Nâng cao ý thức học tập nhờ tiếng kẻng
Nằm bên con đường mòn Hồ Chí Minh, Gio Sơn vẫn được biết đến là một xã nghèo của huyện Gio Linh (Quảng Trị). Nay nhắc đến xã Gio Sơn, nhiều người còn biết đến là địa phương giàu tinh thần hiếu học.
Để nâng cao ý thức cũng như tạo điều kiện cho con em trong xã có được môi trường học tập tốt nhất. Nhiều năm nay, bất kể trời nắng hay mưa, cứ đúng 19h hàng ngày (trừ ngày thứ 7) tiếng kẻng khuyến học lại đều đặn vang lên khắp 5 thôn của xã Gio Sơn.
Từ khi có mô hình “tiếng kẻng khuyến học”, bộ mặt giáo dục của địa phương này cũng mang nhiều đổi khác.
Suốt 3 năm nay, trưởng thôn Phạm Văn Cảnh là người đánh kẻng nhắc nhở con em trong thôn Nam Đông đến giờ học bài vào mỗi tối. Ảnh: B.S |
Là một trong năm trưởng thôn được giao “trọng trách” đánh kẻng nhắc nhở các cháu học bài, ông Phạm Văn Cảnh, trưởng thôn Nam Đông, xã Gio Sơn cho biết:
“Theo quy định, sau khi hồi kẻng được vang lên báo hiệu giờ học tập của các cháu đã đến, toàn bộ bà con trong thôn phải chuẩn mực thực hiện. Ngoài đường không được có học sinh nào lêu lổng, tụm năm tụm bảy chơi bời.
Trong nhà phụ huynh cũng không được ca hát, nói chuyện ồn ào,... Ti vi, loa đài cũng vặn nhỏ tiếng lại để tạo không gian tĩnh lặng cho các cháu học bài”.
Cùng với việc các em tự giác ngồi vào bàn học, mọi hoạt động vui chơi giải trí đều tạm ngưng. Khắp đường làng, ngõ xóm không gian yên tĩnh một cách lạ thường, chỉ nghe tiếng trẻ học bài.
Để duy trì mô hình “tiếng kẻng khuyến học”, chính quyền địa phương cũng thường xuyên về từng gia đình thăm hỏi, cùng phụ huynh nhắc nhở các cháu học tập.
Em Trần Nhật Anh, học sinh lớp 6A trường THCS Gio Sơn cho biết: “Nhiều lúc cháu ham chơi hay xem ti vi quên cả thời gian, khi nghe tiếng kẻng của bác trưởng thôn nhắc nhở tới giờ học là em liền ngồi vào bàn học, chuẩn bị bài vở cho ngày hôm sau. Dù đang bận việc gì thì cũng học bài xong đã rồi mới làm tiếp”.
Mỗi khi nghe tiếng kẻng nhắc nhở học bài, Trần Nhật Anh cũng như nhiều học sinh xã Gio Sơn đều tự giác ngồi vào bàn học. Ảnh: B.S |
Sau gần 3 năm đưa vào thực hiện, cho đến nay “tiếng kẻng khuyến học” đã trở thành thói quen sinh hoạt của từng em học sinh cũng như người dân trên địa bàn xã Gio Sơn.
Nhờ hiệu quả của mô hình mà nhiều phụ huynh cũng dần tin tưởng và nghiêm túc thực hiện.
Ông Trần Văn Lợi (bố em Nam) chia sẻ: “Ngày trước, bận nhiều việc quá nên nhiều lúc tôi cũng quên nhắc cháu học bài. Nay mỗi lần nghe tiếng kẻng là cháu lại tự giác ngồi vào bàn học không đợi bố mẹ phải nhắc nhở. Thấy cháu biết tự ý thức, việc học tập cũng dần tốt lên nên gia đình cảm thấy rất yên tâm”.
“Trước đây nhiều gia đình ở xã Gio Sơn có thói quen hát karaoke vào mỗi buổi tối, nay chỉ hát vào tối thứ 7. Để ưu tiên việc học của con em, ai cũng vui vẻ chấp hành.
Nhiều tối không nghe thấy tiếng kẻng, hôm sau mọi người còn hỏi lại tôi sao hôm qua không thấy bác trưởng thôn đánh kẻng nhắc học bài”, ông Phạm Văn Cảnh, trưởng thôn Nam Đông vui vẻ cho biết thêm.
