Giấc mơ hoang

08/12/2015 06:49
Ngọc Việt
(GDVN) - Lật đổ Gaddafi và chế độ của ông ta, để xây dựng một chế độ tốt hơn tại Libya chỉ là một “giấc mơ hoang” với nhiều cơn ác mộng.

Đã hơn bốn năm, kể từ ngày chế độ của Tổng thống Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ và ông ta bị giết chết trong một cuộc nỗi dậy đẫm máu và kinh hoàng, đất nước và người dân Libya vẫn chưa thể định hình được một chế độ chính trị - xã hội.

Cho đến nay, quốc gia châu Phi này vẫn bị xâu xé bởi các phe phái bộ tộc, xã hội bất ổn và đầy bạo lực, người dân không có việc làm, cuộc sống thiếu thốn và phải dời bỏ quê hương để đi tìm miền đất hứa. 

Đồng thời lực lượng khủng bố lại được gieo mầm và phát triển mạnh mẽ trên cái nền xã hội rối ren ấy, ngày càng nguy hiểm và đe dọa đến sự tồn vong của đất nước Libya. Người ta đang tự hỏi, mục đích thực sự của việc lật đổ chế độ Gaddafi là gì? 

Bạo loạn, lật đổ một chế độ chính trị để đánh đổi cho “một giấc mơ hoang”

Có lẽ không ai có thể tưởng tượng nổi một xã hội Libya thời hậu Gaddafi lại hỗn loạn và mất phương hướng như bây giờ. 

Đại tá Muammar Gaddafi, ảnh: News.com.au.
Đại tá Muammar Gaddafi, ảnh: News.com.au.

Vì những bất bình với cách quản lý đất nước của Gaddafi, mà một số bộ tộc ở miền Nam Libya đã nổi dậy chống lại chính quyền trung ương, gây ra những cuộc xung đột vũ trang và dẫn đến một cuộc nội chiến. Họ hy vọng rằng sẽ lật đổ được chế độ độc tài Gaddafi và khi ấy thì quyền lợi của cá nhân họ, của các bộ tộc sẽ được bảo đảm bình đẳng trong một đất nước tự do.

Còn với các nước phương Tây vốn đã không ưa gì Gaddafi khi xem ông ta như là một “lãnh chúa châu Phi”, nên khi thấy Gaddafi đàn áp đẫm máu lực lượng nổi dậy, họ đã nhanh chóng hành động để chấm dứt việc nhà độc tài phạm tội ác chống lại loài người, và họ hy vọng sẽ tạo dựng được ở Libya một chế độ dân chủ.

Và thế là trước sự sức mạnh của cả hai lực lượng “nội công, ngoại kích”, chế độ Gaddafi nhanh chóng sụp đổ và chính thức khép lại một triều đại bằng cái chết của Gaddafi vào một buổi chiều buồn, cuối tháng 10/2011 tại thị trấn Sirte.

BBC ngày 6/12 đã viết: Khi Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, đã có những cảnh hân hoan tại đất nước Libya. Tuy nhiên, sự mừng vui ấy chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy một tháng, khi dư âm của hào khi chiến thắng qua đi, cuộc sống thiếu thốn ập đến mà không biết dựa vào đâu, chờ đợi ai và sẽ có được cái gì, người dân Libya giật mình khi nghĩ về quá khứ.

Eliyas Yahya, một lãnh tụ Hồi giáo địa phương tự vấn: "Vì điểm gì mà người ta giết Gaddafi? Người ta giết một người để giải quyết vấn đề và bây giờ vấn đề tồi tệ hơn. Tại sao giết Gaddafi?"

Còn với các nước đã ném bom vào các căn cứ quân sự của chế độ Gaddafi để hỗ trợ cho phe nổi dậy ở Libya, họ đã phải thất vọng khi đặt ra những câu hỏi mà không thể có câu trả lời: Tại sao Libya lại hỗn loạn như vậy? Ai đang kiểm soát Libya?

Rồi chính họ phải trả giá trong khi đi tìm câu trả lời cho bất ổn tại Libya, bằng cái chết của Đại sứ Mỹ tại Libya Ohn Christopher Stevens, khi Đại sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya bị tấn công bởi các chiến binh Hồi giáo cực đoan vào ngày 11/12/2012, theo The Wall Street Journal.

Theo thông lệ thì Libya sẽ phải bị trừng phạt và có thể bằng cả biện pháp quân sự của Mỹ, nhưng trong tình huống này Mỹ gần như không thể có hành động trừng phạt nào ở Libya vì không biết trừng phạt ai trong một đất nước gần như vô chủ và Mỹ cũng góp phần tạo nên cái sự hỗn loạn, vô chủ ấy.

