LTS: Gần đây các vụ thảm sát liên tục xảy ra từ Bắc vào Nam, tính chất manh động, bạo lực đang có xu hướng trẻ hóa.
Trước tình hình đó, ThS. Phạm Xuân Hoàng công tác tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội có lời khuyên đến với mỗi người để bảo vệ lấy sinh mệnh của chính mình.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả lời khuyên chân thành đó.
Những vụ việc giết người gây bức xúc và lo lắng gần đây trong nhân dân là những vụ việc có số người mất mát không hề nhỏ: vụ 3 mạng người ở Bắc Giang, vụ 4 mạng người ở Nghệ An, vụ 6 mạng người ở Bình Phước và gần đây nhất là 4 người cũng trong một gia đình ở Yên Bái bị giết hại dã man.
Tất cả các nạn nhân đều bị sát hại bởi những người trẻ, không phải là đao phủ chuyên nghiệp, không ít sát thủ từng được những người được bà con hàng xóm đánh giá là hiền lành!
Tại sao, những bộ mặt con người “hiền lành” thường ngày như Lê Văn Luyện, Nguyễn Hoàng Dương, Vi Văn Hai lại trong phút chốc có thể trở thành kẻ sát nhân, mang khuôn mặt của ác quỷ.
Hành vi giết, tước đoạt mạng sống của một nhóm người lại có thể thực hiện dễ dàng bởi những con người bình thường. Trong hình dung của nhiều người, gây án mạng như vậy phải là các sát thủ chuyên nghiệp, chứ người bình thường khó mà làm được!
Những vụ việc giết người vì những lí do không giống nhau: vì mục tiêu cướp của, vì “xả” những mâu thuẫn cá nhân xuất phát từ tình cảm và có vụ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt khác trong cuộc sống...
Nghĩa là những lý do thuộc về “tham, sân, si” của xã hội con người, xưa nay vốn vẫn có như thế. Điều đáng nói là cấp độ manh động, sự tàn độc, máu lạnh của những tên giết người ngày càng ghê rợn. Và kẻ gây án là những đối tượng còn khá trẻ.
Vụ cướp của giết người như Lê Văn Luyện (Bắc Giang) trong khi cướp của bị gia chủ phản ứng đã là một nhẽ.
Giết và tận diệt những người đã từng là hàng xóm với nhau như Vi Văn Hai (Nghệ An) do cơn tức giận nổi lên đã là khủng khiếp hay ngay cả những người có quan hệ thân tộc như vụ giết người ở Yên Bái cũng vậy.
Đoàn xe kéo dài hơn 1km đưa tiễn các nạn nhân trong vụ thảm sát Bình Phước (Ảnh: tuoitre.vn) |
Lên kế hoạch cướp, giết cả gia đình của người mình từng có quan hệ yêu thương như vụ việc do Nguyễn Hoàng Dương (Bình Phước) gây ra lại càng khủng khiếp hơn.
Dân gian hiện truyền nhau câu: “Bắc - Luyện, Nam - Dương, Trung - Mằn” (tên gọi khác của Vi Văn Hai), để chỉ 3 kẻ ác thủ giết người phi nhân tính.
Trong 4 vụ việc nói trên đều có 4 đứa trẻ nhỏ, thì chỉ có 1 bé là may mắn sống sót (bé Na- Bình Dương), còn 3 bé (Bắc Giang, Nghệ An, Yên Bái) đã phải chịu chết dưới lưỡi dao của tên giết người không ghê tay.
Những vụ án chấn động dư luận như vậy đã trở thành trọng án của lực lượng công an.
Từ người đứng đầu ngành, cho đến những chiến sĩ tinh nhuệ nhất được điều động chẳng quản đêm ngày để tập trung phá án.
Sự rúng động xã hội của các vụ án nói trên là rất lớn. Nhiều người từng phút, từng giờ truy cập mạng nghe ngóng tin công an phá án, sốt ruột với tiến độ vụ án và mong sớm bắt được kẻ thủ ác để công lý sớm được thực thi.
Nhiều người chỉ nghe, đọc qua phương tiện thông tin đại chúng mà ám ảnh và nhỏ lệ thương khóc cho những những người bị thiệt mạng.
Mất mát lớn nhất với mỗi vụ giết người vẫn là sinh mạng con người, đó có thể nói là thứ quý giá nhất trong mọi sự tồn tại trên cõi đời này.
7 sự kiện nổi bật tuần qua(GDVN) - Bắt "sát thủ" giết 4 người ở Yên Bái; Bé trai 7 tuổi rơi từ tầng 10 may mắn thoát chết; Bé trai 12 ngày tuổi bị đâm xuyên sọ... |
Tước đoạt mạng sống là tước đoạt không chỉ sự sống của một cá nhân, một cá thể mà vô hình chung tước đoạt đi niềm hạnh phúc của bao gia đình, bao mối quan hệ thân thuộc của con người đó.
Mỗi vụ án còn gây nên biết bao tổn thất cho các gia đình và xã hội về người, về của, về tinh thần, về sự bình yên. Điều đáng nói là những mất mát về phương diện tinh thần của xã hội.
Câu chuyện xã hội (giáo dục, đạo đức) của mỗi vụ trọng án là không hề nhỏ. Sự sang chấn tinh thần của xã hội vẫn còn sau khi những vụ án đã lùi xa.
