LTS: Đó là chia sẻ thẳng thắn của PGS.TS Lương Gia Ban - Chủ nhiệm Khoa Lý luận Chính trị và đại cương (Đại học Phương Đông) với độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2017).
- Thưa ông, trải qua 87 năm, Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước vượt qua nhiều thăng trầm để có được đời sống no ấm, đủ đầy và ngày càng phát huy được vai trò làm chủ đất nước. Nhưng trong những năm gần đây dường như trước sự tác động của kinh tế thị trường, nhiều cán bộ không giữ được mình và đã làm ảnh hưởng xấu tới uy tín của Đảng. Và nếu những sự việc ấy tiếp tục xảy ra, có lẽ hệ lụy không thể lường hết?
PGS.TS Lương Gia Ban: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Người từng nói, lịch sử Đảng là một “pho sử bằng vàng”. Nó được thể hiện bằng biết bao nhiêu sự hy sinh của các chiến sĩ cách mạng, một lòng một dạ với tổ quốc, để chúng ta có được hòa bình, có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay.
Trải qua những năm tháng chiến tranh, chúng ta bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, kiên trì tiến lên chủ nghĩa xã hội, đó là một thử thách rất lớn đối với cả nhân loại.
Năm 2017 này mới tròn 100 năm Cách mạng Nga vĩ đại. Cũng coi như chúng bắt đầu vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mới được 100 năm. Trong khi đó thì Chủ nghĩa tư bản đã ra đời 700 năm rồi, vì thế chúng ta thấy rất rõ có sự chênh lệch.
Nhưng điều quan trọng nhất là kể từ khi thành lập, Đảng Cộng sản chỉ có một mục tiêu duy nhất là đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân. Đảng được nhân dân tin yêu cũng vì thế.
Tất nhiên, ở thời nào cũng thế và trong xã hội nào cũng vậy, không thể có cái gì tuyệt đối, cho nên trong hàng ngũ của Đảng xuất hiện nhiều kẻ xấu cũng là một phần quy luật phát triển.
Vấn đề đặt ra là biện pháp chống lợi ích nhóm ra sao, chống suy thoái đối với từng Đảng viên thế nào?
Mấy năm gần đây, số cán bộ cấp cao dính sai phạm quá nhiều, từ chuyện bổ nhiệm luân chuyển bừa bãi, đưa người thân, con cháu, anh em vào các vị trí có lợi; cho tới hàng loạt dự án thất thoát thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Những sự việc ấy xảy ra khá nhiều khiến nhân dân vô cùng bức xúc.
Và tại Đại hội Đảng lần thứ 12 vừa qua, Đảng ta một lần nữa chỉ rõ những nguy cơ ấy và thể hiện quyết tâm loại bỏ những con sâu tham nhũng ra khỏi bộ máy chính quyền, ra khỏi hàng ngũ của Đảng.
PGS.TS Lương Gia Ban: "Dứt khoát phải loại bỏ những kẻ cơ hội ra khỏi Đảng". ảnh: Ngọc Quang. |
Nghị quyết số 04-NQ/TW cũng đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức-lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, trong đó có 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, trong đó cái mà người dân dễ thấy nhất là có những cán bộ nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.
Có 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, nhưng trong đó điều mà lâu nay chúng ta đã đề cập rất nhiều trong cuộc chiến chống tham nhũng là kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu".
Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.
Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
Ngoài ra còn có 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, trong đó có những điều hết sức nguy hiểm như: Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
Thẳng thắn nêu ra những biểu hiện xấu ấy là dịp để mỗi Đảng viên, đặc biệt là những cán bộ có chức vụ tự soi lại chính mình. Cán bộ ở cấp càng cao thì càng phải gương mẫu, có như vậy thì mới chống được tham nhũng, chống được lợi ích nhóm, chống được suy thoái đạo đức, chống được tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Sau khi những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh bị phát hiện, nhiều cán bộ cấp cao đã phải chịu các hình thức kỷ luật khác nhau. ảnh: pvc. |
- Thực tế là ngay ở giai đoạn sau chiến tranh khi bước vào tái thiết đất nước cũng đã có những cán bộ vi phạm kỷ luật và bị xử lý nghiêm khắc. Nhưng dường như gần đây những kẻ lợi dụng đứng trong hàng ngũ của Đảng nổi lên nhiều hơn, liệu rằng cuộc đấu tranh này có dẫn tới kết quả đúng như mong muốn khi mà các nhóm lợi ích sẽ tìm mọi cách bao che, bổ nhiệm người thân vào các vị trí?
