LTS: Bản thân các bậc phụ huynh cũng đặt nặng tư tưởng “trường lớn, nghề hay” để tư vấn, định hướng cho con em mình.
Từng có nhiều cuộc trò chuyện với phụ huynh, học sinh xoay quanh vấn đề chọn trường, chọn ngành nghề để con theo học, cô giáo Thanh Bình đã có bài viết chia sẻ với độc giả.
Đừng vội nghe danh để đoán tương lai nghề nghiệp
Một phụ huynh từng chia sẻ với tôi rằng, “Tôi muốn con mình học các ngành thiên về quản trị, còn các ngành kỹ thuật thì chẳng đam mê chút nào, vất vả lắm!”.
Nhu cầu nhân lực ở các khối ngành kỹ thuật còn đang khá lớn. Ảnh: TT |
Khi được hỏi về lý do, phụ huynh này chia sẻ, đơn giản “quản trị là quản lý, công việc sẽ nhẹ nhàng hơn. Còn các ngành kỹ thuật như xây dựng, cơ khí tôi thấy nó cứ như làm việc tay chân, không tri thức”.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều người mà tôi gặp có quan điểm như trên. Chưa nói đến tính chất của từng công việc cụ thể, nhưng qua đó cũng đủ thấy phụ huynh thường “nghe danh” để đoán nghề.
Học trò cần biết "liệu cơm gắp mắm" khi chọn nghề(GDVN) - Việc cân nhắc, lựa chọn thật kỹ lưỡng, sáng suốt ngành nghề, bậc học gắn với năng lực, hoàn cảnh kinh tế gia đình và nhu cầu lao động xã hội là rất quan trọng. |
Vậy nên mới có chuyện, rất nhiều phụ huynh biết rõ lực học của con mình kém nhưng rất hiếm khi định hướng cho con em mình đi theo hướng học nghề thay vì xét tuyển vào đại học.
Trong khi, xã hội nhiều lần lên tiếng về vấn đề “thừa thầy, thiếu thợ”. Nhưng nhiều người có tư tưởng, đã cho con đi học thì để làm việc trí óc chứ không làm việc tay chân.
Theo họ công việc “trí óc” phải là tốt nghiệp từ những trường đại học. Tất nhiên, nếu lực học tốt, điều kiện kinh tế tốt thì học Đại học và trên Đại học là hướng đi hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc lựa chọn hướng đi như thế nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn là “nghề nghiệp”.
Cần phải đánh giá đúng năng lực của bản thân. Năng lực ở đây là lực học, khả năng tài chính của gia đình.
Một người có học lực kém thì không nên cố gắng bằng mọi cách để đi theo con đường vào “Đại học. Rất nhiều gia đình từng bán trâu cho con đi học Đại học nhưng rồi ra trường thất nghiệp.
Cũng rất nhiều trường hợp giấu bằng Đại học để đi làm công nhân. Vậy nên việc đánh giá ngành nghề là hết sức quan trọng. Ngành nghề từng “hot” hôm nay chưa chắc đã còn “hot” trong tương lai.
Hiểu rõ ngành nghề để có lựa chọn đúng đắn
Để chọn một nghề nghiệp cho tương lai phải xuất phát từ niềm đam mê và sở thích. Phụ huynh cần tôn trọng đam mê và sở thích của con cái mình.
Nhưng đam mê đó phải dựa trên sự hiểu biết về ngành nghề mình sẽ theo học. Chứ không phải “hùa nhau” theo số đông, khi nghe thấy người này người kia ca ngợi mà chẳng hay biết gì về ngành nghề mình đang đam mê.
Học ngành gì để không thất nghiệp?(GDVN) - Nên chọn ngành theo xu hướng hay theo sở thích? Đại học có phải tất cả? Nghề nào thu nhập cao? |
Bên cạnh đó, cũng phải xét đến lực học của bản thân, năng lực tài chính của gia đình, khả năng thích nghi… Ngoài ra, vấn đề quan trọng không kém đó là hiểu biết về tương lai nghề nghiệp.
Hiểu biết về nghề nghiệp thì người học cần phải tìm hiểu rõ ngành mình học ra trường sẽ làm gì, làm được ở những cơ quan, đơn vị nào?
Đặc biệt cần phải đánh giá đến nhu cầu của xã hội đối với ngành nghề mình theo học như thế nào?.
Hiện nay, tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm trái nghề là rất phổ biến.
Một trong những lý do dẫn đến thực trạng này là không định hướng tốt nhu cầu việc làm của xã hội để tư vấn cho người học.
Vì vậy, thiết nghĩ người học và các bậc phụ huynh cần phải có cái nhìn thật đúng đắn để lựa chọn nghề nghiệp, định hướng tương lai.
Một mùa tuyển sinh nữa đang đến gần, các bậc phụ huynh hãy tỉnh táo để có những lời khuyên tốt nhất cho con em mình trong việc lựa chọn nghề nghiệp, ngành học sẽ theo đuổi.