Còn cấp bằng thì người ta mới hỏi, ai đòi cái không tồn tại bao giờ?

28/07/2014 07:18
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - “Một kỳ thi quốc gia là đúng, nhưng với điều kiện là phải làm thật chuẩn. Thành bại là ở bước thực hiện”. Chưa thấy Bộ GD&ĐT nhanh nhẹn gì trong việc này...

Quan điểm trên của TS. Lương Hoài Nam, ông là tiến sĩ kinh tế hàng không ở Nga và là một doanh nhân tại Việt Nam. Ông từng là Tổng giám đốc hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines và giám đốc điều hành Air Mekong. Ngoài ra, ông thường xuyên góp ý về các vấn đề xã hội, giáo dục,... kể cả trong vai trò một blogger.

Nhân chuyện bàn về một kỳ thi quốc gia có thể được thực hiện vào năm 2015, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông.

Nhà tuyển dụng cần gì?

PV: Vừa qua PTT Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu để áp dụng ngay một kỳ thi quốc gia trong năm 2015. Ông suy nghĩ thế nào về chủ trương này?

TS. Lương Hoài Nam: Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Đây là một trong 8 vấn đề đổi mới giáo dục Việt Nam mà tôi đã gửi cho ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong thư ngỏ ngày 15/7/2013. 

Một kỳ thi tốt nghiệp với kết quả đạt gần 100% như lâu nay, rồi kết quả của nó chẳng sử dụng cho mục đích đáng kể nào khác, thế thì thi để làm gì? Nó gây tốn kém rất lớn về công sức, tiền bạc, làm tắc đường, tăng tai nạn giao thông...

Còn cấp bằng thì người ta mới hỏi, ai đòi cái không tồn tại bao giờ? ảnh 1

TS. Lương Hoài Nam.

Để phân luồng học sinh vào đại học, trường nghề hay đi ra thị trường lao động, hoặc tạo động cơ học tập cho học trò thì đã có kỳ thi đại học, cao đẳng rồi. 

Nói phải thi tốt nghiệp vì các nhà máy khi tuyển dụng yêu cầu có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học (PTTH) là đặt vấn đề "ngược". Lâu nay người ta yêu cầu bằng tốt nghiệp PTTH bởi vì... có bằng tốt nghiệp PTTH. 

Nếu như sắp tới không có bằng tốt nghiệp PTTH nữa (mà chỉ có giấy chứng nhận kết thúc PTTH kèm học bạ) thì người ta sẽ không yêu cầu bằng tốt nghiệp PTTH nữa (mà sẽ yêu cầu giấy chứng nhận, học bạ). Người ta không thể yêu cầu cái thứ không tồn tại.

Tóm lại, tôi ủng hộ việc tổ chức một kỳ thi quốc gia và mục đích chính của nó là để phân luồng học sinh sau PTTH. Các nước tiên tiến đều làm như vậy.

Ông thử hình dung khi có một kỳ thi quốc gia thì điều gì sẽ cản trở và điều gì sẽ thúc đẩy giáo dục phát triển?

TS. Lương Hoài Nam: Tôi không thấy việc tổ chức chỉ một kỳ thi quốc gia gây cản trở gì cho sự phát triển của giáo dục cả. Nếu làm như thế là dở thì thế giới người ta đã chẳng làm. 

Còn cấp bằng thì người ta mới hỏi, ai đòi cái không tồn tại bao giờ? ảnh 2

Một kỳ thi quốc gia: Chỉ xét năng lực, không đánh giá kiến thức

 “Điều kiện hiện nay phải có đánh giá khách quan để bộc lộ năng lực thật của học sinh, người học phải chịu trách nhiệm về kết quả phấn đấu rèn luyện của mình".

Còn việc nó sẽ thúc đẩy phát triển giáo dục ra sao, điều này lại phụ thuộc vào chất lượng của chính kỳ thi đó. Nếu tổ chức tốt, khoa học, chất lượng thì nó sẽ có nhiều tác dụng thúc đẩy. Ngược lại, nếu tổ chức không tốt, nó có thể gây rối loạn. Cái gì mà làm không tốt cũng đều gây rối loạn cả. Một kỳ thi quốc gia là đúng, nhưng với điều kiện là phải làm đúng. Thành bại là ở bước thực hiện, không phải ở ý tưởng.