BBC cho hay, hiện nay tại Libya có hai chính phủ đối lập, một chính phủ đóng tại thủ đô Tripoli và một chính phủ khác của lực lượng chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 6/2014 - đóng đô tại thành phố cảng Tobruk. 

Mặc dù, ngày 6/12 hai “đối thủ” tại Libya đã đạt được thỏa thuận ban đầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đã cản trở đất nước phát triển trong nhiều năm qua, nhưng không nhiều người tin giá trị của bản thỏa thuận ấy sẽ được thực thi đúng với mong muốn của các bên, đáp ứng kỳ vọng của người dân Libya.   

Xung đột giữa các phe phái tranh giành kiểm soát Libya thời hậu Gaddafi. Ảnh: Reuters.
Xung đột giữa các phe phái tranh giành kiểm soát Libya thời hậu Gaddafi. Ảnh: Reuters.

Với kết cục cay đắng cho cả người trong cuộc – lực lượng nổi dậy chống lại chế độ Gaddafi, và người trợ giúp – lực lượng NATO, có thể thấy rằng việc lật đổ Gaddafi và chế độ của ông ta, để xây dựng một chế độ tốt hơn tại Libya chỉ là một “giấc mơ hoang” với nhiều cơn ác mộng.

Người dân Libya hoài niệm Đại tá Gaddafi

Với cuộc sống thiếu thốn và xã hội bất ổn, đối mặt với cái nghèo luôn đeo đuổi và cái chết luôn rình rập, người dân Libya thất vọng và bế tắc. Một số có tư tưởng cực đoan đã chọn bạo lực làm lẽ sống và súng đạn làm phương tiện kiếm sống – họ trở thành những kẻ khủng bố đang hoành hành đất nước họ và cả ở các nơi khác trên thế giới.

Một số khác không chịu đựng nổi đã rời bỏ quê hương đì tìm miền đất hứa nơi phương trời xa với một hy vọng mong manh cho sự đổi đời trong một hành trình gian nan và đầy nguy hiểm. 

BBC dẫn lời Mustafa Abdel Momin, một công nhân xây dựng 35 tuổi nói: "Sau khi Gaddafi bị lật đổ, chúng tôi có đủ loại khủng hoảng. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao ngất trời và không có việc gì cho chúng tôi làm. Hoặc là chúng tôi kết thúc bằng một cuộc sống phạm pháp vì đó là cách duy nhất để kiếm tiền, hoặc là chúng tôi cố gắng đến châu Âu để kiếm đường sống".

Eliyas Yahya, một lãnh tụ Hồi giáo địa phương phụ họa thêm: "Bây giờ là châu Âu, châu Âu, châu Âu, thậm chí bất cứ nơi nào trên trái đất mà bạn có thể đi. Một số người đang đi đến Brazil, nếu ở đó họ có khả năng tìm được cuộc sống. Còn những người khác thì đó là châu Âu."

Đối với những người Libya không thể tự đổi thay, và trong lúc chờ đợi sự thay đổi cho số phận, họ hoài niệm về cái xã hội được “cai trị bởi chế độ độc tài Gaddafi”.

Ông Karim Mohamed, một thợ may 45 tuổi nói: "Ở Libya trước đây, tất cả mọi người đều hạnh phúc. Ở Mỹ, có những người ngủ dưới gầm cầu, trong khi ở Libya không bao giờ có điều ấy. Không có sự phân biệt đối xử, không có vấn đề gì cả. Công việc rất tốt và do đó có tiền. Cuộc sống của tôi tất cả là nhờ vào Gaddafi - Đấng Cứu thế của châu Phi".

"Gaddafi là một người đàn ông tốt", Mustafa Abdel Momin, người đã làm việc tại Libya trong bảy năm, nói. "Ông ta không bao giờ lừa dối ai. Ông là hoàn hảo. Người tốt nhất."

Còn Eliyas Yahya một lãnh tụ Hồi giáo địa phương thì nhận định: "Gaddafi có thể đã là một nhà độc tài tàn nhẫn, nhưng trong nhiều năm ông ta đã mang đến sự sung túc tương đối cho cuộc sống và luật lệ trong chế độ của ông đã tạo sự ổn định cho xã hội, và người di cư không phải tuyệt trong vọng để tìm công việc ở Libya trong sự may rủi.

Những người bạn mới của tôi là một trong số hàng chục ngàn người châu Phi đã sử dụng tiền kiếm được ở Libya để thoát khỏi cảnh nghèo đói ở quê nhà.

