Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn hiện đang là Giám đốc Bệnh viện Tim (Hà Nội).
Ông đánh giá rằng, trước rất nhiều khó khăn khách quan, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức và đã thu được nhiều kết quả tích cực mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cụ thể như 2 chỉ tiêu về y tế và dân số được Quốc hội giao đều đạt kế hoạch. Số giường bệnh trên 1 vạn dân ước đạt 25, chỉ tiêu là 24,5.
Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 79,5%, vượt 3,5% so với chỉ tiêu Quốc hội.
Đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm tải bệnh viện tuyến trên, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh tới 63 tỉnh, thành với 2 bệnh viện hạt nhân, 98 bệnh viện vệ tinh.
Thực hiện hiệu quả chuyển giao kỹ thuật đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế làm hài lòng người bệnh...
Đã thông tuyến khám chữa bệnh tại tuyến huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tiếp cận với dịch vụ y tế dễ dàng hơn.
Ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế thống nhất trên toàn quốc. Góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế.
Nhiều giường bệnh mới nổi, tái nổi đã được khống chế, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em đạt trên 90%. Mức chi ngân sách nhà nước cho y tế đạt 7,67%.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội |
Tuy nhiên, cũng theo Đại biểu Nguyễn Quan Tuấn thì vẫn còn tới 8 vấn đề tồn tại trong ngành y cần được khắc phục:
Thứ nhất, vẫn còn sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ y tế và các chỉ số về sức khỏe của người dân giữa các vùng miền.
Thứ hai, quá tải ở một số bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối bắt đầu được cải thiện, nhưng chưa đạt kết quả mong muốn.
Thứ ba, đầu tư của nhà nước cho y tế chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Chu cấp nguồn vốn đầu tư cho trạm y tế xã, cho y tế dự phòng tuyến huyện, tỷ lệ chi từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe còn ở mức cao, chiếm 43,5% tổng kinh phí khám chữa bệnh, tạo ra sự mất cân bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế.
Ai đang "xin đểu" doanh nghiệp? |
Thứ tư, hệ thống y tế còn có nhiều đầu mối thiếu thống nhất, nhất là ở tuyến cơ sở, dẫn đến tình trạng thiếu hụt, người dân phải chịu chi phí hành chính tăng cao, hiệu quả không tốt.
Thứ năm, đào tạo nhân lực y tế còn nặng về lý thuyết.
Khả năng thực hành hạn chế, phân bố nguồn lực chưa hợp lý, thiếu về số lượng, không đồng đều về chất lượng các vùng các tuyến.
Thứ sáu, chế độ chính sách đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý. Mức lương khởi điểm chưa tương xứng với thời gian đào tạo. Thày thuốc chưa được hưởng phụ cấp thâm niên nghề nghiệp.
Thứ bảy, công nghiệp dược phát triển chậm, chưa xứng tầm.
Thứ tám, ứng dụng tin học còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế trong quản lý, giám sát, để xảy ra một số trường hợp cá nhân, cơ sở khám chữa bệnh gian lận, trục lợi bảo hiểm y tế.
Để nâng cao hơn nữa sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Đại biểu Nguyễn Quan Tuấn nêu ra một số giải pháp:
Đề nghị Quốc hội dành phần ngân sách đang cấp chi tiền lương cho các bệnh viện để cho ngành y tế dùng tăng chi cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, chương trình mục tiêu y tế, dân số, nâng mức hỗ trợ, mua bảo hiểm y tế cho người cận nghèo từ 70 tới 90 hoặc 100%.
Người nông dân, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30 tới 50 - 70%. Làm dần dự toán số tiền lương, phụ cấp trong 3 năm, ví dụ 2017: 25%, 2018: 50%, 2019: 75% và 2020: 100% để các bệnh viện được sử dụng số kinh phí này mua sắm trang thiết bị, sửa chữa cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn và vốn trái phiếu Chính phủ để triển khai một số dự án cấp bách và bố trí vốn đối ứng cho một số dự án ODA.
Bố trí vốn chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới để đầu tư xây dựng, nâng cấp trạm xá xã, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa công trình cấp thoát nước và vệ sinh ở các trạm y tế xã thuộc danh mục xã trong Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới.
Đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất quy định điều chỉnh mức lương khởi điểm, phụ cấp thâm niên đối với người lao động thuộc ngành y tế.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách dành cho công tác y tế dự phòng đúng theo Nghị quyết 18/2008/QH12 của Quốc hội.
Đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản hướng dẫn về gói dịch vụ y tế cơ bản, tiến hành thí điểm thông tuyến tỉnh đối với khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển y tế ngoài công lập, hợp tác công tư trong khám, chữa bệnh. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp, y tế công lập.
Có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến xã, tuyến huyện, lồng ghép mô hình bác sỹ gia đình, trạm y tế cơ sở, giao cho trạm y tế xã quản lý người bị bệnh xã hội, bệnh mãn tính ở cộng đồng để hạn chế tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm gánh nặng chi phí y tế cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân.