“Giáo sư chửi bậy” Phan Văn Hưng có dấu hiệu phạm tội hình sự

29/03/2018 10:27
Bạch Đằng
(GDVN) - Nếu giả mạo chức vụ Hiệu trưởng nhằm mục đích thu lợi bất chính (ví dụ tuyển sinh, hay tổ chức học thu lợi bất chính) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong bài báo "Giáo sư chửi bậy" tiếp tục nói láo và thách thức pháp luật, chúng tôi đề cập việc ông Phan Văn Hưng - Giám đốc Công ty Cổ phần học viện kinh tế sáng tạo mạo nhận Hiệu trưởng, đặt biển hiệu công ty là “Học viện kinh tế sáng tạo” và đăng tải lên mạng xã hội thông tin sai sự thật về 3 báo (Báo Giáo dục, Dân Trí và Thương hiệu và Công Luận…).

Những sai phạm trên có tính hệ thống và kéo dài, bởi trước đó “giáo sư chửi bậy” đã bị đoàn thanh tra liên ngành Hà Nội yêu cầu dỡ bỏ danh xưng Hiệu trưởng và biển hiệu “Học viện Kinh tế Sáng tạo”.

Với các hành vi trên, trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, về những việc làm của ông Phan Văn Hưng có thể khiến ông phạm tội.

Danh xưng Hiệu trưởng của ông Phan Văn Hưng trên website của Học viện kinh tế sáng tạo (ảnh Bạch Đằng).
Danh xưng Hiệu trưởng của ông Phan Văn Hưng trên website của Học viện kinh tế sáng tạo (ảnh Bạch Đằng).

Cụ thể, hành vi tung tin bịa đặt trên mạng như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh trong bài viết “Giáo sư chửi bậy” tiếp tục nói láo và thách thức pháp luật là đúng, nếu ở mức độ nặng tùy theo từng trường hợp, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý hình sự.

Cụ thể, nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Còn nếu không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người tung tin thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự.

“Giáo sư chửi bậy” Phan Văn Hưng có dấu hiệu phạm tội hình sự ảnh 2"Giáo sư chửi bậy" tiếp tục nói láo và thách thức pháp luật

Cụ thể, người nào thực hiện hành vi “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này” xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, nếu xác định hành vi vi phạm của người tung tin đồn trên mạng xã hội ở mức độ nhẹ thì sẽ  bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể, nếu thông tin thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung hoang tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP.

Theo Khoản 2  Điều 9, Nghị định 28/2009/NĐ-CP và Điểm b Khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.

Theo Điều 37 Bộ Luật dân sự, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

“Giáo sư chửi bậy” Phan Văn Hưng có dấu hiệu phạm tội hình sự ảnh 3“Giáo sư chửi bậy” coi thường pháp luật, dựng lại biển Học viện kinh tế Sáng tạo

Như vậy, nếu có căn cứ xác định được ông “Giáo sư chửi bậy” có những thông tin trái sự thật loan truyền trên các trang mạng … gây ra những hậu quả, hệ lụy cho những đối tượng tiếp cận với những thông tin thì tùy theo mức độ của sự việc sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc mạo danh Hiệu trưởng, luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho rằng: “Thứ nhất cần xác định được, mục đích của ông này khi mạo danh là hiệu trưởng để làm gì.

Trường hợp mạo danh Hiệu trưởng để nhằm mục đích trục lợi cá nhân thì tùy theo mức độ vi phạm, và hậu quả ông này mang lại có thể bị phạt hành chính, phạt cải chính, công khai xin lỗi.

Hoặc nếu giả mạo chức vụ Hiệu trưởng nhằm mục đích tư lợi cá nhân, thu lợi bất chính (ví dụ tuyển sinh, hay tổ chức học thu lợi bất chính) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Còn nếu người này giả mạo những không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 339 -Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác.

Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Qua phân tích pháp lý của Luật sư Nguyễn Doãn Hùng nhận thấy rằng “Giáo sư chửi bậy” có thể đang phạm pháp do đó cần thiết cơ quan chức năng thành phố Hà Nội vào cuộc làm rõ.

Bạch Đằng