Đưa quan chức đi thăm nhà tù, tội phạm là một sáng kiến hay

11/11/2017 06:45
XUÂN QUANG
(GDVN) - Luật sư Thuận nêu quan điểm trước phát biểu của Đại biểu Trần Hoàng Ngân về đề xuất đưa quan chức đi thăm nhà tù để ngừa tham nhũng.

Ý kiến mới mẻ, đáng tham khảo 

Trước đó, tại phiên thảo thuận về Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) hôm 9/11, Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí minh, đề xuất đưa quan chức đi thăm nhà tù.

Ông dự kiến sẽ đưa nội dung tham quan nhà tù vào chương trình đi thực tế với các lớp đào tạo bồi dưỡng cho một số cán bộ, công chức để ngừa tham nhũng.

“Nhà tù là nơi tội phạm, những người tham nhũng đang bị xử lý, trả giá cho hành vi tham nhũng của mình.

Tôi nghĩ rằng thăm quan nhà tù sẽ là một bài học thực tiễn”, ông Ngân nói.

Đưa quan chức đi thăm nhà tù, tội phạm là một sáng kiến hay ảnh 1

Không cho dân tố cáo cán bộ về hưu, hóa ra ta làm đường băng để hạ cánh an toàn?

Một số ý kiến cho rằng, đây là quan điểm cần được tiếp thu, triển khai sâu rộng.

Tuy nhiên, không ít ý kiến trái chiều cho rằng, tham nhũng sinh ra từ cơ chế quản lý còn có phần lỏng lẻo.

Và một khi lòng tham của một số cán bộ đã ăn sâu vào bản chất thì chuyện “giáo dục” họ bằng cách làm trên sẽ không thể phát huy hiệu quả thiết thực. 

Nhận định về việc này, hôm 10/11, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, phát biểu của ông Trần Hoàng Ngân rất đáng tham khảo, nhưng cần phải xem lại tính khả thi nếu thực hiện.

“Phát biểu của ông Ngân về Luật phòng chống tham nhũng đứng trên lập trường, góc độ là thầy giáo.

Đây cũng là một ý kiến mới mẻ, đáng tham khảo.
Tuy nhiên, nếu nói đó là một giải pháp ngừa tham nhũng sẽ mang lại hiệu quả thì cần phải xem xét lại. 

Bởi, chống tham nhũng phải xử lý bằng các giải pháp, biện pháp cứng rắn về mặt pháp luật.

Còn giải pháp của Đại biểu Trần Hoàng Ngân vừa nêu mang giá trị tinh thần nhiều hơn. Mà giá trị tinh thần không thể quyết định giá trị vật chất”, ông Thuận nhận xét. 

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Ngọc Quang/giaoduc.net.vn
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Ngọc Quang/giaoduc.net.vn

Luật sư Thuận nhấn mạnh, để chống tham nhũng hiệu quả phải có biện pháp để cán bộ không thể tham nhũng được.

“Quan trọng nhất trong việc chống tham nhũng là “đánh rắn phải dập đầu”, tức là phải làm quyết liệt, xử lý từ người đứng đầu nếu có vi phạm và thu hết tài sản sản vi phạm.

Thậm chí phải đưa ra quy định, đối tượng tham nhũng ngoài việc phải ngồi tù, mất hết tài sản tham nhũng thì phải mất cả tài sản của mình nữa.

Làm như vậy để cho người ta thấy rằng, tham nhũng chỉ có lỗ chứ không có lãi.

Chúng ta phải học tập cách chống tham nhũng của Ủy ban chống tham nhũng mới thành lập của Ả rập Saudi khi cơ quan này đã tạm giữ 10 Hoàng tử, nhiều cựu Bộ trưởng và bốn vị Bộ trưởng đương nhiệm để điều tra”, ông Thuận dẫn chứng.

Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vị Luật sư Thuận lấy ví dụ về trường hợp vi phạm  trong quản lý và khối tài sản lớn của bà Hồ Thị Kim Thoa; Trịnh Xuân Thanh và các đại án ngân hàng vừa được đưa ra xét xử, để minh chứng rằng, công tác chống tham nhũng ở nước ta chưa thật sự triệt để.

“Trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, Trịnh Xuân Thanh… có nhiều vi phạm như vậy, nhưng chúng ta chưa có giải pháp để thu hồi tài sản mà họ có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Chống tham nhũng như vậy là chưa triệt để.

Đưa quan chức đi thăm nhà tù, tội phạm là một sáng kiến hay ảnh 4

Cơ chế bảo vệ rõ ràng mới có nhiều người đứng lên tố cáo chính danh

Tôi có hỏi một số người về việc truy tài sản của cán bộ vi phạm thì họ trả lời rằng, nếu truy tài sản của những người đó thì nhiều người khác cũng bị truy tài sản lắm!

Rõ ràng, khi nề nếp kỷ cương, hình phạt chưa đủ sức răn đe thì cán bộ sẽ còn vi phạm, chứ không muốn nói là khuyến khích cho đối tượng tham nhũng”, ông Thuận nêu quan điểm.

Vị Luật sư cũng cho rằng, tham nhũng sinh ra từ cơ chế quản lý. 

Do đó, việc xử lý tham nhũng phải thể hiện ý chí quyết liệt từ trên xuống dưới, và cần phải áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý vi phạm của cán bộ.

"Thời điểm tôi còn làm việc, tôi đã phát biểu rằng, cơ chế của chúng ta rất dễ bị cán bộ lợi dụng để tham nhũng và sinh ra tham nhũng. 

Đánh tham nhũng cũng như đánh giặc. “Giặc tham nhũng” bây giờ nhìn thấy tham nhũng chỉ có lợi cho mình và người thân chứ chưa mất gì.

Còn những người giữ gìn thì chưa chắc đã được gì, thậm chí còn mất", ông Thuận ví von. 

Không cho tố cáo người đã nghỉ hưu là khuyến khích tham nhũng?

Nhận định về phát biểu của Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) khi ông cho rằng, không nên điều chỉnh đơn thư tố cáo với cán bộ nghỉ hưu vì sẽ khiến tình hình phức tạp, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng, đây là phát ngôn có vấn đề.

"Trên diễn đàn Quốc hội, không ít lần các Đại biểu Quốc hội đã đề cập tới cụm từ “hoàng hôn nhiệm kỳ” hay “chuyến tàu vét” để ám chỉ những tiêu cực của cán bộ sắp về hưu.

Không ít các trường hợp cán bộ về hưu vẫn bị phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Do đó, nếu không cho tố cáo cán bộ về hưu vô tình sẽ khuyến khích người ta vơ vét đầy túi khi về hưu.

Mặt khác, nếu cán bộ về hưu bị phát hiện vi phạm nhưng không bị xử lý là vi phạm Luật hình sự.

Nếu điều đó xảy ra, sẽ tạo tiền lệ không tốt trong công tác phòng, chống tham nhũng”, ông Thuận nhận định.

XUÂN QUANG