Chốt thu “phí cát lậu”
Dòng sông Long Đại chảy qua nhiều xã của huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vốn dĩ yên bình. Nhưng mấy ai biết rằng, nhiều năm nay con sông này trở thành “thánh địa” của nạn khai thác cát trái phép, khiến nơi này trở nên nhức nhối.
Không chỉ vậy, nhiều chủ đò khai thác cát tại đây bức xúc phản ánh, hàng ngày họ phải đóng “phí cát lậu” cho một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã thuê một chiếc thuyền để đi khảo sát từ phía xã Xuân Ninh sang xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).
Từ tờ mờ sáng, khi đến địa phận thôn Trường Giang, xã Trường Xuân, chúng tôi chứng kiến việc khai thác cát ở đây diễn ra rầm rộ.
Những tiếng nổ của tàu làm vang dội cả khúc sông, hàng chục người đàn ông trên tàu cặm cụi làm việc...hút cát dưới sông lên đò.
Nhiều chủ đò phản ánh, dù khai thác ngoài phạm vi của các công ty, nhưng họ vẫn phải nộp phí (Ảnh: Thủy Phan) |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện có 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát sạn trên sông Long Đại gồm: Công ty xây dựng Lương Ninh, Công ty TNHH Thương mại vận tải Hiền Ninh và Công ty TNHH xây dựng Ngô Anh Tuấn.
Ba Công ty này được phân bổ phạm vi khai thác tại các khúc sông ở Bãi Lùi, Bãi Cơm trên địa bàn xã Trường Xuân.
Theo phản ánh của người dân, các công ty này đã liên doanh lại lập ra một “chốt” để bán phiếu và bắt các chủ đò phải mua phiếu khi khai thác cát trên sông.
Một số chủ đò thừa nhận, hiện trữ lượng cát trong diện quy hoạch của các Công ty được cấp phép đã cạn kiệt, có khai thác thì rất ít cát hoặc cát xấu nên chủ yếu họ khai thác trái phép ở ngoài phạm vi quy hoạch, phía thượng nguồn sông.
Điều khiến các chủ đò bức xúc là dù họ khai thác cát ngoài phạm vi được quy hoạch của các công ty, nhưng vẫn phải mua phiếu ở “chốt thu phí”. Điều này đồng nghĩa với việc, số lượng cát người dân khai thác trái phép nghiễm nhiên trở thành hợp pháp khi mua phiếu này.
Trên khúc sông thuộc địa bàn xã Trường Xuân, chúng tôi ghi nhận có một chòi nhỏ có cắm lá cờ Tổ quốc được các chủ đò gọi là “trạm thu phí”, nằm ngoài phạm vi được quy hoạch. Mỗi lần đi khai thác, đò nào cũng phải ghé qua đó để mua phiếu thu.
“Chốt thu phí” mà các công ty lập ra để bắt các chủ đò mua phiếu (Ảnh: Thủy Phan) |
Ông L.H.P, một chủ đò ở xã Xuân Ninh cho biết: “Trung bình mỗi ngày, riêng ở xã Xuân Ninh có khoảng 20 đò đi hút cát ở phía thượng nguồn sông. Hầu hết các đò đều hút ngoài phạm vi được quy hoạch của các công ty nhưng vẫn phải vào mua phiếu.
Nếu người nào không mua, nhóm người trực ở “trạm thu phí” đó sẽ chạy theo bắt mua bằng được. Thậm chí, có người không chịu đóng phí còn bị dọa dẫm, đập phá nhà cửa”.
Chính quyền... mâu thuẫn
Hầu hết, các chủ đò khai thác cát trên sông Long Đại đều mong muốn có một bãi tập kết, có quản lý và thu phí hợp pháp để họ làm ăn đúng pháp luật.
Họ sẵn sàng đóng thuế cho Nhà nước chứ không phải nộp phí cho một cá nhân hay tập thể nào mà thu sai quy định.
“Tôi mua phiếu của họ hơn một năm nay rồi. Khi tôi khai thác trong khu vực của họ thì đương nhiên là phải mua phiếu, nhưng kể cả tôi khai thác phía ngoài cũng vẫn phải mua. Có người không mua còn bị họ dọa phá đò hoặc dọa báo công an bắt.
Chúng tôi chỉ mong muốn được tạo điều kiện để làm việc đúng pháp luật. Nếu nộp phí thì nộp cho Nhà nước chứ không phải cho các cá nhân, tập thể thu sai quy định”,anh S., một chủ đò cho biết.
Phiếu thu mà các chủ đò phải mua khi khai thác trên sông Long Đại (Ảnh: Thủy Phan) |
Nói về vấn đề này, ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch xã Trường Xuân nhận định, nạn khai thác cát trái phép trên sông Long Đại diễn biến phức tạp.
“Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi thường xuyên lập kế hoạch, trích kinh phí cho Công an đi tuần tra, nhưng vì lực lượng mỏng nên rất khó xử lý triệt để.
Trên địa bàn xã Trường Xuân thì không có thuyền khai thác nào, chủ yếu là từ xã khác tới. Hiện có 2 đơn vị khai thác được cấp phép và đã có trình giấy tờ, thủ tục đầy đủ lên chính quyền địa phương.
Việc họ thu phí khai thác cát thì chúng tôi cũng có biết, nhưng cụ thể thu bao nhiêu, như thế nào thì chúng tôi không rõ.
Họ được tỉnh cấp phép nên có quyền bán cát, nhưng theo cá nhân tôi thấy, việc họ lập trạm thu phí đặt ngoài phạm vi được cấp phép là sai quy định”, ông Quang nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Giai, Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Quảng Ninh cho biết: “Việc doanh nghiệp lập trạm thu phí nằm trong hoạt động sản xuất của họ, hoạt động như thế nào là việc của họ và đặt tại vị trí nào thì không bắt buộc.
Các doanh nghiệp thu phí để nộp thuế cho Nhà nước, giá thu thì theo quy định của tỉnh, còn việc họ có thu trái quy định hay không thì chúng tôi chưa phát hiện”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh lại cho rằng, việc đặt vị trí “trạm thu phí” ngoài phạm vi quy hoạch là sai nguyên tắc.
“Đúng nguyên tắc, anh được cấp mỏ ở chỗ nào thì anh đặt vị trí thu phí ở chỗ đó. Nếu sự việc đúng như vậy thì tôi chỉ đạo xóa, xóa ngay chứ không để thế được”, ông Ánh nói.