Cần loại bỏ từ "thu giá" để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt

27/05/2018 07:40
Trần Nguyên Hào
(GDVN) - Từ "thu giá" chưa từng xuất hiện ở bất kỳ cuốn từ điển chính thống nào; mặt khác về mặt logic học nó không có nội hàm tường minh và ngoại diên...

LTS: Bàn về phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến khái niệm "thu giá", Thạc sĩ Trần Nguyên Hào, giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bài báo "Bộ trưởng Giao thông: Không có chuyện đánh tráo khái niệm 'thu phí' thành 'thu giá'" (trên website www.vtc.vn) ngày 22/5/2018 đưa tin:

“Chiều 22/5, bên hành lang Quốc hội, trả lời báo chí về việc đổi tên gọi trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải thích "Giờ mình xem BOT là 1 sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước"...

Người đứng đầu ngành giao thông cũng khẳng định việc chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà chỉ là linh động hơn rất nhiều.

Bộ Giao thông Vận tải khẳng định từ ngữ văn bản do quy định của nghị định và không có chuyện đánh tráo khái niệm "thu phí" thành "thu giá":

"Không phải do Bộ quy định mà do nghị định của Chính phủ quy định. Ví dụ, sản phẩm sản xuất nhà máy thì họ ấn định giá bán, và BOT là 1 sản phẩm của doanh nghiệp", Bộ trưởng Thể nói...” [1].

Nhiều trạm "thu phí" đã đổi tên thành "thu giá". Ảnh: Vov.vn
Nhiều trạm "thu phí" đã đổi tên thành "thu giá". Ảnh: Vov.vn

Dưới góc độ quản lý nhà nước và lợi ích của người dân khi bắt buộc phải trả tiền phí di chuyển phương tiện ô tô qua các trạm BOT do các doanh nghiệp hợp tác đầu tư với Nhà nước (thông qua Bộ Giao thông Vận tải), đã có nhiều bài báo, bài viết bình luận về những phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể về việc vì sao chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá như trên.

Ở đây người viết muốn bàn về việc xuất hiện một cách vô căn cứ và phản ngôn ngữ của từ “THU GIÁ”.

Giải thích của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể ở trên cho thấy:

Trong khi dư luận đang quan tâm nhất đến vấn đề tại sao lại sử dụng một từ vô nghĩa và ngô nghê là "THU GIÁ" trong các văn bản hành chính của Bộ và trong tên các trạm BOT trên thực tế thì ông lại đánh lạc hướng sang việc giải thích thế nào là thu giá và khác thu phí ở chỗ nào - đây cũng là một hình thức đánh tráo luận đề.

Cần loại bỏ từ "thu giá" để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt ảnh 2Học giá, Viện giá, Lệ giá, Kinh giá và Ủy ban Vật … phí

Một từ (hoặc cụm từ) được xem là có nghĩa khi nó xuất hiện trong các cuốn từ điển chính thống và có giá trị nghiên cứu học thuật hoặc dù chưa xuất hiện trong từ điển nhưng đã quen thuộc, được xã hội thừa nhận vì tính hợp lý, tính hiện đại của nó (từ điển sẽ cập nhật).

Từ "THU GIÁ" chưa từng xuất hiện ở bất kỳ cuốn từ điển chính thống nào; mặt khác về mặt logic học nó không có nội hàm (dấu hiệu cơ bản) tường minh và ngoại diên (rỗng, do chưa ai dùng từ “thu giá” trong các cụm từ như "thu giá học tập", "thu giá gửi xe" hay "thu giá tiền điện" v.v...), vì vậy người Việt không thể chấp nhận từ "THU GIÁ" xuất hiện một cách công khai và có vẻ chính thống như ở các trạm BOT được! 

So sánh thêm từ “phí” trong tương quan nghĩa với “thu phí” và “giá” trong tương quan nghĩa với “giá cả”, chúng ta càng thấy sự vô nghĩa của từ “THU GIÁ”.

Bài viết “Thu giá là vô nghĩa” trên báo Tuổi trẻ online ngày 23/5/2018 dẫn ý kiến của Tiến sĩ Đỗ Phương Lâm (Đại học Hải Phòng) rằng:

Giá tức giá cả, là yếu tố Hán Việt, dùng để chỉ mức đo giá trị hàng hóa, chỉ thang độ như giá cả, giá thành, giá trị, giá chợ đen...

Giá chỉ là biểu hiện về giá trị, chứ không phải là cái gì cụ thể, vì thế không thể thu hay nộp.

Còn phí là khoản tiền, khoản chi tiêu vào một việc nào đó như: học phí, lộ phí, viện phí...

Theo Từ điển tiếng Việt, phí còn được hiểu là "khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ công cộng nào đó"...

Cần loại bỏ từ "thu giá" để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt ảnh 3Giải quyết vướng mắc Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Vì thế, chỉ có thể nói thu phí cầu đường mà không thể nói thu giá cầu đường.

Các cụm từ thu giá, trạm thu giá được cấu tạo không đúng quan hệ ngữ nghĩa giữa các thành tố” [2].

Như vậy, “giá” không thể được hiểu là là một thứ hữu hình có thể thu và nộp như cách giải thích của Bộ Giao thông Vận tải về “Trạm thu giá” là "nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. (dẫn theo [2]).

Tiếng Việt là hồn cốt văn hóa của người Việt, là sản phẩm của dân tộc Việt Nam.

Tiếng Việt giống như lãnh thổ quốc gia thiêng liêng vậy - nó có quá trình được con cháu Lạc Hồng khai khẩn, mở mang, bồi đắp, gìn giữ và canh tác.

Vì vậy ngôn ngữ Việt là lợi ích của toàn thể con dân nước Việt, không một ai được quyền "xâm phạm" lợi ích này, cụ thể là làm vẩn đục Tiếng Việt.

Đồng thời thiết nghĩ ai cũng phải có trách nhiệm đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt để bảo vệ cho lợi ích của chính mình và con cháu mình...

Trước hết, nên chăng mọi người cần đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng phản đối việc sử dụng từ "THU GIÁ" này; đề nghị các đại biểu Quốc hội phải lên tiếng thay cử tri để yêu cầu các chủ BOT cùng những người liên quan phải thay ngay từ "THU GIÁ" bằng từ "THU PHÍ" tại các trạm; giới luật sư và những nhà làm luật nên đề nghị xây dựng ngay một đạo luật về bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt để bảo vệ quyền thiêng liêng của người Việt và bảo vệ văn hóa Việt....

Thiết nghĩ cần nhiều tiếng nói hơn để làm những điều trên nhằm loại bỏ từ “THU GIÁ” trước khi quá muộn.

Bởi sự đã rồi và biến không thể thành có thể, biến lạ thành quen (mà cụ thể ở đây là sự "cưỡng ngôn" "khủng bố" từ thị giác đến tư duy làm ức chế cảm xúc của người khác) thường là dụng ý không tích cực của nhiều người đang lạm dụng quyền thế.

Tài liệu tham khảo:

[1].https://vtc.vn/bo-truong-giao-thong-khong-co-chuyen-danh-trao-khai-niem-thu-phi-thanh-thu-gia-d400783.html

[2].https://tuoitre.vn/thu-gia-la-tu-vo-nghia-20180523083232346.htm

Trần Nguyên Hào