Hiệu quả bất ngờ
Được biết, mô hình “tiếng kẻng khuyến học” được huyện Gio Linh triển khai từ năm 2011, tuy nhiên để đưa vào hoạt động hiệu quả thì không nhiều địa phương làm được.
Hiện xã Gio Sơn là địa phương duy nhất của huyện Gio Linh cũng như của tỉnh Quảng Trị có tất cả 5/5 thôn đều áp dụng và cho hiệu quả bất ngờ.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đỗ An Chung, Chủ tịch UBND xã Gio Sơn cho biết, việc đưa mô hình “tiếng kẻng khuyến học” nhân rộng trên địa bàn lúc đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, mãi đến năm 2013 mới thực hiện được.
Ban đầu chỉ thí điểm ở thôn Nam Đông, sau các thôn như Lạc Sơn, An Khê, Phú Ốc, Nam Tân thấy hay nên cũng học tập làm theo. Đến nay tất cả các thôn trong xã Gio Sơn đều duy trì hoạt động thường xuyên và mang lại hiệu quả ngoài mong đợi.
Ông Nguyễn Văn Nam an tâm việc học của con hơn nhờ có “tiếng kẻng khuyến học”. Ảnh: B.S |
Theo người dân xã Gio Sơn, trước đây khi chưa có tiếng kẻng nhắc nhở học bài, nhiều cháu đến tối vẫn tụ tập la cà ở các quán internet, thậm chí ở những quán nhậu. Đến nay việc la cà này không còn nữa.
“Những cháu sau tiếng kẻng còn lêu lổng ngoài đường, không lo học bài sẽ bị mọi người nhìn với ánh mắt “khác biệt” và bị người lớn nhắc nhở. Phụ huynh có con em bị nhắc nhở cũng có trách nhiệm phải quan tâm nhiều hơn, giúp các cháu ý thức hơn trong việc học tập. Có tiếng kẻng khuyến học, tôi cũng an tâm hơn việc học của con mình”, Ông Nguyễn Văn Nam (người dân thôn Nam Đông) cho hay.
Em Nguyễn Lan Phương, học sinh lớp 10B1 trường THPT Cồn Tiên cho biết: “Tiếng kẻng khuyến học ngoài giúp em nâng cao ý thức tự giác học tập còn giúp em biết sắp xếp thời gian học bài của mình sao cho cân đối, hợp lý. Nhờ vậy mà việc học của em cũng dần tốt lên rõ rệt”.
Ngoài nâng cao ý thức, việc sắp xếp thời gian học tập của em Trần Lan Phương cũng hợp lý hơn nhờ có tiếng kẻng khuyến học. Ảnh: B.S |
Từ khi có mặt mô hình tiếng kẻng khuyến học, nhiều trường học nằm trên địa bàn xã Gio Sơn cũng thu được kết quả tốt.
Theo thống kê của Trường THCS Gio Sơn, bình quân mỗi năm trường đều có gần 80 giải học sinh giỏi cấp huyện và 10 giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong số này có 50 – 70% là học sinh sống trên địa bàn xã Gio Sơn.
Kết quả này phần nào cho thấy những hiệu quả tích cực mà mô hình đã mang lại.
Thầy Trần Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Gio Sơn đánh giá: “Hiệu quả từ mô hình “tiếng kẻng khuyến học” có thể thấy rõ nhất ở việc ý thức và chất lượng học tập của các em ngày càng được nâng cao. Nhờ có mô hình này mà việc phối hợp giáo dục, quản lý học sinh giữa nhà trường và phụ huynh cũng diễn ra thuận lợi hơn”.
Việc nhân rộng mô hình tiếng kẻng khuyến học không chỉ đẩy mạnh phong trào khuyến học mà còn làm thay đổi bộ mặt giáo dục của xã Gio Sơn.
“Những năm qua, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học ngày một tăng. Nhiều em còn thi đỗ vào các trường lớn như: Học viện Quân sự, Học viện Ngân hàng, Bách khoa, Kinh tế, Y dược,…
Đặc biệt, nhờ tiếng kẻng nhắc nhở học tập mà các em biết lo lắng học hành, không còn tụ tập chơi bời nên tình hình an ninh trật tự của địa phương cũng được đảm bảo. Hiện trên địa bàn xã Gio Sơn về cơ bản đã chấm dứt được tình trạng bỏ học giữa chừng”, ông Đỗ An Chung, Chủ tịch UBND xã Gio Sơn cho biết thêm.