PGS.TS Lương Gia Ban: Năm vừa qua đã xảy ra một vụ việc rất lớn là luân chuyển bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh vào làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trái với quy định của Đảng, Nhà nước.
Tại sao một người không đủ tiêu chuẩn như Trịnh Xuân Thanh lại lọt qua được nhiều vòng kiểm tra như vậy, để ung dung đến là lãnh đạo tại tỉnh Hậu Giang? Và nếu sự việc không bị phát giác, không được Tổng Bí thư chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm minh thì chuyện gì sẽ xảy ra? Đó là sẽ mối nguy hại không lường cho đất nước.
Thủ tướng có hỏi tôi: Bác có ủng hộ không? |
Sau vụ việc này đã có nhiều cán bộ cấp cao bị khiển trách, đặc biệt là ông Vũ Huy Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng, bị phê phán trước toàn dân. Đó là điều chưa từng xảy ra đối với những lãnh đạo ở vị trí của ông Vũ Huy Hoàng.
Ngoài vụ sai phạm của Trịnh Xuân Thanh thì còn nhiều vụ bổ nhiệm bất thường khác; thậm chí một Sở tại tỉnh Hải Dương có tới 44/46 người có chức danh quản lý.
Tôi nêu lại thí dụ ấy để thấy rõ hơn là khi đã gian dối, nhất là với những cán bộ có chức vụ thì sớm hay muộn cũng phải lộ ra hết. Thứ quý giá nhất đối với con người, nhất là cán bộ là danh dự, là uy tín, là được sống trong lòng dân.
Những điều đó tiền bạc, bổng lộc chẳng thể mua được, ấy thế mà có những kẻ sẵn sàng vì danh lợi, bị đồng tiền làm cho lóa mắt và làm ra những chuyện hủy hoại cả danh dự của bản thân, của gia đình và dòng họ.
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy rằng phải tu dưỡng rèn luyện suốt đời. Bác cũng dạy rằng, lãnh đạo phải kiểm tra giám sát. Lãnh đạo mà không kiểm tra, không giám sát thì coi như không lãnh đạo. Phải nói rất thật là xảy ra những sự việc như Trịnh Xuân Thanh cũng là do công tác kiểm tra, giám sát bị buông lỏng.
Kiểm tra giám sát là để giúp cho cán bộ tốt hơn, để giúp họ tránh được những cám dỗ trong đời sống, làm sai mong muốn của Đảng với nhân dân. Vấn đề là những người được giao trọng trách thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát có làm tròn trách nhiệm trước dân, trước Đảng hay không?
- Trước đây mỗi Đảng viên luôn phải đề cao “phê bình và tự phê bình”, nhưng gần đây có ý kiến cho rằng, “phê bình và tự phê bình” cũng chưa đủ mà phải đuổi thẳng những kẻ cơ hội ra khỏi Đảng. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
PGS.TS Lương Gia Ban: Theo tôi, kỷ luật Đảng trước hết nằm ở sự tự giác của chính từng Đảng viên, bởi vì mọi thứ đều do con người sinh ra.
Nhưng để giúp cho mỗi Đảng viên có ý thức tự giác tốt thì đi kèm với giáo dục phải nghiêm khắc phê bình, xử lý với những cán bộ cố ý vi phạm, lợi dụng đứng trong hàng ngũ của Đảng để có được chức quyền nhằm tư lợi cho bản thân và gia đình riêng.
Nhìn ở một góc độ nào đó thì việc kỷ luật mỗi một cán bộ Đảng viên cũng là sự thất bại của tổ chức Đảng cơ sở. Thế nhưng Đảng ta không lo ngại điều ấy, mà sẵn sàng đưa ra khỏi khỏi bộ máy quản lý những cán bộ tiêu cực, để giữ vững niềm tin trong nhân dân.
Chúng ta nhớ lại giai đoạn sau giải phóng và bước vào tái thiết đất nước đã xuất hiện những trường hợp cán bộ nhà nước vi phạm kỷ luật (có cả cán bộ cấp cao) đều bị xử lý nghiêm khắc. Còn bây giờ mỗi khi sự việc trở nên nghiêm trọng mới bị phát hiện đó là do bao che, nể nang, né tránh.
Để giúp cho cán bộ Đảng viên ngày càng tốt hơn, theo tôi ngoài việc giám sát chặt chẽ từ trong chính bộ máy thì cần thiết phát huy sự tham gia của toàn dân.
Điều quan trọng là phải tín tâm, làm hết sức quyết liệt từ trên xuống dưới đúng như tinh thần “liêm chính, kiến tạo” mà Chính phủ đang nỗ lực xây dựng thì mới tạo được niềm tin với nhân dân.