Sau rất nhiều cuộc hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được PGS. TS. Hà Đình Đức tại nhà riêng của ông ở đường Âu Cơ, Hà Nội – người vẫn còn lưu giữ lại tấm thẻ cử tri năm 1945.
Cùng với thời gian, với bao thăng trầm của lịch sử, ông vẫn giữ tấm thẻ cử tri ấy như một kỷ vật vô giá của người cha để lại cho con cháu. Với ông, tấm thẻ cử tri này có ý nghĩa rất lớn về một thời khắc lịch sử đặc biệt của dân tộc. Lần đầu tiên, người dân được thể hiện quyền năng của mình để bầu chọn ra những đại biểu xứng đáng nhất đại diện cho mình.
Trở về với thời khắc lịch sử cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên
PGS.TS. Hà Đình Đức, sinh năm 1940 là nhà khoa học nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Hà Nội, từng giảng dạy hơn 40 năm tại khoa Sinh (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội), ông được nhiều người biết đến với cái tên là “nhà rùa học” bởi ông có thời gian nghiên cứu nhiều nhất là cụ Rùa hồ Gươm.
Ông mở đầu câu chuyện rất tự nhiên như là cách giới thiệu cho thật chính xác nguồn gốc của tấm thẻ cử tri năm 1945, đó là ông chỉ là “người lưu giữ” tấm thẻ cho đến ngày hôm nay, còn người chủ thực sự của tấm thẻ này là của cụ thân sinh ông, cụ Hà Đình Đạc.
Câu chuyện của ông đã đưa tôi trở về với không khí cách mạng, trở về với niềm hạnh phúc tột độ của người dân lần đầu được cầm tấm thẻ cử tri đi bầu cử - quyền của người dân của một đất nước độc lập.
Cụ Hà Đình Đạc sinh năm 1892, ở Làng Vực Thượng, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Cách mạng Tháng Tám đã mang đến cho làng Vực Thượng một sinh khí mới đầy háo hức, phấn khởi.
Khi đó, cụ Đạc được vào du kích tham gia dân quân tự vệ. Một ngày cuối năm 1945, trong khí thế tưng bừng chuẩn bị cho Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội (Quốc hội) đầu tiên của chế độ mới, cụ Hà Đình Đạc nhận được một tấm thẻ cử tri với nội dung: “Tổng tuyển cử ngày 23.12.1945 để bầu Đại biểu Quốc dân Đại hội”.
Dù chỉ là một “mảnh giấy nhỏ” nhưng tấm thẻ cử tri là một minh chứng cho một thắng lợi nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta.
Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ của kiếp tôi đòi đã trở thành chủ nhân của một nước tự do độc lập, đã khẳng định với thế giới rằng: nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập, đã thực sự có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ mới, chế độ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân.
Cụ Hà Đình Đạc là một trong những cử tri được tận hưởng niềm hạnh phúc tột độ của thời khắc đặc biệt ấy.
PGS.TS Hoàng Đình Đức - con trai ông Hoàng Đình Đạc, người đang lưu giữ tấm thẻ cử tri năm 1945 của cha mình. |
Cuộc bầu cử QH lần đầu tiên trong lịch sử đã kết thúc thắng lợi số cử hơn 90% cử tri - người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trong cả nước đã nô nức đi bỏ phiếu, thực hiện quyền làm chủ của mình.
Cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%. Và tấm thẻ cử tri của cụ Hà Đình Đạc đã góp một phần nhỏ bé vào sự thành công của Cuộc tổng tuyển cử lịch sử ấy.
Tấm thẻ cử tri thiêng liêng
PGS.TS. Hà Đình Đức cho biết, khi còn sống, cụ thân sinh ra ông rất nâng niu tấm thẻ cử tri đặc biệt này, cụ đã lưu giữ tấm thẻ như là một kỷ vật thiêng liêng.
"Động cơ là phải vì nước vì dân, phương pháp là phải công khai, minh bạch" |
Năm 1958, Cụ Hà Đình Đạc qua đời, một trong những “tài sản quý” mà cụ thân sinh của mình để lại cho con cháu là là tấm thẻ cử tri.
Tấm thẻ cử tri là vật chứng dân chủ đầu tiên mà cụ thân sinh ông được hưởng của chế độ mới, niềm hạnh phúc của một người dân một nước độc lập.
Rồi đến lượt mình, ông Hà Đình Đức đã lưu giữ rất cẩn thận tấm thẻ cử tri ấy như để giữ lại kỷ vật thiêng liêng của một người cha rất đáng kính của mình cũng như để lưu giữ được thời khắc lịch sử ấy với một niềm tự hào sâu sắc.
Thế hệ của tôi, sinh ra khi đất nước đã lặng yên tiếng súng, nước nhà đã độc lập nhưng được nghe ông kể về tấm thẻ cử tri đầu tiên và việc lưu giữ tấm thẻ cử tri không khỏi làm mình xúc động về một sự lưu giữ đầy trân quý.