Những kẻ ác thủ gây nên tội “trời không dung đất không tha”, sớm hay muộn cũng sẽ phải chịu hình phạt tương ứng.
Kẻ tội phạm cũng chết là hết, về cơ bản coi như công lý được thực thi nhưng còn những người sống, những bậc phụ huynh của chúng cũng rơi vào tình trạng đang sống mà coi như chết rồi.
Bởi các mặc cảm tội lỗi của người thân mình gây ra cho người khác cho xã hội là rất ghê gớm, sẽ ám ảnh họ suốt cuộc đời làm cha làm mẹ của họ.
Những điều này, liệu kẻ ác thủ có nghĩ đến trước khi xuống tay hành động?. Chắc là không! Khi con quỷ dữ nổi lên cũng là lúc phần người bị che lấp và những kết cục thê thảm diễn ra, khiến cả xã hội phải đau lòng, xót xa cho những phận người.
Nếu mỗi tên tội phạm trước lúc gây án đều biết nghĩ, biết tự kiềm chế thì chắc chắn những hậu quả đáng tiếc là không thể xẩy ra và mọi sự vẫn trong giới hạn an toàn.
Cơ hội sống và làm người của chúng vẫn rộng mở. Chắc chắn bố mẹ và người thân của chúng không phải đau khổ vì tội tình mà chúng gây ra cho người khác.
Những vụ giết người không ghê tay trong các năm từ 2011-2015 khiến cả xã hội cảnh báo về mức độ tàn độc của tội phạm. Vì những mâu thuẫn không lớn mà chúng sẵn sàng giết người, sẵn sàng gây án mạng khủng khiếp.
Sau mỗi vụ án đầy mất mát và đau xót như vậy, những người có lương tri xót xa ngậm ngùi. Sao xã hội càng văn minh, mà bạo lực lại triền miên! Sao người ta có thể giết nhau vì những lý do lãng nhách, vì những sự ghen tuông hậm hực không lối thoát!
Sao không có thể có giải pháp gì hữu hiệu hơn để ngăn chặn bạo lực phát sinh, tránh hậu quả đau lòng? Dường như an ninh con người vẫn là một trạng thái lý tưởng chứ thực tế đâu đã có và không thể có một sớm một chiều. Ước mơ về một xã hội yên bình nhân ái nghe vẫn còn xa.
Hàng ngày mở mạng Internet ra, có biết bao tin tức về bạo lực, bạo hành, nhiều người cảm thấy xã hội ta đang ở tình trạng bất an ghê gớm.
Từ con số những 6200 người bị thương vong do ẩu đả trong những ngày tết Nguyên Đán 2015 vừa rồi, cho đến những vụ án ở Bình Dương, Nghệ An gần đây, tiếng chuông báo động về tội ác đã ở cấp độ dữ dội.
Theo Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến- Cục trưởng Cục Hình sự Bộ Công An thì, tội phạm hiện nay ngày càng hoạt động có tính chất manh động hơn, bạo lực hơn, đặc biệt đang có xu hướng trẻ hóa.
Vụ thảm sát làm 4 người chết tại Yên Bái: “Đối tượng ra tay quá tàn độc”(GDVN) - Chủ tịch huyện Văn Yên (Yên Bái) nhận định, đối tượng giết 4 người trong một gia đình “ra tay rất tàn độc...”. |
Theo thống kê, lứa tuổi thành niên, vị thành niên chiếm 70-80% tội phạm. Đó là con số đáng suy nghĩ nghiêm túc. Với tình hình bạo lực gia tăng thời gian qua, có ý kiến cho là, xã hội Việt Nam hiện nay đang xuống cấp mạnh mẽ về đạo đức con người.
Bởi một trong những dấu hiệu của xã hội bình yên và văn minh là con người biết kìm chế bạo lực và biết nói không với bạo lực.
Những vụ trọng án trên đây, và những bạo lực diễn ra hàng ngày trong xã hội ta có nhiều nguyên nhân: nguyên nhân kinh tế, nguyên nhân tâm lý - xã hội, nguyên nhân văn hóa, giáo dục.
Với mỗi nguyên nhân đều có những lí giải khá xác đáng. Tuy nhiên, dù lí giải hợp lý như thế nào đi chăng nữa thì vấn đề cuối cùng là giải pháp nào để giảm thiểu bạo lực, trả lại môi trường bình an cho đời sống con người. Đó ắt là câu chuyện của toàn bộ hệ thống chính trị chứ không riêng ngành hay lĩnh vực nào.
Trong lúc tìm và chờ những giải pháp tốt có thể tháo gỡ vấn đề, hơn bao giờ hết, mỗi người, mỗi công dân trong xã hội vẫn phải tiếp tục đề cao cảnh giác với các ác, với tội phạm. Khuyến ái lẫn nhau cơ chế tự phòng vệ trước bạo lực và tội ác.
Dù gì, an toàn sinh mệnh vẫn là hạnh phúc số một, là điều kiện tiền đề cho mọi sự hạnh phúc chính đáng ở trên đời.
Tài liệu tham khảo:
1 'Tổng tư lệnh' cảnh sát hình sự kể hậu trường phá hai thảm án, 25/7/2015,
http://nghean24h.vn/news/Phap-luat-An-Ninh-Giao-thong/Tong-tu-lenh-canh-sat-hinh-su-ke-hau-truong-pha-hai-tham-an-318624.html
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, cách hành văn là của riêng tác giả.