Tờ Express của Anh ngày 7/12 đưa tin, Đức Đạt Lai Lạt Ma - lãnh tụ tinh thần Phật giáo Tây Tạng đang phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt sau khi ông nói rằng, cách duy nhất để đánh bại tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (ISIS hay IS) là thương lượng một nền hòa bình với họ. Giáo dục và nói không với chiến tranh là chìa khóa để đánh bại phong trào thánh chiến.
Học cách lắng nghe
Trả lời phỏng vấn tờ báo Ý La Stampa, Đức Đạt Lai Lạt Ma, khi được hỏi làm thế nào để đánh bại ISIS, ông đã trả lời: "Thông qua đối thoại. Bạn cần phải lắng nghe, hiểu và vẫn phải tôn trọng người khác. Không có cách nào khác. Chúng ta phải làm điều đó bằng trái tim của mình. Hãy mở lòng từ bi, giáo dục."
Đức Đạt Lai Lạt Ma, ảnh: AP. |
"Mỗi người đều có tôn giáo riêng của mình và chân lý của nó. Trong một cộng đồng có rất nhiều tôn giáo và vì vậy có rất nhiều chân lý. Hồi giáo là một tôn giáo của hòa bình, nhưng tính cố chấp (của một bộ phận tín đồ) đã làm tổn hại tới đức tin của họ cũng như anh em của họ", Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ.
Tuy nhiên nhận định này của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã vấp phải những ý kiến phản đối, thậm chí là chỉ trích trên các phương tiện truyền thông xã hội. Những quan điểm này cho rằng ông đã không nắm bắt được mức độ nghiêm trọng mà các mối đe dọa từ ISIS gây ra cho loài người.
Đồng quan điểm đối thoại là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề chiến tranh, The Jerusalem Post ngày 7/12 dẫn lời Đức Giáo hoàng Francis nói với báo giới khi thăm Cộng hòa Trung Phi hồi đầu tuần này cho biết, Hồi giáo có giá trị, và các giá trị này mang tính xây dựng.
"Chúng ta có thể đối thoại với họ". Ông đặt câu hỏi: "Đã có bao nhiêu cuộc chiến tranh mà không chỉ là chiến tranh tôn giáo, mà các Kito hữu đã tiến hành?"
Theo Đức Giáo hoàng, không thể đánh đồng Hồi giáo với những phần tử cực đoan, bởi một nhóm người không thể xóa sổ một tôn giáo, bởi tôn giáo đó là trào lưu của cả một cộng đồng, thậm chí là nhiều cộng đồng.
Hồi giáo chân chính và những kẻ đội lốt
Phát biểu tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng hôm 7/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên án vụ nổ súng ở San Bernardino làm 14 người thiệt mạng là một hành động khủng bố.
Tuy nhiên theo ông chủ Nhà Trắng, tự do sẽ mạnh hơn nỗi sợ. Ông cảnh báo, sự chia rẽ trong xã hội Mỹ về việc những kẻ khủng bố đội lốt Hồi giáo với đạo Hồi chân chính sẽ bị các lực lượng cực đoan lợi dụng chống lại Mỹ.
Tổng thống Obama và lãnh đạo các siêu cường nên cân nhắc nghiêm túc gợi mở của Đức Đạt Lai Lạt Ma và Đức Giáo hoàng Francis. Ảnh: Redstate.com. |
"Để có thể đánh bại chủ nghĩa khủng bố, chúng ta phải ghi nhận cộng đồng Hồi giáo là một trong những đồng minh mạnh mẽ nhất của mình, chứ không phải đẩy họ vào bờ vực nghi ngờ và thù hận", BBC ngày 8/12 dẫn lời ông Obama khẳng định. Cộng đồng người Mỹ theo đạo Hồi là một bộ phận của xã hội Hoa Kỳ.
Gây chia rẽ, kích động thù địch với các cộng đồng người theo đạo Hồi tại Hoa Kỳ chính là điều các phần tử khủng bố đội lốt Hồi giáo, đặc biệt là tổ chức khủng bố ISIS đang mong đợi.
Chính vì vậy Nhà Trắng đã lập tức chỉ trích tỷ phú Doanld Trump khi ông kêu gọi ngưng cho người Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ một cách "toàn diện và triệt để".
Chính quyền Tổng thống Barack Obama xem những phát biểu này của ông Trump là đang đi ngược lại hệ giá trị của Hoa Kỳ cũng như lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Cắt ngọn hay nhổ gốc?
Người viết nhận thấy, thực tế cho thấy sau vụ khủng bố 11/9/2001, Mỹ đã dội mưa bom bão đạn xuống Afghanistan để tiêu diệt lực lượng khủng bố al-Qaeda, gây ra cuộc chiến tranh cho đến hôm nay vẫn còn nhiều hệ lụy cho cả hai phía.
