Từ xưa tới nay trẻ em luôn được ví như những mầm non cần được bảo vệ, chăm sóc. Nhưng “những mầm non” ấy ngày càng bị bạo hành nhiều hơn bởi các cô giáo mầm non, những người thường được ví “như mẹ hiền”.
Từ năm 2008 đến nay, năm nào cũng nổi cộm những vụ giáo viên mầm non bạo hành học sinh. Chưa đầy 1 tháng trở lại đây, từ Bắc vào Nam đã có hàng loạt vụ bạo hành, đối xử tàn nhẫn với trẻ em xảy ra và ngày càng có xu hướng gia tăng.
Nếu ở Văn Quan, Lạng Sơn thì cô giáo nhốt cháu bé ngoài cửa khiến đứa trẻ bấn loạn nhặt rác cho vào miệng thì ở Đông Các, Hà Nội cô giáo mầm non lại cầm hung khí, văng tục chửi thề trước mặt học sinh.
Và gần đây nhất, vụ việc cô giáo mầm non ở Đồng Hới, Quảng Bình trói chân tay cháu bé 15 tháng tuổi, nhét giẻ vào miệng, dùng thìa inox đánh vào má cháu bé đang gây náo loạn dư luận.
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về hành động bạo hành ảnh hưởng tới tâm lý phát triển của trẻ, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng Khoa Tâm lý học – Trường Đại học Sư phạm TP. HCM cho biết:
“Không dễ dự báo được hành vi của cá nhân trẻ trong những trường hợp này. Nhưng có thể có hai dạng phản ứng xúc cảm có thể nảy sinh:
Thứ nhất, phản ứng xúc cảm thụ động là không làm gì mà chỉ chờ cho nó qua đi, sự phản ứng xúc cảm thụ động này lâu dài có thể làm cho cảm xúc bị chai sạn, khô khan.
Thứ hai, sự thay đổi cảm xúc trở nên rõ nét hơn, phát sinh những cảm xúc tiêu cực điển hình như: dễ bị kích thích (bực bội, cáu gắt vô cớ, mất bình tĩnh), lo sợ, bất an, lo lắng quá nhiều về những điều nhỏ nhặt, thiếu tự tin, dễ chán nản, buồn bã và mất mọi hứng thú, thấy khó chịu ngay cả với những điều bình thường, …
Chính những phản ứng xúc cảm này làm cho mối quan hệ với những người xung quanh trở nên khó khăn nhất là đối với những người thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với mình.
Nhìn chung, hậu quả dễ thấy nhất là những thương tổn về cơ thể. Nhưng chính những hậu quả đáng đau xót về tinh thần như: rối loạn lo lâu, sợ hãi, sang chấn mới thật sự đáng thương”.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng Khoa Tâm lý học – Trường Đại học Sư phạm TP. HCM |
Vì thế, hành động bạo hành trẻ em không chỉ là vi phạm các nguyên tắc của ngành mà còn vi phạm pháp luật. Những hành vi hành hạ người khác không thể đổ lỗi hay bao biện mà cần có biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và đồng bộ.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, việc xử phạt này không chỉ với hành động bạo hành trẻ mà còn xử phạt dựa trên trách nhiệm của người mang danh bảo vệ, dạy dỗ học sinh nhưng đã không hoàn thành.
Và chắc chắn người thầy, người cô cần phải bù đắp cho học sinh bị bạo hành lòng tự trọng, sự an toàn bằng lời xin lỗi và thái độ chăm sóc sau đó.
Ngoài ra, vấn đề tuyên truyền luật pháp cần được đảm bảo hiệu quả hơn. Song song đó, cần giúp cho những ai làm nghề liên quan đến con trẻ cần ý thức về nghề, nghiêm túc và có định hướng khoa học hơn.
Đặc biệt, ngành giáo dục cần có những đợt huấn luyện bài bản về lòng yêu nghề, lòng tự trọng và đạo đức nghề nghiệp dựa trên tinh thần: phòng chống bạo lực, bảo vệ trẻ em và tôn trọng – chấp nhận trẻ em một cách tối đa.