Cú sốc giáo dục: Học sinh chửi tục trong bài kiểm tra

07/01/2013 06:04
Đỗ Quyên
(GDVN) - Trong bài kiểm tra, một học sinh lớp 12 viết : “Nhắc đến vấn đề nói tục chửi bậy thì nó là một trò bình thường vãi. Mục đích của nó là gì? Ý nghĩa của nó là chi? Để mọi người có thể mắng nhiếc ư? Không! Thế thì bạn bè đã đ… chửi nhau. Sao? Đấy chỉ là một số thằng à? CCC. Đ… ai mà chả nói tục chửi bậy”.
Với đề bài: “Em hãy trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng nói tục chửi bậy trong học đường hiện nay?”. Một học sinh lớp 12 tên là Vũ Hoàng Long đã có một bài văn khiến nhiều người phải choáng váng vì những phát ngôn gây sốc của mình.

Vũ Hoàng Long đã trình bày phần mở đầu bài tập làm văn của mình như sau:

“Nhắc đến vấn đề nói tục chửi bậy thì nó là một trò bình thường vãi. Mục đích của nó là gì? Ý nghĩa của nó là chi? Để mọi người có thể mắng nhiếc ư? Không! Thế thì bạn bè đã đ… chửi nhau. Sao? Đấy chỉ là một số thằng à? CCC. Đ… ai mà chả nói tục chửi bậy”.

Ảnh chụp từ bài văn viết về hiện tượng nói tục, chửi bậy
Ảnh chụp từ bài văn viết về hiện tượng nói tục, chửi bậy
Sau đó, học sinh này cũng rất ngang nhiên thừa nhận: “Mình cũng hay nói bậy lắm”. Và có lẽ để minh chứng cho việc “ai mà chẳng nói tục chửi bậy”, bạn học sinh này đã dẫn ra những cuộc hội thoại thường ngày nói với bạn bè, hoặc tưởng tượng ra tình huống chia tay của một đôi nam nữ… 
Cuối cùng, nam sinh này kết luận: “Trường hợp nào chúng ta cũng có thể nói bậy. Cơ bản là vì nó ăn sâu vào máu rồi, người nào mà chẳng chửi…”.

Vì thế, bài văn đã nhận điểm 0 cùng lời phê: “Cần xem lại đạo đức bản thân” của giáo viên.

Cô Đặng Nguyệt Anh - Giáo viên dạy văn trường chuyên Hà Nội - Asmterdam chia sẻ: "Là một giáo viên dạy văn đã 21 năm, dù may mắn được dạy học tại một ngôi trường danh tiếng - nơi hội tụ của rất nhiều học sinh giỏi được sinh ra từ vùng đất có truyền thống thanh lịch, văn minh, vậy mà thỉnh thoảng tôi vẫn nghe thấy các em học sinh của mình nói tục ngay trong lớp học. Song, bài văn viết với những ngôn từ tục tĩu như thế này thì đây là lần đầu tiên tôi phải đọc.

Thật sự là tôi đã sốc và thấy thương cảm người bạn đồng nghiệp của tôi vì đã phải chấm và phê một "bài văn" như thế. Chắc chắn là tất cả các thầy cô dạy em H.L đều bị bất ngờ, buồn bực khi đọc bài văn này của L, nhưng đau lòng nhất hẳn là cô giáo dạy môn Ngữ văn lớp em L và bố mẹ của em ấy (nếu như họ đọc bài văn này và hiểu rõ lý do con trai mình bỗng trở nên nổi tiếng)". 

Cô Đặng Nguyệt Anh cho biết đã từng đọc, từng chấm điểm một số bài văn được cho là "bài văn lạ". "Tôi cũng đã từng nêu các nguyên nhân tạo nên những bài văn lạ ấy: do ý tưởng sáng tạo và năng lực viết văn vượt trội của học sinh, do học sinh muốn gây sốc, tạo sự chú ý của dư luận hoặc do kiến thức, năng lực và phương pháp giảng dạy của giáo viên...Ở bài viết của H.L, sự "lạ" đâu phải do hiện tượng nói tục, chửi bậy đang tràn lan trong thế giới học đường tạo nên. Bởi L có thể viết về thực trạng đáng buồn ấy với một ngôn từ và giọng điệu hoàn toàn khác", cô Nguyệt Anh nói. 

