Cần một cuộc chấn hưng giáo dục

28/09/2011 12:01
Theo Tuổi Trẻ
"Chúng ta luôn nói “Tôn sư trọng đạo”, nhưng lương nhà giáo quá thấp, giáo viên không thể sống được bằng đồng lương của mình"

Đó là đề nghị của nhiều đại biểu tham dự cuộc tọa đàm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo nước nhà do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức ngày 27-9 tại Hà Nội.

GS Hoàng Tụy phát biểu tại cuộc tọa đàm - Ảnh: Việt Dũng
GS Hoàng Tụy phát biểu tại cuộc tọa đàm - Ảnh: Việt Dũng

Rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức liên tục trong thời gian qua để mổ xẻ những bất cập của giáo dục và đề xuất những giải pháp nhằm thay đổi. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên bộ trưởng, các thứ trưởng và nhiều cán bộ quản lý của Bộ GD-ĐT cùng có mặt để lắng nghe những đề xuất, kiến nghị từ những nhà nghiên cứu giáo dục, nhà khoa học có uy tín...

Hàng loạt vấn đề cần giải quyết

"Chúng ta luôn nói “Tôn sư trọng đạo”, nhưng lương nhà giáo quá thấp, giáo viên không thể sống được bằng đồng lương của mình"

GS HOÀNG TỤY

Là người đầu tiên phát biểu tại cuộc tọa đàm, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, cho rằng: “Trước hết tôi vẫn nghĩ cần phải có một phương hướng cải cách giáo dục, phải có một đề án cải cách giáo dục mang tính tổng thể và chiến lược phát triển giáo dục mà Bộ GD-ĐT vừa trình bày phải nằm trong đề án cải cách đó.

Trong bối cảnh nền giáo dục còn nhiều yếu kém, bất cập, nhiều vấn đề đang cần phải nghiên cứu thay đổi như hiện nay, việc đưa ra một bản chiến lược tổng thể phát triển giáo dục là chưa có cơ sở”.

Theo bà, sẽ có hàng loạt vấn đề phải giải quyết đồng bộ mà trước hết phải xác định lại sứ mạng giáo dục hiện nay và triết lý giáo dục sẽ nằm trong sứ mạng giáo dục đó là gì.

PGS Trần Quốc Toản, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói trong quá trình đổi mới giáo dục cần phải đặt lên hàng đầu đổi mới tư duy, nhận thức, triết lý giáo dục vì đây là những vấn đề mang tính mở đường. Tiếp đến, những yếu tố giáo dục căn bản phải được nghiên cứu rõ cả về khoa học và thực tiễn.

Và những vấn đề này không phải giao cho cơ quan quản lý hành chính thực hiện mà phải có cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm với những nghiên cứu cẩn trọng.

Bà Nguyễn Thị Bình kiến nghị: “Cần có một tổ chức làm nhiệm vụ xây dựng đề án tổng thể nêu ra được giải pháp, lộ trình để trình trung ương và Quốc hội theo quy định pháp luật. Tổ chức này có thể là Ủy ban cải cách giáo dục”.

Bắt đầu từ đâu?

Đổi mới quản lý giáo dục, thay đổi cơ cấu hệ thống giáo dục, thay đổi nội dung chương trình, đổi mới thi cử và xây dựng chính sách đối với nhà giáo... là những vấn đề được các nhà giáo dục cho rằng là then chốt của một cuộc chấn hưng giáo dục. Các ý kiến tại cuộc tọa đàm cũng đặc biệt quan tâm, thảo luận về việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống quan điểm, triết lý giáo dục cho giai đoạn phát triển mới.

GS Hoàng Tụy cho rằng nên điều chỉnh cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân để sau THCS, phần lớn học sinh sẽ vào học trung học hướng nghiệp, chỉ một tỉ lệ nhỏ học THPT. Với cấu trúc giáo dục quốc dân được điều chỉnh, sẽ khắc phục được tình trạng 80-90% học sinh phổ thông chỉ học để đi thi đại học và có thể thực hiện được việc sàng lọc, thắt chặt quản lý chất lượng đầu ra của đại học.

Cùng với việc điều chỉnh cấu trúc giáo dục, GS Hoàng Tụy đề nghị phải đổi mới cơ bản cách học và thi. Để khắc phục tình trạng học sinh lao vào học chỉ để thi và sự tốn kém, thiếu thực chất của kỳ thi cuối cấp, GS Hoàng Tụy cho rằng nên thực hiện việc kiểm tra ngay trong quá trình học và cuối các cấp học, học sinh chỉ cần làm một bài tiểu luận để kiểm tra kiến thức tổng hợp.

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên phó Ban Tuyên giáo trung ương, người có nhiều năm gắn bó với ngành sư phạm, đổi mới đào tạo đội ngũ chính là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Vỳ kiến nghị cần sớm thực hiện các giải pháp: xây dựng chiến lược phát triển ngành sư phạm, nghiên cứu tìm kiếm mô hình mới để đào tạo giáo viên, đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp ở các trường ĐH sư phạm, đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên theo chu kỳ thường xuyên, hoàn thiện các tiêu chuẩn tuyển dụng đầu vào và thực hiện nghiêm túc chế độ tuyển dụng giáo viên, nâng cao đãi ngộ đối với giảng viên, giáo viên...

Cùng quan điểm này, GS Hoàng Tụy nhấn mạnh: “Chính sách nhà giáo là vấn đề quan trọng nhất trong những vấn đề then chốt của việc đổi mới giáo dục”. Chất lượng giáo dục nâng lên, tiêu cực được đẩy lùi, việc thực hiện đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả, thiết thực... tất cả đều trông chờ vào một đội ngũ nhà giáo tâm huyết, có năng lực. Nhưng để có một đội ngũ như thế, chính sách phải thay đổi trước.

Theo Tuổi Trẻ