Đã nghe rất nhiều giáo viên đi tập huấn bộ môn Hóa học ca ngợi cô giáo, báo cáo viên Lê Thị Hoài Thư của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiệt tình, đam mê nghề nghiệp, dễ thương, xinh xắn.
Năm nay “thập mục sở thị”, tôi vinh dự được “ngồi ké” để nghe cô báo cáo chuyên đề đổi mới phương pháp về kiểm tra đánh giá kết quả dạy học môn Hóa học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chuẩn bị nội dung trọng tâm kỹ càng, ứng dụng các phần mềm dạy học linh hoạt, điêu luyện, hiểu rõ nội dung chuyên đề, truyền tải đơn giản, dễ hiểu; giải đáp thắc mắc nhiệt tình, chu đáo, cầu thị, hòa đồng là những gì người viết cảm nhận sau một buổi được làm “học trò” của cô giáo Thư.
Khi được hỏi về đồng nghiệp của mình, thầy Phạm Hồng Luy, thành viên tổ bộ môn Hóa học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhận xét:
“Tiếp xúc với Thư, cảm nhận ngay Thư là một giáo viên có tâm, có tầm, đam mê nghề nghiệp.
Công tác với Thư, phát hiện bạn ấy còn có tài “nhận xét đánh giá giáo viên” sau tiết dự giờ, tế nhị, tích cực, chân thành và rất sắc sảo; làm người dạy trở nên tiến bộ hẳn sau tiết dạy, khích lệ được người dạy, vui vẻ phấn đấu đạt thành tích cao hơn từ thất bại của mình”.
Cô Lê Thị Hoài Thư – Giáo viên Trường Trung học cơ sở Vũng Tàu trong lễ khai giảng năm học 2018-2019. Ảnh: Sơn Quang Huyến |
Về thăm trường Trung học cơ sở Vũng Tàu, nơi cô Thư công tác từ năm học 2003-2004 đến nay mới thấy thành tích đáng nể của cô giáo.
Cô thường xuyên được Ban giám hiệu giao bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Hóa học của trường, năm nào học sinh cũng đạt nhiều giải cao, cấp thành phố, cấp tỉnh. Cá nhân cô giáo đã hai lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Ghi nhận đóng góp của cô giáo, cô Thư đã được tám lần công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở; từ năm học 2013-2014 đến năm học 2017-2018 liên tục được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở.
Năm học 2017-2018 có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp tỉnh. Ước mơ được chạm tay vào chiến sĩ thi đua cấp tỉnh một lần, năm học 2018-2019 cô đã đăng ký chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Khi tôi hỏi “Lấy năng lượng đâu mà cô giáo nhỏ nhắn thế này, có thể đạt nhiều thành tích như thế?”, Thư cười nói:
“Ba mẹ em là giáo viên nghỉ hưu, cuộc đời ba mẹ lấy thành công của học trò làm hạnh phúc của mình.
Em mơ ước làm giáo viên từ nhỏ, đam mê của ba, đã truyền cho em tình yêu nghề, yêu trẻ tự khi nào.
Môi trường làm việc ở trường Trung học cơ sở Vũng Tàu cũng tuyệt vời, Ban giám hiệu, các tổ chức trong trường luôn động viên, khích lệ, nhường danh hiệu thi đua cho giáo viên.
Cứ vậy, em làm, được nhà trường, học trò, phụ huynh ghi nhận, lại cống hiến hết mình, vậy thôi.”
Khi biết tôi muốn viết về bạn ấy, Thư xua tay “Thành tích của em đã đáng gì so với những đóng góp của Ban giám hiệu, các anh, các chị em trong trường Trung học cơ sở Vũng Tàu anh ạ, viết về em, em xấu hổ lắm”.
Vậy đó, nghề giáo còn bao vất vả, cuộc sống còn bao thứ lo toan, khi chúng ta thấy thành tích của mình là của tập thể, nhờ tập thể; thành công của học trò là mơ ước của mình, tiến bộ của đồng nghiệp là điều mình muốn; sẽ tìm ra năng lượng cho cuộc đời, cống hiến, sẻ chia cho người khác là hạnh phúc.