Giao quá nhiều việc, công an xã có làm được không?

16/08/2016 07:39
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Phan Thanh Bình-Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đặt ra vấn đề này khi thảo luận về dự án Luật Công an xã.

Quy định trách nhiệm quá lớn

Theo dự án Luật Công an xã do Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, từ điều 10 đến điều 21 quy định rất nhiều nhiệm vụ quan trọng đối với Công an xã như:

Nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp nhận, phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác trên địa bàn xã; Thực hiện công tác quản lý cư trú, căn cước công dân và các giấy tờ đi lại; 

Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quản lý về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn xã.

Bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; thực hiện trách nhiệm đối với hoạt động điều tra hình sự; Thi hành án hình sự, thi hành biện pháp xử lý hành chính; Tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Tham gia bảo đảm an ninh, trật tự trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền; Huy động phương tiện và người sử dụng, điều khiển phương tiện; Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật

Điều 21 nói rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên, phải thực hiện các quy định từ điều 10 đến điều 20.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an trình bày dự án Luật công an xã. ảnh: quochoi.vn
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an trình bày dự án Luật công an xã. ảnh: quochoi.vn

Cho ý kiến vào dự án luật, Chủ tịch Quốc hội – bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tính cụ thể hóa, tính chặt chẽ của dự án luật chưa tốt, cần sự rà soát để minh bạch rõ ràng.

“Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, năng lực hạn chế, trình độ chuyên môn và kỹ năng không thể so sánh với lực lượng công an chuyển nghiệp. Với những quy định như vậy có đảm bảo tôn trọng quyền con người, quyền công dân trên địa bàn cơ sở không?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Dẫn chứng điều 10 ở dự án luật “Nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp nhận, phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã”, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi: Liệu công an xã có làm được không?

“Với các quy định như trong dự thảo luật dễ làm cho người ta hiểu nhầm là công an xã có quyền điều tra, xác minh, phân loại, lập hồ sơ, làm án... thì không phù hợp pháp luật hiện hành về quản lý hành chính và điều tra hình sự”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Khi có quyền lại lo không công bằng với dân

Góp ý vào vấn đề này, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phân tích: “Theo quy định của Luật Công an nhân dân thì Công an xã là một cơ cấu tổ chức trong Công an nhân dân. Theo Luật quốc phòng, Công an xã là lực lượng vũ trang. Theo Pháp lệnh Công an xã thì họ là lực lượng vũ trang bán chuyên trách.

Theo các quy định của Luật cán bộ công chức thì Trưởng công an xã là công chức xã, còn Phó trưởng Công an xã và Công an viên là người hoạt động không chuyên trách của xã được hưởng phụ cấp. Với hệ thống như thế này thì địa vị pháp lý của Công an xã rất rắc rối".

Đi sâu vào các quy định quyền và nghĩa vụ của Công an xã, bà Nga cho rằng: “Thẩm quyền của Công an xã rất là nhiều, phức tạp, với thẩm quyền như vậy lực lượng Công an xã áp lực của rất lớn trong việc hoàn thành nhiệm vụ.

Giao quá nhiều việc, công an xã có làm được không? ảnh 2

Lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước được bảo vệ thế nào?

Để thực hiện thẩm quyền vừa mang tính chất là lực lượng vũ trang, vừa mang tính chất cơ quan có thẩm quyền hoạt động liên quan đến tố tụng hình sự, lực lượng Công an xã được trang bị vũ khí gồm súng, rùi cui bình xịt hơi, roi điện.

Tuy nhiên, đầu vào của lực lượng Công an xã còn thấp nếu so với các lực lượng Công an khác”. 

Bà Nga dẫn quy định của Nghị định 73/2009 của Chính phủ, Công dân được tuyển chọn vào làm Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã là người học xong chương trình phổ thông trở lên, còn Công an viên là người tốt nghiệp chương trình trung học cơ sở trở lên, ở vùng sâu, vùng xa không có đủ người thì trình độ có thể thấp hơn nhưng phải là người học xong chương trình tiểu học trở lên. 

"Như vậy với nhiệm vụ quyền hạn rất lớn, trong đó có những quyền hạn đụng chạm đến quyền con người, quyền công dân thì theo Nghị định 73/2009 thì trình độ đầu vào của Công an xã còn thấp", bà Nga nói.

Điều 9 dự án Luật Công an xã quy định các hành vi bị nghiêm cấm:

1. Tổ chức, sử dụng lực lượng Công an xã trái với quy định của Luật này.

2. Giả danh Công an xã; chống lại hoặc cản trở Công an xã thi hành công vụ.

3. Mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị cho Công an xã; sản xuất, mua, bán, tàng trữ, đổi, cho thuê, sử dụng trái phép, làm giả, cầm cố trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận của Công an xã.

4. Lợi dụng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã để gây phiền hà, sách nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

5. Hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động của Công an xã.

Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng dự luật quy định 11 điều liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã là quá nhiều và đặt ra câu hỏi: Làm sao họ làm được với trách nhiệm nặng như vậy?

Cả bà Lê Thị Nga và ông Phan Thanh Bình đều nêu ra chung một băn khoăn là ở nhiều địa phương, nếu như trình độ của công an xã chỉ mới hết tiểu học thì có lập biên bản, có lấy lời khai ban đầu được không, bởi vì đây là việc rất khó.

Ông Bình nói: “Cái chúng ta lo ngại nhất trong chính quyền ở xã, ở nông thôn là quan liêu, là ăn hiếp lẫn nhau, đối xử với nhau chưa công bằng.

Các anh có quyền là các anh trở thành người không công bằng với người dân khác. Tôi nghĩ có lẽ cần ghi rõ ra.

Trong đây không nói đến vấn đề phổ biến ở nông thôn là những người có chức năng quyền hạn không làm đúng chức năng, quyền hạn của người quản lý nhà nước. Khi có quyền lực ở nông thôn thì ông nông dân cũng dễ làm vua.

Vì vậy, nên có ràng buộc về trình độ, cũng như giới hạn làm sao để anh ta không lạm dụng quyền hạn của anh ta”.

Một công an xã Xuân Hương (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) nổi nóng, xưng “mày tao” với người dân. ảnh: vtc.
Một công an xã Xuân Hương (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) nổi nóng, xưng “mày tao” với người dân. ảnh: vtc. 

Ngoài ra, một loạt các đại biểu khác như ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách; ông Phùng Quốc Hiển – Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn khi các quy định về trách nhiệm của công an xã quá lớn, trong khi năng lực thực tế của họ thì có hạn, không thể đáp ứng được.

Các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận cũng nhất trí giao cho Bộ Công an quản lý lực lượng công an xã, coi đây là lực lượng bán chuyên trách (không giao cho Bộ Nội vụ).

Hầu hết các ý kiến thảo luận tại phiên họp cũng cho rằng, không cần thiết xây dựng trụ sở làm việc riêng cho công an xã, mà chỉ cần có phòng làm việc tại Ủy ban nhân dân xã.

Cả nước có gần 12.000 xã, nếu xây dựng trụ sở sẽ dẫn tới quá tốn kém, đồng thời không quy định có trụ sở riêng cũng tránh xây dựng tràn lan.

Ngọc Quang