Để ngày bầu cử 22/5 đi vào thực chất, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, đến giai đoạn này cần phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ bầu cử.
Tổ bầu cử chính là nơi trực tiếp diễn ra các công việc bầu cử, từ phát phiếu bầu, hướng dẫn cử tri cách thức ghi phiếu hợp lệ đến bỏ phiếu vào hòm phiếu…
Nếu tổ bầu cử nào có tư tưởng cốt làm cho nhanh, xong sớm để lấy thành tích đơn vị bầu cử có 100% cử tri tham gia bỏ phiếu và hoàn thành sớm, thì dễ dẫn đến tình trạng bầu thay, bầu hộ.
Phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Tổ bầu cử
Chỉ còn 2 ngày nữa cả nước sẽ tiến hành bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trước thềm ngày bầu cử, có ý kiến lo ngại về việc cử tri đi bầu hộ, bầu thay và cho rằng đây là hiện tượng cần khắc phục triệt để trong ngày 22.5 tới. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Ngọc Đường: Đến nay, các công việc chuẩn bị cho bầu cử đã được triển khai thực hiện theo nhiều bước, nhiều công đoạn chặt chẽ.
Tuy nhiên, dẫu chuẩn bị chu đáo đến đâu mà ngày bầu cử tiến hành không tốt, hoặc để xảy ra trục trặc, thì mọi nỗ lực chuẩn bị trước đó sẽ là con số 0.
Vì vậy, để ngày 22/5 tới diễn ra suôn sẻ, thắng lợi, thật sự là ngày hội của toàn dân, thì các cơ quan phụ trách lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai công tác bầu cử phải hết sức chú trọng, dồn toàn tâm, toàn lực cho ngày bầu cử, bảo đảm tuân thủ đúng trình tự pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ bầu cử. Tổ bầu cử chính là những người thực hành, thực hiện các công việc hướng dẫn, giám sát để cử tri tiến hành việc bầu cử, từ công tác phát phiếu bầu, hướng dẫn cử tri bỏ phiếu vào đúng hòm phiếu (đâu là hòm phiếu bầu ĐBQH, đâu là hòm phiếu bầu đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã)…
Nếu tổ bầu cử nào có tư tưởng làm cho nhanh, xong sớm để lấy thành tích đơn vị bầu cử có 100% số cử tri đi bỏ phiếu và bỏ phiếu sớm, dễ dẫn dến tình trạng bầu thay, bầu hộ.
Cử tri Hà Nội xem danh sách bầu cử. ảnh: Đại biểu nhân dân. |
Thực tế các cuộc bầu cử trước cho thấy câu chuyện một người đi bầu thay cả gia đình không còn lạ, cử tri bầu nhanh, đơn vị bầu cử xong sớm. Nhưng đây là cách làm không đúng với ý nghĩa của ngày bầu cử, càng không đúng luật.
Mỗi cử tri chỉ có một phiếu bầu, phải suy nghĩ chín chắn xem lá phiếu của mình nên lựa ai, chọn ai thay mặt mình nói lên tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng tại QH và HĐND các cấp trong suốt 5 năm tới.
Cần thống nhất tư tưởng và hành động là chúng ta không bầu chơi, thích ai thì bầu mà đây là bầu người đại diện cho cử tri. Và cử tri phải xem bầu cử là một phương thức làm chủ Nhà nước, thực hiện quyền kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Rõ ràng, vai trò của cử tri với bầu cử là vô cùng quan trọng, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Đường: Đúng vậy. Không riêng ở ta mà các nước trên thế giới đều khẳng định: bầu cử là phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước.
Cứ sau 5 năm, cử tri nhận thấy ĐBQH do mình bầu ra không còn xứng đáng với vai trò, nhiệm vụ được giao, thì không tiếp tục bỏ lá phiếu của mình cho người đại biểu đó nữa.
"Động cơ là phải vì nước vì dân, phương pháp là phải công khai, minh bạch" |
Ngược lại, nếu người đại biểu do mình bầu ra xứng đáng với vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình, thì cử tri tiếp tục tín nhiệm bầu cho người đại biểu đó.
Phải hiểu sâu sắc như thế, cử tri mới nhận thấy tầm quan trọng của phiếu bầu và không thể bầu thay, bầu hộ.
Cử tri phải thông qua tiểu sử cũng như cách người ứng cử tiếp xúc cử tri để lựa chọn. Và cán bộ trong các tổ bầu cử có vai trò hết sức quan trọng trong việc hướng dẫn cử tri thực hiện bầu cử đúng pháp luật.
Kinh nghiệm các cuộc bầu cử trước cho thấy, những người có trọng trách trong Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố nên đi bỏ phiếu sớm, sau đó thực hiện việc giám sát, kiểm tra các tổ bầu cử, đơn vị bầu cử trong ngày bầu cử nhằm hạn chế thấp nhất xảy ra sai sót.
Tạo điều kiện cho báo chí giám sát
Là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trực tiếp tham gia giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại Hải Phòng, Quảng Ninh và một số địa phương khác, ông nhận thấy các tổ bầu cử ở địa phương vận hành như thế nào?
Ông Trần Ngọc Đường: Tại Hải Phòng và Quảng Ninh, mỗi tổ dân phố đều có nhà văn hóa khang trang, việc tổ chức bầu cử đều được tiến hành tại nhà văn hóa. Cách thức trang trí, nơi đặt hòm phiếu, địa điểm bỏ phiếu kín… đều được thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng.
Cán bộ của tổ bầu cử cũng được huy động từ cán bộ, bộ đội về hưu có ý thức và trách nhiệm cao, được tập huấn kỹ càng, có kinh nghiệm tham gia tổ bầu cử từ các cuộc bầu cử trước.
Tôi tin tưởng với cách làm tốt, chuẩn bị chu đáo như vậy nhất định sẽ làm nên thành công cho ngày bầu cử.
Cùng với các phần việc chuẩn bị cho trước và trong ngày bầu cử thì khâu tuyên truyền sau bầu cử cũng giữ vai trò quan trọng, góp phần lan tỏa kết quả bầu cử tới cử tri và nhân dân, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Đường: Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND đã tạo điều kiện cho báo chí tham gia tích cực vào thông tin, tuyên truyền công tác chuẩn bị bầu cử cũng như công bố kết quả bầu cử.
Theo đó, Điều 73 quy định: các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu. Điều 86 quy định: sau bầu cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử.
Ủy ban bầu cử căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND ở cấp mình chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.
Các cơ quan thông tấn báo chí cũng cần nắm vững thông tin này để kịp thời tuyên truyền về thắng lợi của bầu cử đến toàn quân, toàn dân.
- Xin cảm ơn ông!