Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định), có những Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, nhưng cũng có những Bộ trưởng chưa làm hài lòng Đại biểu Quốc hội và cử tri.
Ông đánh giá thế nào về cách đổi mới chất vấn tại kỳ họp này?
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn: Lần này, sau phiên khai mạc thì tôi đã nói rõ là chúng ta đổi mới trong cách thức chất vấn, về mặt tốt thì cũng đã thấy, nhưng có hai khía cạnh lo lắng tôi đề cập:
Thứ nhất, thời lượng dành cho chất vấn cũng như các kỳ họp trước. Và tất cả các thành viên Chính phủ đều tham gia trả lời chất vấn thì tôi e là thời gian không phù hợp, không đảm bảo thời gian để Đại biểu Quốc hội nêu hết ý kiến của mình, dù có thể là chỉ vài ba ý kiến thôi.
Trước đây, chất vấn tại mỗi kỳ họp thì chỉ có 4 Bộ trưởng và 1 Phó Thủ tướng đại diện Chính phủ. Nhưng lần này, chúng ta thấy rằng, lần đầu tiên trong lịch sử Chủ tịch Quốc hội trả lời chất vấn. Bên cạnh đó có Thủ tướng, 3 Phó Thủ tướng và 16 Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn.
Với một khối lượng công việc đồ xộ như thế nên ngay từ đầu tôi đã nói là thời gian dành cho chất vấn 2,5 ngày là ngắn.
Vấn đề thứ hai là công tác điều hành, sau phiên khai mạc, tại buổi họp của các trưởng đoàn, tôi đã phát biểu rằng nếu không có cách điều hành phù hợp thì sẽ dẫn tới kết quả phiên chất vấn không đạt được chất lượng như mong đợi.
Tôi mong đợi các đại biểu có thể được hỏi nhiều và đề cập tới nhiều nội dung khác nhau, còn người trả lời cũng phải rốt ráo và đúng trọng tâm. Nhưng rất đáng tiếc là việc xảy ra đúng như tôi phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) cho rằng, Quốc hội chỉ dành 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ là quá ít, nên chất lượng chưa cao. ảnh: Ngọc Quang. |
Theo quan sát của ông, có vấn đề nào được đại biểu chất vấn tới cùng không?
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn: Nếu gọi là đến cùng theo cái nghĩa đeo đuổi từ đầu tới cuối nhiệm kỳ thì rất nhiều. Tôi thí dụ, ngay từ kỳ họp thứ 2 tôi phát biểu về chủ quyền biển đảo và đến bây giờ tôi vẫn theo vấn đề này.
Nhiều đại biểu khác trong nhiệm kỳ này cũng rất gắn bó, thậm chí có những đại biểu khi đăng ký là sẽ biết ngay đại biểu ấy định nói về vấn đề gì. Điều đó chứng tỏ có những đại biểu rất tâm huyết với vấn đề mà họ đặt ra, tâm huyết trước sự tin tưởng của cử tri dành cho mình.
Lãng phí nghiêm trọng ngân sách nhà nước, bao giờ mới chấm dứt? |
Còn nếu đặt câu hỏi rằng: Trả lời chất vấn đã thực sự làm hài lòng đại biểu Quốc hội và cử tri thì tôi nghĩ là không nhiều lắm, nhất là những vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước, chủ quyền biển đảo, những vấn đề lớn về định hướng kinh tế - xã hội… đây là những vấn đề rất khó cho nên cũng khó đưa ra được câu trả lời trọn vẹn.
Tuy nhiên, tôi cũng thấy một điểm tích cực là ở kỳ Quốc hội này các bộ ngành quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn và không có chuyện trả lời chất vấn xong là xoa tay coi như xong. Đó là điểm tôi đánh giá rất cao.
Tôi nói thật là có những giai đoạn người ta nghĩ rằng, thôi thì hôm nay chất vấn, phải chuẩn bị để căng mình ra trả lời làm sao cho gọn gàng. Cũng cảm ơn, cũng giải trình… nhưng mà trả lời xong là coi như xong.
Còn ở kỳ này thì không có chuyện đó, các Bộ trưởng rất chú ý tới những vấn đề mà Đại biểu Quốc hội chất vấn.
Nếu so sánh phiên chất vấn ở kỳ họp này với các kỳ họp trước thì cũng đã thấy rõ sự bất cập như ông vừa đề cập là thời gian quá ít, vấn đề đặt ra thì dàn trải. Thế nhưng kết thúc chất vấn thì Phó Chủ tịch Quốc hội vẫn đánh giá là thành công tốt đẹp. Liệu như vậy thì có hình thức không, thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn: Tôi không bình luận về nhận xét của Phó Chủ tịch Quốc hội mà tôi chỉ nói cảm nhận của mình. Tôi thấy rằng có nhiều vấn đề chưa được sâu lắm. Thời gian ngắn như thế, nội dung nhiều như vậy thì làm sao mà sâu được. Có những Bộ trưởng đứng lên đến 4 lần chỉ để trả lời vào 1-2 câu hỏi.
Tôi thống kê 16 Bộ trưởng thì có 1 Bộ trưởng trả lời 4 lần, 2 Bộ trưởng trả lời 3 lần, 6 Bộ trưởng trả lời 2 lần, còn lại là trả lời 1 lần.
Tôi vẫn mong rằng có thời gian chất vấn nhiều hơn và có thể dành phần thời gian đầu để thảo luận, sau đó là đặt câu hỏi trực tiếp ngay, chứ như cách bố trí vừa rồi thì bị lẫn lộn giữa thảo luận và hỏi, khiến cho nhiều đại biểu Quốc hội chuẩn bị câu hỏi thì biến thành bài diễn thuyết rất dài, rất mất thời gian. Thậm chí, có những người hỏi lại cũng sử dụng tới 5 phút, tôi cho rằng như vậy là bất hợp lý.
Trong khi đó tại văn bản hướng dẫn thì đã nói rõ là thảo luận 7 phút, còn hỏi riêng 2 phút, thế nhưng thực tế diễn biến thì quy định này chưa được thực hiện triệt để.
Nhìn vào kế hoạch dự kiến chất vấn, ông có kỳ vọng gì vào phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ?
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn: Không phải riêng tôi mà có lẽ tất cả các Đại biểu Quốc hội và cử tri khi theo dõi cũng đều mong đợi ở tất các phiên chất vấn người đứng đầu Chính phủ sẽ có những phát biểu cụ thể, sâu sắc để đáp ứng kỳ vọng mong muốn của cử tri. Trả lời chất vấn của Thủ tướng đã đáp ứng được phần nào đó kỳ vọng của cử tri.
Trân trọng cảm ơn ông!