Đúng với “chất” của một nhà nghiên cứu, ông đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ đã nhuộm màu thời gian, đó là tấm thẻ cử tri năm 1945 (bản mà Bảo tàng chế tác để ông Đức giữ lại) cùng rất nhiều giấy tờ liên quan khác mà ông đã lưu trữ chúng một cách rất chi tiết, cụ thể và có tính logic.
Rồi ông Đức chỉ vào tấm thẻ cử tri và nói, thế mà nó đã có “tuổi thọ” 70 năm có lẻ. Tuy hơi mờ nhưng những dòng chữ đánh máy và viết tay trên đó chúng ta vẫn có thể đọc được. Tất nhiên, vừa đọc vừa được sự “trợ giúp” của ông Đức, tôi đã có thể hiểu được những nội dung của tấm thẻ cử tri đặc biệt này.
Theo đó, nội dung tấm thẻ cử tri ghi rõ: Việt Nam- Dân chủ- Cộng hòa/ Trung kỳ Thanh Hóa/ Số 57 (1)/ Tổng tuyển cử ngày 28 tháng 12 năm 1945 để bầu Đại- biểu Quốc- dân Đại- Hội/ Huyện hay thị- xã: Thọ Xuân/ Làng hay khu phố: Vực Thượng/ Tên người đi bầu: Hà Đình Đạc/ Tuổi 54 Đàn ông đàn bà: Đàn ông/ Nghề nghiệp Làm ruộng/ Ngày 28 tháng 12 năm 1945/ Ủy ban Nhân Dân huyện Thọ Xuân / Đóng dấu và ký tên (Chỉ có chữ ký không có tên).
Con số (1) được chú thích: Đây là số thứ tự trong danh sách cử tri. Phía dưới là hai con dấu tròn bằng mực đen. Góc bên trái là dấu của Ủy ban bầu cử. Phía phải là dấu của Ủy ban nhân dân. Góc bên trái đã cắt một góc, minh chứng việc thân sinh ông Hà Đình Đức đã đi bầu cử. Góc bên phải có dòng chữ in chéo: “Lần đi bầu thứ hai”.
Như một thói quen của những người làm nghiên cứu, ông Đức đã giải thích rất cặn kẽ rằng, tấm thẻ này ghi năm 1945 nhưng sang năm 1946 mới đi bầu Quốc hội.
Ông nói “vanh vách” như một sử gia, ngày 08/9/1945, một tuần lễ sau ngày Việt Nam tuyên bố Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 14 triệu tập Quốc dân Đại hội và quy định những nét lớn về tổ chức bầu cử và ấn định ngày Tổng tuyển cử là ngày 23/12/1945.
Sau đó, Hội đồng Chính phủ đã quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử lại ít ngày, ngày tiến hành bầu cử chính thức là 06/1/1946, toàn thể quốc dân đồng bào đi bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhìn vào tấm thẻ cử tri, ông cho rằng, tấm thẻ cử tri đầu tiên của cụ thân sinh ra ông lượng thông tin phong phú hơn, cụ thể hơn, khoa học hơn.
Ông đưa ra dẫn chứng, lúc ấy, đã có sự dự phòng cho việc nếu vì những lý do nào đó trong quá trình bầu cử mà có những nơi phải bầu lại thì tấm thẻ cử tri năm 1945 đã ghi rõ một dòng ở góc phải “lần bầu thứ hai”, hàng chữ cuối cùng trong tấm thẻ cử tri năm 1945 cũng ghi rõ “cử tri giữ tấm thẻ này sau ngày bầu cử có thể dùng lại”.
Ông Đức cho rằng, với tấm thẻ này, khi có sự cố xảy ra thì không phải in thêm thẻ cử tri, giảm được chi phí tốn kém.
Ông Đức chia sẻ thêm, ngoài thẻ cử tri, tấm chứng minh thư ra, ông còn được cụ thân sinh trao cho giữ những giấy biên nhận của chính quyền số tài sản gia đình ông đã đóng góp trong Tuần lễ vàng, giấy biên nhận, thứ viết tay, thứ đánh máy gia đình ông Hà Đình Đạc ủng hộ Quỹ Thương Binh, mua công trái kháng chiến...
Qua bao nhiêu biến động và đổi thay nhưng ông Đức vẫn giữ lại được tất cả những “gia sản quý giá” mà cha mình đã để lại.
Rồi ông đã tính xa hơn, mong muốn để thế hệ nhiều người con đất Việt có thể hiểu hơn về thời khắc lịch sử đặc biệt, hiểu hơn về niềm hạnh phúc của người dân Việt Nam lần đầu được thể hiện quyền bầu cử của mình.
Ngày 24 tháng 5 năm 2002, ông đã hiến tặng tấm thẻ cử tri và những kỷ vật của cha ông cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam nay là Bảo tàng lịch sử Quốc gia.
Đây là việc làm rất có ý nghĩa của ông nhằm góp phần lưu giữ những thời khắc lịch sử thiêng liêng của đất nước, thời khắc rất đáng tự hào và không thể nào quên của người dân Việt Nam.