Đất nước này hoang tàn vì chiến tranh, nhưng khủng bố vẫn không bị tiêu diệt. Osama bin Laden bị bắn chết thì lại mọc ra hàng loạt trùm khủng bố khác. Khủng khiếp nhất bây giờ là các trùm khủng bố điều hành mạng lưới ISIS đang gây chết chóc, kinh hoàng khắp Trung Đông, châu Âu và cả Hoa Kỳ.
Tiếp sau Mỹ cùng đồng minh, Nga cũng đã nhảy vào cuộc với hàng loạt vụ không kích mà Moscow tuyên bố là nhằm vào sào huyệt, thậm chí là tuyến đường vận chuyển buôn bán dầu - mạch sống của tổ chức khủng bố ISIS ở Syria.
Nỗ lực đó của Nga, Mỹ và các nước chống khủng bố tại Trung Đông là đáng ghi nhận, nhưng hiệu quả đến đâu còn là chuyện phải bàn.
Dư luận chưa thấy ISIS bị tiêu diệt thì cuộc chiến chống khủng bố mà cả Nga, Mỹ tham gia ở Syria đang có nguy cơ biến thành cuộc đối đầu chiến lược kiểu Chiến tranh Lạnh giữa Moscow và NATO. Xuất phát điểm của xu hướng này là vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc Su-24 của Nga vì xâm nhập trái phép không phận nước này trong 17 giây.
Như vậy có thể thấy, bom đạn và vũ khí tối tân nhất của các siêu cường dội xuống Trung Đông hàng chục năm nay chẳng những không diệt được khủng bố, trái lại càng làm cho thứ "vi rút" nguy hiểm này càng biến thể và lây lan mạnh hơn. Đối phó với khủng bố bằng súng ống và vũ lực xem ra chỉ là cách "cắt ngọn, bỏ gốc".
Anh tham gia không kích ISIS tại Syria, ảnh: Express.co.uk. |
Bởi vậy, gợi ý của Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng như Đức Giáo hoàng Francis rất đáng để các chính khách siêu cường xem xét một cách nghiêm túc. Hãy xem lại tại sao một thứ tư tưởng cực đoan, mất hết nhân tính như vậy lại có thể thu hút hàng ngàn thanh niên được ăn học, có tri thức từ các nước phát triển gia nhập đội quân khủng bố.
Hãy xem lại tại sao cùng mang danh không kích chống ISIS, nhưng Nga và Mỹ lại không thể bắt tay nhau, ngược lại còn dẫn đến cuộc khủng hoảng 17 giây Nga - Thổ, khơi mào cho xu thế đối đầu giữa phương Tây và Nga ở Trung Đông.
Suy cho cùng, chỉ có người dân Trung Đông và cả các nước châu Âu đang là nạn nhân của cả chủ nghĩa khủng bố lẫn những lực lượng tham gia chống khủng bố bằng bom đạn và mục đích chính trị, chiến lược riêng của họ.
Tất nhiên, tâm lý không đội trời chung với khủng bố của dư luận là điều có thể hiểu được, nhưng chỉ vác súng đi tìm những kẻ khủng bố để tiêu diệt đã chứng minh không phải cách loại trừ tận gốc khủng bố khỏi cuộc sống của nhân loại.
Mặt khác, muốn đối thoại thì cả hai bên phải có thiện chí, và lực lượng chống khủng bố cũng cần phải tìm hiểu xem tại sao đồng loại của mình lại chọn con đường trở thành khủng bố. Có "bắt" được bệnh chính xác thì mới bốc được thuốc chính xác.
Thiết nghĩ, đồng thời với việc nêu cao cảnh giác đề phòng, ngăn chặn các hoạt động khủng bố, thậm chí phải dùng vũ lực ngăn chặn các phần tử khủng bố, nhưng bên cạnh đó đã đến lúc cần có sự tìm hiểu thấu đáo để đối thoại với những trùm khủng bố.
Nói như Đức Đạt Lai Lạt Ma, hãy học cách lắng nghe, tìm kiếm và tôn trọng phần "người" trong những kẻ khủng bố để xem những gì đã khiến họ mê muội, lao vào "thánh chiến" như thiêu thân để tìm thuốc giải.
Suy cho cùng, những kẻ khủng bố ấy cũng là con người bình thường khi được sinh ra, không thù, không oán. Nhưng tại sao khi trưởng thành, chúng lại trở thành những kẻ giết người không ghê tay?
Trả lời được câu hỏi này có lẽ mới tìm ra cách giải quyết vấn đề. Học cách lắng nghe người khác bằng tâm từ bi không oán trách đã là điều vô cùng khó, lắng nghe những kẻ khủng bố lại càng khó hơn, nhưng có lẽ đó là cách duy nhất có thể để giải quyết gốc rễ của vấn đề.