Theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ban hành ngày 19/5/2018, cán bộ lãnh đạo tương lai, bao gồm cấp chiến lược, cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở Trung ương, cấp lãnh đạo, quản lý ở địa phương ngoài tiêu chí chung là “đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế” còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác như: “đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ”,…
Việc Trung ương ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW cho thấy chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cho đến nay đã bộc lộ nhiều vấn đề, không chỉ là trình độ mà còn cả tâm đức.
Nguyên nhân có lẽ là do xưa nay, cán bộ được lựa chọn theo quy trình chứ chưa hẳn là do năng lực.
Nếu “quy trình” ấy là khoa học, minh bạch, được kiểm soát chặt chẽ thì chắc chắn không có chuyện “cả họ làm quan”, không có cả “bầy sâu” lẻn vào hàng ngũ lãnh đạo cao cấp còn người thi tuyển đạt tiêu chuẩn Hiệu trưởng đại học lại bị “hoãn” bổ nhiệm.
Dân chúng và các vị đứng đầu Đảng, Nhà nước đều có chung nhận định, rằng cho đến nay quy trình “tối cao” giữ vai trò điều chỉnh hành vi của các “quy trình” khác chính là “Nguyên tắc Ngũ ngũ” - tức là “ngũ ệ” và “ngũ cờ” (5C).
Tại kỳ họp Quốc hội ngày 17/11/2015, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã “khiến Quốc hội cười nghiêng ngả” và “bị Chủ tịch Quốc hội đánh giá là vòng vo”. [1]
Câu nói của ông Hoàng Tuấn Anh khiến “Quốc hội cười nghiêng ngả” được báo chí trích dẫn đại ý:
“Nhiệm kỳ 13 của ông sắp kết thúc, ông xin phép không dám trả lời, xin bỏ ngỏ (nhường) Bộ trưởng nhiệm kỳ sau”.
Gần đây, cũng tại một kỳ họp Quốc hội, giải thích về chuyện “nóng” BOT năm 2017, Bộ trưởng Giao thông cho rằng: “Rõ ràng đây là sản phẩm của giai đoạn trước”.
Ông Bộ trưởng Giao thông dùng từ “giai đoạn” chứ không phải “nhiệm kỳ” cho thấy quãng thời gian gọi là “trước” ấy chắc không phải chỉ một nhiệm kỳ.
Có sự trái ngược kỳ lạ trong ngôn từ giữa hai vị ngang cấp - cùng là Ủy viên Trung ương - ông Chủ tịch Hà Nội nói: “Nguyên tắc của tôi là không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước” còn ông Bộ trưởng Giao thông thì bảo BOT là sản phẩm của “giai đoạn trước”.
Thế có phải ông chẳng dính líu gì đến giai đoạn trước?
Cánh báo chí đã cẩn thận thống kê thế này:
“Trong giai đoạn 2011-2015 có 62 dự án gồm 58 dự án BOT 170.355 tỷ đồng và 4 dự án BT 16.305 tỷ đồng.
Tóm lại, các dự án BOT “nở rộ” dưới thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng.
Và cũng giai đoạn này (2013-2015), ông Thể làm Thứ trưởng, tức là người giúp việc cho Bộ trưởng Thăng”. [2]
Nghe thiên hạ kháo nhau rằng chính ông là người ký BOT Cai Lậy, mà BOT này lại là “cái” được liệt vào hạng lùm xùm chẳng kém gì BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ hay tuyến BOT giao thông chạy qua cầu Việt Trì mới!
Có phải sau ba năm làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (2013-2015), từ khi luân chuyển công tác về làm Bí thư tỉnh Sóc Trăng (2015-2017) thì ông “đứt đuôi con nòng nọc” với ngành Giao thông, ông chẳng còn có trách nhiệm và nghĩa vụ gì nữa với ngành này (cho đến khi ông quay về làm Bộ trưởng)?
Ông Chủ tịch Hà Nội vốn là quan võ (Thiếu tướng), thế nhưng “văn” của ông kín kẽ khiến chẳng ai có thể bắt bẻ bởi ông “không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước”, ông ấy không hề nói “thế hệ trước” có vấn đề gì, còn ai hiểu khác ý ông thì đó là quyền của người ta, ông không thể bắt buộc.
Ông “hưu quan” thì “nhường” cho nhiệm kỳ sau, ông “đương quan” thì bảo do “giai đoạn trước”, còn Dân suốt bao nhiêu năm được “thưởng thức” cả “sau” lẫn “trước”!
Thế lúc nào Dân không phải “thưởng thức” món đặc sản “sau trước” của các “Quý Quan”?
Nhân nói về “những lời có cánh” của quan, không thể không nhắc đến chuyện “Trạm thu giá” BOT mà dân chúng đang “mắt tròn, mắt dẹt”!
Ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Bộ Giao thông Vận tải giải thích:
“Việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá là theo quy định của Luật phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: "Giờ mình xem BOT là 1 sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước".
Lý luận như ông Thể có nên hiểu thế này: Các khoản thu dính đến Nhà nước thì gọi là “phí”, còn thuộc doanh nghiệp thì gọi là “giá”.
Trạm thu giá Bến Lức. Ảnh: Vov.vn |
Nếu suy luận như thế được ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chấp nhận thì các trường học ngoài công lập từ nay không được thu học phí của học viên mà phải thu … “học giá”.
Kỳ thi tuyển sinh Cao đẳng, Đại học sắp tới các trường không được thu “Lệ phí tuyển sinh” mà phải là “Lệ giá tuyển sinh”?
Các bệnh viện không được phép thu “viện phí” mà phải là “viện giá”;
Nếu có nhắc đến Ủy ban Vật giá Nhà nước (từ 1966) thì theo Luật mà ông Thể viện dẫn, chắc phải đổi thành Ủy ban vật … phí?