Cũng theo cô Nguyệt Anh, có những cái mới lạ, độc đáo khiến người ta ngỡ ngàng, xúc động và thán phục; cũng có những cái lạ, cái độc khiến cho người ta giật mình, xót xa thậm chí là bi phẫn. "Tôi đã có đủ cả giật mình, xót xa và bi phẫn khi đọc bài văn của H.L. Nếu tôi là cô giáo của L, tôi sẽ không cho điểm bài văn này và sẽ viết vào đó: "Em hãy xem lại mình và làm lại bài này!". Rất may là tối hôm qua, tôi vừa có được niềm vui, sự xúc động khi đọc "Bài viết cuối năm" của mấy em học sinh lớp 12 và lớp 8 mà tôi đang day. Chứ nếu không thì sau khi đọc bài văn của H.L, có thể tôi đã muốn bỏ nghề", cô Nguyệt Anh nói.

Ngay sau khi bài văn xuất hiện đã nhận được sự quan tâm nhiều chiều từ phía giới trẻ với nhiều ý kiến. Đa phần số đông độc giả đều lên án bài văn này. Nickname Totochan đặt câu hỏi: “Học sinh lớp 12 đây ư? Bố mẹ cho ăn học bao nhiêu năm để rồi như thế này hay sao?”. Nickname Rồng Bay cho rằng: “Hành vi nói tục chửi bậy là một điều đáng xấu hổ, thế mà học sinh này lại ngang nhiên viết những từ ngữ thô tục vào bài văn của mình, không thể chấp nhận được. Đây là thái độ coi thường học hành, coi thường thầy cô giáo một cách công khai ngay chính trong môi trường học đường”. Facebook La Thăng lại cho rằng: "Tôi thấy anh này dũng cảm, vì đã nói lên môt sự thật là người nào mà chẳng nói tục. Trong học đường, đó không phải là điều xa lạ, thậm chí rất quen thuộc với học sinh".
Ngày nay, những nét giao tiếp, ứng xử đẹp theo truyền thống đôi khi không được lớp trẻ gìn giữ, phát huy mà thay vào đó là xuất hiện hiện tượng lây lan, a dua lối sống buông thả, thiếu văn hóa thể hiện qua nói tục, chửi thề làm cho người nghe phản cảm, ức chế, bị xúc phạm. Bài văn nói về nói tục, chửi bậy này là một hiện tượng như thế.
Hiện tượng nói tục, chửi bậy đang ngày càng tràn lan trong giới trẻ. Những câu nói vô cùng phản cảm được thốt ra một cách vô tư từ các bạn trẻ là hiện tượng không còn xa lạ, thậm chí trở nên phổ biến. Tại các cổng trường, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh túm năm, tụm bảy nói chuyện rôm rả bằng những ngôn từ tục tĩu.

Không những thế, học trò còn mang cả những bài văn với lời lẽ dung tục vào ngay trong bài kiểm tra môn ngữ văn. Ở môi trường học đường, học trò còn như vậy thì trong các môi trường khác học trò sẽ như thế nào? Hiện tượng này là do ý thức của học sinh, do sự bắt trước hay do sự giáo dục chưa đúng đắn của nhà trường, gia đình? Bài văn này là báo động về sự xuống cấp về nhận thức của một bộ phận học sinh ngày nay.


TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội: Đau xót vì chưa làm được nhiều để thế hệ trẻ nhận thức được việc nói tục

Trước những hiện tượng học sinh văng tục, chửi bậy, chúng tôi là những nhà giáo dục thấy rất đau xót vì chưa làm được nhiều cho thế hệ trẻ, cho các em nhận thức được những thiếu xót đó.

Hai “thành trì” được TS Lâm khi nói về hiện tượng học sinh văng tục, chửi bậy là mỗi gia đình phải có ý thức nhắc nhở, dạy dỗ con em mình theo đúng tôn vinh giá trị văn hóa, theo đúng tấm gương trong sáng của ông cha ta. Từ đó xây đựng cho con trẻ một thói quen. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải cho áp dụng thực hành nhiều trong học tập, chúng ta không thể nói mãi lời hay ý đẹp. Nhà trường hãy coi chính những đoạn clip học sinh văng tục này để làm chủ đề cho các buổi thảo luận, từ đó tạo thành một “gương” phản chiếu trở lại các em.
Đỗ Quyên