Một trong 9 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước ta theo tinh thần Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) là:
“Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.
Đối với nước ta, chủ trương chuyển từ một hệ giáo dục đóng sang hệ giáo dục mở là một bước chuyển vừa căn bản, vừa đột phá.
Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta chưa có bất kỳ định nghĩa chính thức nào về giáo dục mở.
Khái niệm này vẫn được các học giả nước ta hiểu một cách ít nhiều cảm tính và do đó có những cách hiểu khác nhau.
Theo Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu tại tham luận “Xây dựng hệ thống giáo dục mở ở Việt Nam: Rào cản và giải pháp” cho rằng, có thể hiểu hệ thống giáo dục mở là hệ thống giáo dục trong đó các rào cản đối với giáo dục được dỡ bỏ.
Cụ thể, quan niệm về hệ thống giáo dục mở được nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo dựa trên cơ sở sử dụng kết quả nghiên cứu của dự án OpenEd do Trung tâm nghiên cứu phối hợp (Joint Research Center, JRC) thuộc Ủy ban Châu Âu thực hiện.
Theo đó, giáo dục mở gồm 10 chiều đo, trong đó có 6 chiều đo cốt lõi (tiếp cận, nội dung, sư phạm, công nhận, hợp tác và nghiên cứu) và 4 chiều đo xuyên suốt (lãnh đạo, chiến lược, công nghệ, chất lượng).
Các chiều đo đều quan trọng như nhau, liên kết với nhau, trong đó các chiều đo cốt lõi mô tả “cái gì” của giáo dục mở, còn các chiều đo xuyên suốt chỉ ra cái “như thế nào” của giáo dục mở (Inamorato dos Santos và cộng sự, 2016).
Nó tạo ra một khung tham chiếu để các nhà hoạch định chính sách, ở cấp hệ thống cũng như cấp trường, có nhận thức đầy đủ hơn về giáo dục mở để từ đó xác định những lĩnh vực cần mở, mở đến đâu và mở như thế nào, tùy thuộc vào bối cảnh và điều kiện cụ thể của sự phát triển giáo dục.
Mô hình 10 chiều đo của giáo dục mở theo kết quả nghiên cứu của dự án OpenEd do Trung tâm nghiên cứu phối hợp (Joint Research Center, JRC) thuộc Ủy ban Châu Âu thực hiện (Ảnh chụp màn hình) |
Một cách khái quát, tính mở trong từng chiều đo được hiểu như sau:
Về tiếp cận: tính mở là việc dõ bỏ các rào cản về thể chế, kinh tế, công nghệ, địa lý đối với người học.
Về nội dung: tính mở liên quan đến các tài liệu dạy và học cùng các kết quả nghiên cứu được mọi người tiếp cận và sử dụng miễn phí.
Về sư phạm: tính mở liên quan đến việc sử dụng các công nghệ số để mở rộng các tiếp cận sư phạm trong giảng dạy, lôi kéo sự tham dự và hợp tác của người học, nhằm làm cho bài học minh bạch hơn, đến với người học thân thiện hơn, hiệu quả hơn.
Về công nhận: tính mở liên quan đến việc công nhận kết quả học tập của người học trong giáo dục mở để bảo đảm sự kết nối giữa giáo dục chính quy và không chính quy.
Về hợp tác: tính mở liên quan đến việc thiết lập các mạng lưới kết nối các cá nhân với nhà trường nhằm thúc đẩy sự trao đổi về tài nguyên giáo dục, cách thức, kinh nghiệm, ý tưởng hướng tới việc dỡ bỏ các rào cản giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục.
Về nghiên cứu: tính mở là ở việc dỡ bỏ các rào cản trong việc tiếp cận các dữ liệu và kết quả nghiên cứu, mở rộng sự tham dự trong nghiên cứu.
Về chiến lược: đó là việc xác định các giá trị, mục tiêu, cơ hội, nguồn lực và năng lực trong việc xây dựng hệ thống giáo dục mở.
Về công nghệ: đó là các hạ tầng công nghệ và phần mềm cần thiết để thực hiện giáo dục mở theo từng chiều đo cốt lõi.
Về chất lượng: đó là việc bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
Về lãnh đạo: đó là sự tiếp cận minh bạch theo cả hai chiều từ trên xuống và từ dưới lên hướng tới việc phát huy các hoạt động và sáng kiến vì một hệ thống giáo dục mở bền vững.