Còn Nghị định số 2/CP của Chính phủ ban hành ngày 26/10/1992 “Về việc thành lập Ban vật giá Chính phủ” không biết có phải đổi thành “Ban vật …phí Chính phủ”?
Thêm nữa, từ nay những khoản “kinh phí” mà dân gian quen gọi là “lót tay” do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không liên quan đến nhà nước cho vào phong bì có được giữ nguyên hay bắt buộc phải đổi thành “kinh giá”?
Thực ra, để ý kỹ một chút “tâm tư” của một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải sẽ thấy ngay “tò vò làm tổ” ở đâu.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) - Bộ Giao thông Vận tải giải thích:
“Về bản chất, khi chuyển từ thu phí BOT sang thu giá BOT, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động, còn điều chỉnh phí là thẩm quyền của Bộ Tài chính”. [3]
Thay “phí” bằng “giá” thì quyền quyết định chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Giao thông Vận tải, không biết điều này có liên quan gì đến khái niệm “nhóm lợi ích”?
Đã là “phí” thì phải theo luật, vi phạm là có ngày phải hầu tòa, còn “giá” thì nâng lên đặt xuống không liên quan đến luật mà là “linh động hơn rất nhiều”, điều này không phải dân cỏ (thảo dân) suy diễn lung tung mà chính do ông Bộ trưởng Thể công bố:
“Phí do Hội đồng nhân dân, Quốc hội quyết định, mang tính chất của Nhà nước.
BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên họ định giá và khi chuyển qua giá thì mới giảm giá để cân đối được phương án tài chính.
Chuyển đổi tên trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà chỉ là linh động hơn rất nhiều”. [4]
Ô hay, ông Bộ trưởng nước đôi như thế thì ai sẽ hoan hô trước tiên?
“BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên họ định giá”?
Có lẽ bận nhiều việc nên ông Bộ trưởng Thể không biết chuyện một doanh nghiệp nhà nước hẳn hoi, mà lại chịu sự quản lý của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là công ty Tân Thuận đã tự định giá lô đất 32 ha ở Phước Kiển chỉ có 419 tỷ đồng trong khi báo điện tử Tapchitoaan.vn viết:
“Khu đất Công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai với giá 419 tỷ đồng, được cho là chênh so với giá thị trường 2.000 tỷ đồng”. [5]
Đến doanh nghiệp thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh quản lý còn “tự định giá” như thế thì doanh nghiệp tư nhân thiếu gì cách “tự định giá” để được chấp thuận!
Việc “cân đối phương án tài chính” (của doanh nghiệp) đương nhiên phải do Bộ liên đới “điều chỉnh” và đương nhiên phải do một người cụ thể nào đó theo dõi, vậy có khiến cho “giá” chỉ có giảm chứ không tăng?
Không biết bao nhiêu bài báo phân tích chuyện một khi nắm thị phần chi phối như điện, xăng dầu,… thì việc doanh nghiệp “tự định giá” chẳng mấy khi bị phản đối, kể cả khi đại biểu đưa vấn đề ra trước Quốc hội.
Xin trích ý kiến đăng trên Vietnamnet.vn cuối năm 2017:
“Trên thực tế, vào tháng 3/2015, sau khi biểu giá điện bán lẻ 6 bậc đưa vào áp dụng, nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra.
Khi ấy, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải tổ chức hội thảo khắp 3 miền để lấy ý kiến đóng góp cho đề án cải tiến biểu giá điện”. [6]
Từ 2015 đến nay là mấy năm và biểu giá điện thay đổi như thế nào?
Có điều, khi quan chức Bộ Giao thông Vận tải đã “thành thực” chuyện “phí - giá” như thế thì dân chúng có nên thông cảm, bắt bẻ ngôn từ tí chút chứ đừng động đến “lợi ích cốt lõi” của Bộ này, đừng “huỵch toẹt” cái được ngụy trang kín đáo phía sau chỉ một từ “giá”!
Còn điều này dân chúng rất mong ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải giải thích rõ thêm kẻo lại hiểu nhầm ý ông, rằng “nếu giải quyết không ổn thoả vấn đề này (BOT) sẽ dẫn đến dư luận trong và ngoài nước không tốt, ảnh hưởng đến đầu tư”.
Giữa “dư luận trong và ngoài nước” với lợi ích của dân thì bên nào quan trọng hơn, để thu hút đầu tư có nên đặt quyền lợi của dân thấp hơn “dư luận” hoặc doanh nghiệp?
Trong bài: “Đại cục của con dân đất Việt là gì?”, có câu thế này:
“Cứ tưởng đi tìm “một bộ phận không nhỏ” khó khăn lắm, hóa ra không phải”.
Đến nay đành phải “ngựa theo đường cũ” mà rằng:
“Cứ tưởng đi tìm “nhóm lợi ích” khó khăn lắm, hóa ra không phải”.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.baogiaothong.vn/bo-truong-hoang-tuan-anh-khien-quoc-hoi-cuoi-nghieng-nga-d128102.html
[2] http://dantri.com.vn/blog/phai-chang-ong-bo-truong-the-quen-20180524054307608.htm
[3]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/bot-vi-sao-tram-thu-phi-chuyen-thanh-tram-thu-gia-450808.html
[4]http://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/bo-truong-giao-thong-tran-tinh-chuyen-thu-gia-bot_t57c1068n134318
[5]http://tapchitoaan.vn/bai-viet/kinh-te/du-an-phuoc-kien-tphcm-quoc-cuong-gia-lai-khong-co-y-dinh-dua-moi-viec-ra-toa
[6] http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/khung-gia-dien-moi-dung-tren-400-so-dien-gia-dat-gap-doi-411294.html