Giám sát đặc biệt trong phòng thi

Vậy theo ông, điều gì đảm bảo cho một kỳ thi quốc gia nghiêm túc để tạo độ tin cậy cho các trường đại học làm căn cứ để tuyển sinh?

TS. Lương Hoài Nam: Cần rất nhiều công việc, điều kiện để đảm bảo cho chủ trương đúng đắn này của chính phủ thành công trên thực tế.

Thứ nhất là việc chống tiêu cực, gian lận thi cử. Thi cử mà tiêu cực, gian lận thì thi theo cách nào cũng đều không đạt chất lượng. Tôi nghĩ cần phải lắp camera giám sát trực tuyến (online) ở tất cả các phòng thi, mỗi tỉnh (hoặc khu vực) có trung tâm giám sát, quan sát các phòng thi theo phương thức ngẫu nhiên. 

Ngoài ra, ghi hình các hoạt động trong phòng thi từ đầu đến cuối để lưu. Với cách đó, tiêu cực, gian lận ở các phòng thi sẽ giảm đáng kể, ai dám làm liều để bị kỷ luật, sa thải cơ chứ? Với công nghệ tin học - viễn thông bây giờ, việc này không có gì quá phức tạp, tốn kém cả. Viettel có mạng lưới phủ rộng đến tận các huyện, các xã trong cả nước, tôi tin là họ có thể có giải pháp.

Nếu có thể giám sát thi tốt thì có lẽ không cần tập trung học sinh về các thành phố lớn để thi như lâu nay cho phức tạp, tốn kém. Ngày xưa tôi thi đại học ở trường xã cũng có thấy vấn đề gì đâu?

Thứ hai là lựa chọn các môn thi phù hợp với các yêu cầu tuyển sinh của đa số các trường đại học và dạy nghề. Bên Anh, ngoài hai trường Oxford, Cambridge và các trường năng khiếu đặc thù là có các yêu cầu xét chọn bổ sung, còn lại, tất cả các trường đại học và trường nghề đều sử dụng kết quả kỳ thi A-Level chung để tuyển sinh đầu vào. Do vậy, các môn thi cần mang tính đại diện cao.

Khâu ra đề, chấm thi rất quan trọng đối với chất lượng kỳ thi. Làm thế nào thật tốt các khâu này thì tôi xin nhường cho các nhà chuyên môn.

Qua kinh nghiệm các con tôi đã thi ở nước ngoài (ở Anh, Singapore), tôi muốn lưu ý hai điểm. Một là, việc (và cách) mỗi trường quyết định điểm tuyển sinh từng năm thế nào? Ở các nước, việc này được thực hiện trước khi có kết quả thi, thông tin được giữ bí mật. 

Mỗi trường phải cân nhắc kỹ. Nếu chọn điểm tuyển sinh quá cao thì trường có nguy cơ tuyển sinh không đủ. Nếu chọn điểm tuyển sinh quá thấp lại ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào và uy tín của trường. Lần đầu tiên thi kiểu này lại càng khó khăn cho mỗi trường quyết định, cần một giải pháp sáng tạo nào đó.

Hai là, cần một chương trình tin học mạnh để ghép kết quả thi và các nguyện vọng chọn trường của học sinh với điểm tuyển sinh của các trường một cách công bằng và khách quan. Với hơn 1,0 triệu học sinh đăng ký thi và hơn 400 trường tuyển sinh mỗi năm, đây là một việc rất khó, cần bắt tay chuẩn bị ngay từ bây giờ. Các con tôi đã thi và đăng ký chọn trường ở nước ngoài, tôi thấy giải pháp cho vấn đề này rất phức tạp, từ quy trình cho đến tính năng phần mềm.

Trong lần làm đầu tiên, có thể nhiều trường chưa tin tưởng vào kỳ thi quốc gia, cứ cho họ quyền tổ chức thi tuyển bổ sung. Tuy nhiên, họ phải có kết quả thi tuyển bổ sung trước khi Bộ GD-ĐT ghép trường và công bố kết quả, tránh để tình trạng một số em bơ vơ, có điểm thi cao nhưng không vào được trường nào.

