Cán bộ liêm chính thì Chính phủ và bộ máy nhà nước mới liêm chính
Đại biểu Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái) cho biết, ông đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ thời gian gần đây, nhưng đồng thời cũng bày tỏ lo lắng khi mà bộ máy hành chính còn quá cồng kềnh, đông người.
Đáng lo ngại là cùng với sự cồng kềnh, số lượng nhiều như vậy thì chất lượng cán bộ nhiều hạn chế, yếu kém.
Đồng thời, ông Thống nêu ra những nguyên nhân chính của tình trạng này:
Một là tổ chức bộ máy bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, có bộ phận không cần thiết chưa được thiết kế lại một cách tổng thể.
Hai là như Bác Hồ "cán bộ là cái gốc của mọi công việc, đức là cái gốc của người cán bộ", nhưng hiện nay đã bị coi nhẹ, buông lỏng giáo dục, rèn luyện cán bộ về phẩm chất, đạo đức, lối sống.
“Tôi thấy cán bộ đứng đầu, cán bộ lãnh đạo các cấp khi đến đâu đó chỉ đạo chỉ tập trung nói nhiều về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị chung chung.
Nói như thế là đúng nhưng chưa đủ, hầu như không thấy ai nói nhiều về đạo đức, phong cách, bốn chữ "cần, kiệm, liêm, chính" có chăng chỉ nói đến chữ "cần", còn "kiệm, liêm, chính" chỉ thấy Tổng Bí thư và các giảng viên học viện, nhà trường nói khi phải giảng dạy.
Khi xem xét bố trí cán bộ chỉ nặng về đánh giá hiệu quả công tác, sự nhanh nhạy, năng động, ít nói về đạo đức, dù trong bản kê khai nhận xét đều có. Đây là lệch lạc không thể xem thường”, ông Thống chia sẻ.
Đại biểu Quốc hội Dương Văn Thống đoàn Yên Bái cho rằng, cần hướng tới mục tiêu giảm 20% công chức, viên chức, chứ không phải 1%. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Vị Đại biểu đoàn Yên Bái cho rằng, nếu rà soát và sửa đổi tổng thể bộ máy hệ thống hợp lý hơn, ít tổ chức đầu mối hơn, trấn chỉnh đội ngũ cán bộ kiên quyết hơn, yêu cầu thực thi đúng luật pháp chính sách gắn với rèn đạo đức, phong cách, lối sống trong sạch vì dân... thì sẽ hạn được chế chủ nghĩa cá nhân và lòng tham.
“Chắc chắn giảm được chi ngân sách của bộ máy cán bộ, nguồn lực đất nước sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. Tham nhũng ngắn, nhũng nhiễu sẽ giảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước và chế độ được tăng lên”, ông Thống khẳng định.
Ai đang "xin đểu" doanh nghiệp?(GDVN) - Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đánh giá, trong khi Chính phủ và Thủ tướng rất nỗ lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì ở địa phương vẫn có chuyện nhũng nhiễu. |
Đại biểu Dương Văn Thống cho rằng, cần nghiên cứu rà soát tổng thể cả bộ máy, hệ thống chính trị đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, nhưng đồng thời phải biên chế khoảng 20% trở lên chứ không phải 1%, đồng thời đề nghị 4 nhóm vấn đề cần thực hiện:
Thứ nhất, lập cơ quan lâm thời của trung ương nghiên cứu rà soát tham mưu để trong vòng 1-2 năm, thiết kế tổng thể rà soát lại toàn bộ máy sau đó cấp cho thẩm quyền phê duyệt thì thi hành trong vài năm.
Trước hết, Quốc hội khi ban hành luật mới và sửa đổi luật thì không tăng biên chế bộ máy.
Thứ hai, hàng năm, Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác phải báo cáo Quốc hội để sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và số kinh phí đã giảm được trong ngân sách hàng năm trong chi thường xuyên để giảm tỷ lệ chi thường xuyên xuống.
Thứ ba, thường xuyên tập trung kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ trong đó có sắp xếp bộ máy tinh giản biên chế và người đứng đầu cơ quan, tổ chức địa phương về công tác cán bộ, đạo đức, lối sống và tài sản...
Thứ tư, thường xuyên giáo dụcm rèn luyện cán bộ, đặc biệt là chú trọng rèn về đức, cần kiệm liêm chính, tôn trọng và phục vụ dân. Muốn làm được thì cấp trên phải làm trước và cấp trên phải ít khuyết điểm hơn cấp dưới. Cán bộ liêm chính thì Chính phủ và bộ máy nhà nước của chúng ta mới liêm chính.
