Những trường hợp bảo vệ đặc biệt
Điều 8 của dự thảo luật Cảnh vệ quy định, đối tượng cảnh vệ gồm:
Người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, gồm có:
Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội;
Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội;
Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội;
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trình bày dự thảo Luật Cảnh vệ tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8. ảnh: Ngọc Quang. |
Tại Điều 9 dự thảo quy định biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đối với Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội áp dụng các biện pháp:
Bảo vệ tiếp cận; Bố trí lực lượng Cảnh vệ vũ trang tuần tra, canh gác tại nơi ở, nơi làm việc; Kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại, các tác nhân khác; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng; Tăng cường lực lượng và phương tiện bảo vệ khi cần thiết;
Khi sử dụng phương tiện đi lại bằng ô tô được bố trí xe Cảnh sát dẫn đường; khi đi công tác trong nước, ngoài nước bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng, đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ; khi đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu, thuyền riêng có phương tiện dẫn đường hộ tống bảo vệ;
Khi đi công tác tại các địa phương trong nước hoặc đi công tác nước ngoài được bố trí lực lượng đi trước để nắm tình hình, khảo sát xây dựng, triển khai phương án bảo vệ; Các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và Luật An ninh quốc gia.
Đối với Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được áp dụng các biện pháp: Bảo vệ tiếp cận; Bố trí lực lượng Cảnh vệ vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở và nơi làm việc; Tăng cường lực lượng, phương tiện bảo vệ khi cần thiết;
Khi sử dụng phương tiện đi lại bằng ô tô phục vụ công tác trong nước được miễn phí giao thông đường bộ, được ưu tiên bảo đảm thông suốt an toàn; Các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và Luật An ninh quốc gia.
Đối với Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao được áp dụng các biện pháp:
Bảo vệ tiếp cận; Bố trí lực lượng vũ trang tuần tra, canh gác trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc hoặc khu vực hoạt động có tình hình phức tạp về an ninh, trật tự;
Khi sử dụng phương tiện đi lại bằng ô tô phục vụ công tác trong nước được miễn phí giao thông đường bộ, được ưu tiên bảo đảm thông suốt an toàn;
Các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và Luật An ninh quốc gia.
Khi nào được nổ súng?
Hầu hết các ý kiến phát biểu trong phiên thảo luận sáng nay đều đề cập tới điều 19 của dự thảo luật quy định về "Sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ": Sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ được sử dụng vũ khí để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và được nổ súng trong các trường hợp sau đây:
1. Để cảnh cáo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ.
2. Để gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh cáo nhưng không hiệu quả.
3. Để tiêu diệt đối tượng đang sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, công cụ hỗ trợ hoặc các chất độc hại khác tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ.
4. Các trường hợp nổ súng khác được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Qua rất nhiều các ý kiến góp ý, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ tiếp thu để điều chỉnh lại dự thảo luật, đồng thời cũng nêu ra một số băn khoăn, thí dụ nếu quy định quá khắt khe thì anh em chiến sĩ không dám sử dụng vũ khí vì lúc nào cũng sợ vi phạm pháp luật. Đối với quy định trưng mua, trưng dụng, nếu chỉ có Bộ trưởng mới có quyền thì rất khó khăn, vì trong một số trường hợp đặc biệt nếu báo cáo tới Bộ trưởng rồi mới quyết định thì không kịp thực hiện nhiệm vụ. |
Đối với nội dung này Chủ tịch Quốc hội cho rằng, gây thương tích không nhất thiết phải nổ súng, nhưng nếu bắt buộc phải nổ súng thì bắn vào đâu? Sau khi ra hiệu lệnh dừng nhưng đối tượng vẫn không chấp hành thì bắn cảnh cáo rồi mới gây thương tích và tiêu diệt.
Phó Chủ tịch Quốc hội – bà Tòng Thị Phóng cũng đề nghị vấn đề này cần được quy định cụ thể trong luật cảnh vệ.
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị làm rõ: Bảo vệ và bảo vệ đặc biệt khác nhau thế nào?
Đồng thời, cần quy định cụ thể khi nào cảnh vệ được quyền nổ súng phải có quy định cụ thể.
“Dự thảo luật quy định b mức độ: Cảnh báo, gây thương tích rồi cuối cùng mới tiêu diệt. 3 mức độ này đã đủ để phân biệt từng trường hợp với luật sử dụng vũ khí chưa?”, ông Bình đặt vấn đề
Trong khi đó, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích: "Quy định như ở điều 19 cần phải chặt chẽ hơn, bởi vì sau này quy định về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ thì có nhiều đối tượng được nổ súng, mà nổ súng thì liên quan tới quyền sống, chết của đối tượng.
Ở Điều 19 có ý thứ 4 quy định “Các trường hợp nổ súng khác được thực hiện theo quy định của pháp luật” cần phải cân nhắc rất kỹ. Chúng tôi đề nghị nổ súng phải quy định vào luật chứ không thể theo pháp luật”.
Theo bà Lê Thị Nga, nếu quy định quyền nổ súng vào Luật Cảnh vệ thì phải ghi rõ: Nổ súng trong trường hợp tiêu diệt đối tượng đang sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, công cụ hỗ trợ hoặc chất độc khác tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ.
Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói thẳng, dự thảo Luật Cảnh vệ chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội. ảnh: quochoi.vn |
Rối quy định trưng mua, trưng dụng
Đề cập tới Điều 20 của dự thảo luật quy định "Huy động người, trưng dụng tài sản, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xem xét lại việc mở rộng thẩm quyền này.
Hiện nay, chỉ một số lãnh đạo có quyền trưng mua, trưng dụng tài sản trong trường hợp cấp thiết, đó là: Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Giao thông, Bộ trưởng Bộ Công thương và Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Sau một số ý kiến phát biểu cho rằng nên sửa cụm từ "trưng mua, trưng dụng, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng phải cân nhắc kỹ, bởi vì về mặt bản chất thì “trưng dụng” hay “huy động” cũng là cùng bản chất, cùng có ý nghĩa cần sử dụng tài sản trong một thời gian nhất định.
“Nếu cần thiết thì quy định cụ thể chứ không thể nói là trưng dụng bằng huy động, rồi ghi vào là huy động để tránh luật trưng mua, trưng dụng. Nếu cần thì xin phép Quốc hội để quy định cụ thể”, bà Nga nêu quan điểm.
Bà Nga nói thẳng: "Với những điều kiện như hiện nay trong hồ sơ thì tôi thấy không đủ điều kiện trình ra Quốc hội".
Dự thảo Luật Cảnh vệ cũng quy định bảo vệ đối với nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội được áp dụng các biện pháp: Bảo vệ tiếp cận; Tăng cường lực lượng và phương tiện bảo vệ khi cần thiết. |