Sẽ bỏ tư tưởng “vào đại học bằng mọi giá”?

Theo ông, khi chúng ta có một kỳ thi quốc gia chung sẽ tác động đến quá trình dạy và học như thế nào, liệu học sinh trong thời đại mới này có sánh được mới học sinh có nền giáo dục tiên tiến ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc? 

TS. Lương Hoài Nam: Cho phép tôi thẳng thắn. Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào cả quá trình học tập của một học sinh, từ mẫu giáo đến hết đại học. Không thể hy vọng là việc thay đổi cách thi sau PTTH sẽ nâng cao đáng kể chất lượng học sinh, những người đã học theo chương trình giáo dục cũ. 

Sẽ vẫn cần phải thay đổi mô hình giáo dục, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất và dụng cụ học tập, nâng cao chất lượng giáo viên... để nâng cao chất lượng giáo dục từng bước, qua nhiều năm, có thể là hàng chục năm thì mới nói đến chuyện ngang bằng Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong vấn đề này không sốt ruột, đi tắt đón đầu được.

Còn cấp bằng thì người ta mới hỏi, ai đòi cái không tồn tại bao giờ? ảnh 3

Một kỳ thi quốc gia: Chậm thì lo, nhanh thì dễ hỏng, sửa rất tốn kém

 “Chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục mở, tiên tiến và hội nhập.. cách thi cử sắp tới phải thể hiện được điều đó trước tiên”.

Nhưng với cách thi mới từ năm 2015, tôi hy vọng đầu vào của các trường đại học và trường nghề sẽ chuẩn hơn, hạn chế được trào lưu "vào đại học bằng mọi giá", chất lượng đầu vào một số trường đại học quá thấp, trong khi nhiều trường nghề lại không tuyển sinh đủ. Cần chấm dứt tình trạng thừa "thầy", thiếu "thợ", "thầy" không ra "thầy", "thợ" không ra thợ kéo dài trong thời gian qua. 

Khi làm tốt việc phân luồng đầu vào đại học và trường nghề, chất lượng đầu ra và nguồn cung cho thị trường lao động sẽ được cải thiện. Tỷ lệ đại học trên học nghề 2:1 lâu nay của nước ta rất bất hợp lý so với thế giới.

Có quan điểm cho rằng, những việc làm của ngành giáo dục chậm thì rất chậm mà nhanh thì rất nhanh, Bộ GD&ĐT nên lắng nghe ý kiến từ dư luận như thế nào?

TS. Lương Hoài Nam: Nói về đổi mới giáo dục Việt Nam thì tôi chưa thấy "nhanh", "rất nhanh" ở đâu cả. Ai cũng biết chất lượng giáo dục Việt Nam còn thấp so với thế giới. Nhà nào cũng kêu ca vất vả, tốn kém với chuyện học hành của con em. Nhiều người thất vọng vì con em ra trường khó tìm công ăn việc làm, có việc làm thì thu nhập thấp...

Thế nhưng nhiều người lại... không muốn thay đổi. Có người bảo tôi, nếu thay đổi cách thi thì năm sau con họ trượt đại học mất. Tại sao chưa thi đã biết là sẽ trượt đại học? Có phải đã quen với kiểu chưa thi đã biết sẽ đậu đại học không? Tại sao bắt buộc phải vào đại học? Ai cũng vào đại học rồi ra ngồi trong văn phòng, lấy ai làm thợ kỹ thuật, làm công nhân lành nghề ở nhà máy, công trường?

Những suy nghĩ kiểu đó giải thích phần nào thực trạng thị trường lao động lâu nay ở nước ta, khi năng suất lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/5 so với Thái Lan. Do vậy, càng nhiều người tiếp tục suy nghĩ kiểu đó, càng phải thay đổi và phải thay đổi sớm. Không thể kéo dài sự trì trệ ngay từ cách nghĩ.

Trân trọng cám ơn ông.

Xuân Trung (thực hiện)