học sinh tại huyện Cần Giờ sẽ được nghỉ học trong 2 ngày 25 và 26/12.

Đối với huyện Nhà Bè, những người dân sinh sống tại các vị trí sạt lở ven sông, kênh rạch thì lãnh đạo huyện phải có biện pháp di dời khẩn cấp.

Cùng ngày, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị thi công trên địa bàn có công trình phải hạ thấp cần cẩu cao và chủ động tỉa cành, nhánh cây để đề phòng gãy đổ. Người dân chủ động tìm những vật nặng, đè tấn lại mái nhà để đề phòng giông, lốc.

Tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã đi thị sát các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (đội mũ) cùng các cơ quan ban ngành đi thị sát công tác phòng chống bão trên địa bàn. (Ảnh: CTV)
Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (đội mũ) cùng các cơ quan ban ngành đi thị sát công tác phòng chống bão trên địa bàn. (Ảnh: CTV)

Lãnh đạo tỉnh đã có kế hoạch và tình huống khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố Vũng Tàu và các huyện. Dự kiến, toàn tỉnh có khoảng 16.500 hộ dân với gần 37.000 người phải di dời, sơ tán.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm chủ trương và yêu cầu người dân tuân thủ lệnh di dời. Nếu người dân không thực hiện sẽ bị cưỡng chế.

Chỉ huy phó Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự Thành phố Vũng Tàu Trần Văn Nhất trình bày phương án di dời dân trên địa bàn. (Ảnh: CTV)
Chỉ huy phó Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự Thành phố Vũng Tàu Trần Văn Nhất trình bày phương án di dời dân trên địa bàn. (Ảnh: CTV)

Trong thời gian trước và trong khi bão đổ bộ, các cơ sở lưu trú không tiếp nhận khách qua đêm bắt đầu từ 12h ngày 24/12. Các khách sạn dọc bãi biển phải thông tin cho khách về cơn bão và đề nghị khách rời khỏi Vũng Tàu nếu ở các tỉnh lân cận.

Những khách ở xa, nếu có yêu cầu sẽ được đưa đến những khách sạn từ 2 sao trở lên để lưu trú, tránh bão. Từ ngày 24 đến hết ngày 26/12, các cơ sở kinh doanh lưu trú, khu du lịch không được tiếp nhận khách đến lưu trú và vui chơi.

Tối 24/12, gần 2.000 hộ dân huyện Côn Đảo đã được di dời đến nơi an toàn tránh bão. Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã nâng cấp báo động và ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

Cán bộ chiến sĩ tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, cầu cảng, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, doanh trại và vũ khí trang bị.

Đối với các nhà giàn, PVEP POC đã cho sơ tán toàn bộ cán bộ, nhân viên trên nhà giàn Đại Hùng 1 và 2 để đảm bảo công tác an toàn.

Đan Quỳnh