Trong những năm gần đây, nhiều vụ việc đánh đập, hành hạ, bạo hành trẻ em trong gia đình, trường mầm non, tiểu học, nơi giữ trẻ… diễn ra thường xuyên hơn, đến mức phải báo động.
Trước thực trạng bạo hành trẻ em hiện nay, pháp luật Việt Nam đã nghiêm cấm, trừng trị và áp dụng những xử phạt cho những hành vi đáng lên án này.
Mới đây nhất là vụ việc hai giáo viên của nhóm lớp mầm non Sen Vàng (cơ sở II đóng tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã có hành vi dùng dép đánh vào đầu trẻ, mắng chửi, dọa dẫm trẻ,…gây bức xúc trong dư luận.
Sau khi video ghi lại hình ảnh hai giáo viên có hành vi trên lan truyền trên mạng xã hội, chủ nhóm lớp mầm non Sen Vàng đã yêu cầu 2 giáo viên Đặng Thị Bình, sinh năm 1994 và Nguyễn Thị Hồng Ngát, sinh năm 1995 viết bản tường trình, đồng thời ra quyết định cho thôi việc.
Dưới góc độ pháp lý nhiều luật sư cho rằng hành vi của hai giáo viên ở cơ sở mầm non Sen Vàng đã vi phạm pháp luật thuộc các hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em bị nghiêm cấm theo khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định (ảnh cắt từ clip) |
Hai giáo viên trên cũng đã được cơ quan Công an quận Hai Bà Trưng mời lên làm việc lấy lời khai. Tại cơ quan công an, hai giáo viên đã thừa nhận hành vi của mình vì không kiếm chế được bản thân.
Vụ việc trên xảy ra là một bài học, lời cảnh báo cho những cơ sở nuôi dạy trẻ có hành vi chưa đúng mực. Trước sự việc trên, cơ sở mầm non Sen Vàng cùng hai cô giáo rồi đây sẽ phải trả giá đắt, đối diện với khung hình phạt của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết:
Theo quy định của pháp luật, tùy theo động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại, người thực hiện bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền), trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (tù có thời hạn, chung thân, tử hình) nếu có dấu hiệu tội phạm được qui định trong Bộ luật hình sự. Cụ thể như sau:
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 nêu cao quan điểm tôn trọng và bảo vệ các quyền trẻ em: “Trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự”, “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật” (theo Điều 14 và khoản 2 Điều 6 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em);
Luật trẻ em năm 2016 chuẩn bị có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2017 quy định về Bạo lực trẻ em là “hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”.(theo khoản 6 Điều 4 Luật trẻ em 2016).
Công an đang củng cố hồ sơ, xử lý vụ giáo viên có hành vi bạo hành trẻ em(GDVN) - Hai giáo viên mầm non Sen Vàng liên quan đến hành vi bạo hành trẻ em đã được cơ quan Công an mời lên làm việc. |
Hiện tại, đối với hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (theo khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định). Hành vi này được hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật, bao gồm:
“Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm.
Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần.
Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần”.
Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, những hành vi được liệt kê cụ thể như trên có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Trong trường hợp phát hiện sự việc có dấu hiệu hình sự thì người có hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một trong các tội sau:
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em với mức phạt tù cao nhất là 3 năm (theo điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định); Tội vô ý làm chết người với mức phạt tù cao nhất là 5 năm (theo khoản 1 Điều 98 BLHS quy định); Tội giết trẻ em với mức phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình (theo điểm c khoản 1 Điều 93 BLHS quy định).
Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của các bé số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.
Như vậy, hành vi cụ thể là (dùng vật đánh vào đầu trẻ, quát, dọa nạt,…) của hai giáo viên ở cơ sở mầm non Sen Vàng đã vi phạm pháp luật thuộc các hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em bị nghiêm cấm (theo khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định).
Hành vi vi phạm pháp luật của hai giáo viên mầm non nói trên có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 21, Nghị định 138/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định người vi phạm quy định về kỷ luật người học, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học.
Ngoài việc bị xử lý hành chính, tùy từng trường hợp giáo viên có hành vi ngược đãi trẻ em có thể bị xử lý hình sự về Tội cố ý gây thương tích, Tội hành hạ người khác quy định tại điều 104, 110 Bộ luật hình sự.
Bên cạnh trách nhiệm pháp lý của hai giáo viên trên, Trường mầm non Sen Vàng có thể cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp một trong hai giáo viên mầm non có dấu hiệu bạo hành trẻ xác định là không có nghiệp vụ sư phạm.
Như vậy, trường mầm non Sen Vàng đã vi phạm qui định tại Điều 17, nghị định 138/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định: “Cơ sở giáo dục vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo không đủ tiêu chuẩn ở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông”.
Ngoài ra, còn có các hình thức xử phạt khác như có thể bị đình chỉ hoạt động hoặc tước giấy phép hoạt động.
Theo quy định tại Thông tư 28 năm 2011 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục, “nếu trường mẫu giáo độc lập tư thục không đảm bảo an toàn về tính mạng cho trẻ, giáo viên, cán bộ, nhân viên; không đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ thì sẽ bị đình chỉ hoạt động”.
Trong chiều ngày 7/2, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng cùng Ủy ban nhân dân phường Minh Khai và chủ cơ sở mầm non Sen Vàng đã có buổi làm việc với 73 phụ huynh. Tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Tân, chủ cơ sở mầm non Sen Vàng đã nhận trách nhiệm và xin giải thể cơ sở mầm non. "Là người quản lý tôi xin nhận trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc đáng tiếc như vậy tại trường. Hiện tại, tôi đã làm đơn giải thể cơ sở. Kinh phí phụ huynh đã đóng góp sẽ được trường hoàn trả trong thời gian sớm nhất”, bà Tân cho biết. Liên quan đến địa điểm học của các cháu bé sau khi xảy ra vụ việc, bà Trần Lưu Hoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng cho biết sẽ có 4 cơ sở trong khu vực tiếp nhận các cháu sau khi rời nhóm lớp mầm non Sen Vàng. |
Luật sư Trương Anh Tú nhìn nhận hành vi của hai giáo viên mầm non Sen Vàng là vi phạm về mặt đạo đức, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
“Hành vi của hai giáo viên trường mầm non Sen Vàng ngoài có dấu hiệu vi pháp luật còn thể hiện sự vi phạm về mặt đạo đức nghiêm trọng, đi ngược với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Do đó, các cơ quan chức năng cần điều tra và xử lý thật nghiêm khắc để có tính chất răn đe, cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm đối với các cơ sở giáo dục khác”, Luật sư Trương Anh Tú chia sẻ.
Bạo hành đối với trẻ em có thể để lại tổn thương về thể chất và tinh thần gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho tương lai của các bé.
Do đó, gia đình và người thân của các bé ngay lập tức cần có các biện pháp ổn định về tâm lý cho trẻ đồng thời có đơn trình báo, liên hệ ngay bằng các kênh thông tin để các cơ quan có những lời khuyên bổ ích nhằm xử lý tình huống đúng đắn và kịp thời.
Ngoài ra, phụ huynh cần nâng cao sự cảnh giác khi gửi con em mình vào các cơ sở giáo dục mầm non; phối hợp với Nhà trường, địa phương quan tâm, theo dõi sát sao tình trạng của con em mình, tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.