Đến bao giờ người dân, doanh nghiệp mới hết bị nhũng nhiễu?
Đại biểu Phan Việt Cường doàn Quảng Nam cũng bày tỏ sự ghi nhận đối với những nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, đặc biệt là nỗ lực rất cao xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động.
Đại biểu Quốc hội lo thế hệ trẻ tự làm nhục lẫn nhau |
Tuy nhiên, Đại biểu Cường cũng bày tỏ lo ngại: “Thủ tướng và các thành viên Chính phủ hết sức quyết liệt, nhưng sự chuyển động của cấp dưới chưa quyết liệt, chưa đồng hành cùng với Chính phủ nên chưa tạo ra động lực cho sự phát triển, làm cho các chỉ tiêu chưa đạt kết quả cao.
Tại nhiều kỳ họp của Quốc hội, chúng ta đã đề cập đến cải cách hành chính nhưng sự chuyển biến chưa rõ ràng, theo tôi bộ máy hành chính từ trung ương đến cơ sở vẫn còn cồng kềnh.
Đội ngũ cán bộ, công chức đông nhưng chưa mạnh, nhiều ngành công vụ kém hiệu quả, chất lượng phục vụ nhân dân có nơi còn hạn chế, thủ tục hành chính chúng ta đặt ra rườm rà nhưng bảo thủ không chịu cắt bỏ.
Thêm vào đó một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, tham nhũng, thích ban ơn, có những việc làm có thể giải quyết ngay trong một ngày nhưng có thể kéo đến một tuần, 10 ngày, thậm chí nhiều tháng liền.
Đây là những trở ngại rất lớn khiến nhân dân than phiền, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất lo ngại”.
Đại biểu Quốc hội Phan Việt Cường. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cũng đặt ra một câu chuyện thực tế vốn đã gây bức xúc trong dư luận xã hội nhiều năm nay, đó là vấn đề con người, nguồn lực của sự phát triển.
Lời duy huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém được viết trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" cách đây gần 70 năm vẫn còn nguyên giá trị.
Ông Hiểu đề nghị, với tình hình hiện nay, có 3 vấn đề lớn liên quan đến nhân tố con người mà Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm trong thời gian tới:
Một là việc bố trí, sắp xếp phân công không ít cán bộ trong các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp không phù hợp với năng lực, trình độ, kinh nghiệm, sở trường. Đây là vấn đề với quyết tâm chính trị cao, cách làm khoa học, bài bản, chặt chẽ và quyết liệt.
Hai là một số cán bộ, công chức không yếu về năng lực, trình độ, thậm chí so với công chức trong khu vực, nhưng lại kém về phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm.
“Thử hỏi cả nước có bao nhiêu phần trăm công chức các cấp khi cầm trên tay hồ sơ hành chính của cá nhân, của công dân, của doanh nghiệp, của tổ chức để giải quyết họ thực sự nâng niu, trân trọng và thấy đó là trách nhiệm của mình?
Liệu có bao nhiêu trong họ thường trực một tâm niệm phải tham mưu, phải xử lý thật nhanh, thật đúng để công dân kịp thời giải quyết công việc cá nhân và gia đình họ, để doanh nghiệp ra đời sớm làm ăn hiệu quả, giải quyết việc làm và nộp thuế cho nhà nước?
Hay họ tìm cớ gây ra đủ khó khăn để nhũng nhiễu, làm do doanh nghiệp và công dân ngại ngần, sợ hãi khi phải tiếp cận các thủ tục hành chính của nhà nước dân chủ?
Đây là vấn đề không khác biệt ở các cấp, các ngành và các địa phương. Quốc hội, Chính phủ có thể không có con số thống kê nhưng nhiều công dân, doanh nghiệp không làm nhiệm vụ thống kê và thậm chí không hiểu biết về khoa học thống kê lại có những con số khá chính xác về thực trạng này”, ông Hiểu phân tích.
Vị dân biểu của đoàn Hà Nội cho rằng, nếu người đứng đầu không nêu cao tinh thần trách nhiệm quyết liệt và làm gương thì chỉ thị, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không đi đến đoạn cuối cùng của con đường cần đến và người dân, doanh nghiệp lại tiếp tục kêu ca.