Libya vẫn cứ hỗn loạn và hoang tàn sau khi Đại tá Gaddafi bị lật đổ, ảnh: Reuters.
Libya vẫn cứ hỗn loạn và hoang tàn sau khi Đại tá Gaddafi bị lật đổ, ảnh: Reuters.

Và như vậy, không chỉ người dân Libya rơi vào cảnh cùng quẫn mới nuối tiếc về chế độ Gaddafi bị lật đổ, mà người dân ở nhiều nước Châu Phi khác có công ăn việc làm tại Libya trước đây cũng có cùng cảm giác khi cuộc sống của họ được sung túc dưới thời Gaddafi."

Nhà báo Jake Wallis Simons đã viết chi tiết cho BBC về cuộc sống tại một huyện nhỏ ở thành phố Accra, phía bắc Libya, nơi có một cộng đồng người Ghana đã làm việc dưới chế độ Gaddafi.

Những ngôi nhà xiêu vẹo đặc trưng cho cuộc sống nhiều bộ phận dân cư của Accra không được nhìn thấy ở đây. Thay vào đó là nhà ở rộng rãi, hiện đại dọc theo con đường đất màu cam.

Và nếu không có Gaddafi, nó sẽ không bao giờ được xây dựng. Ở đây một số ngôi nhà thậm chí còn xây dựng dở dang và khi Gaddafi bị lật đổ, khu phố trở nên lạnh lẽo.

Rõ ràng, cuộc xung đột tại đất nước Libya giữa chế độ của Gaddafi và các lực lượng nổi dậy không hề được giải quyết như người ta mong muốn, khi xóa xổ cái chế độ ấy một cách tàn bạo.

Cuộc xung đột xã hội ở Libya còn kéo dài và sâu sắc hơn khi có quá nhiều lực lượng, phe phái xâu xé đất nước Libya, đưa người dân vào thảm cảnh mà quyền sống của họ có thể bị tước bỏ bất cứ lúc nào.

Bởi lẽ khi luật pháp không còn là công cụ quản lý xã hội, trong lúc ngặt nghèo, cùng cực nhất lại khiến họ nhớ về Gaddafi như một Đấng cứu thế.

Chủ quyền quốc gia phải được tôn trọng, lợi ích dân tộc phải được xem trọng thì mới hy vọng có xã hội tự do, dân chủ

Khi Gaddafi lựa chọn giải pháp đàn áp đẫm máu lực lượng nổi dậy ở Libya, thay vì chọn giải pháp hòa giải, khi đó ông ta đã lấy quyền lợi của mình đặt trước lợi ích của quốc gia, dân tộc Libya và ông đã phải trả giá bằng tính mạng của mình.

Lực lượng nổi dậy tại Libya lựa chọn giải quyết xung đột bằng vũ lực, đối đầu với quân đội của nhà nước Libya lúc đó, với sự trợ giúp bằng bom đạn của NATO ném xuống những mục tiêu của chế độ Gaddafi, để họ nhanh chóng tiến về Tripoli.

Thực ra khi đó lực lượng nổi dậy xem lợi ích của cá nhân, lợi ích của bộ tộc lớn hơn lợi ích của toàn dân tộc Libya. Vì vậy, đến giờ này họ vẫn không thể làm chủ được tình hình Libya dù chế độ của Gaddafi đã bị xóa xổ.

Khi NATO ném bom vào lực lượng quân đội của chế độ Gaddafi với mong muốn giúp cho lực lượng nổi dậy nhanh chóng chiến thắng cả trên chiến trường và chính trường Libya, lúc đó chủ quyền quốc gia của Libya đã bị họ tước bỏ - vì chế độ của Gaddafi là chế độ hợp hiến duy nhất tại Libya lúc bấy giờ - và lợi ích của dân tộc Libya thì bị họ bỏ quên.

Cho nên bây giờ họ không thể nắm được cái gì trong một Libya hỗn độn, chứ nói gì đến việc định hình một chế độ theo ý muốn của họ. 

Chiến đấu cơ NATO tham gia oanh kích, dội bom đạn xuống Libya năm 2011. Ảnh: The Guardian.
Chiến đấu cơ NATO tham gia oanh kích, dội bom đạn xuống Libya năm 2011. Ảnh: The Guardian.

Có thể thấy rằng, cả ba thành phần quân sự và chính trị quyết định sự tồn vong của nhà nước Libya đều không xuất phát từ ý nguyện của người dân Libya mong muốn đất nước phát triển, xã hội ổn định.

Tình hình hiện tại ở Libya lại chứng minh tính đúng đắn cho nguyên tắc: Muốn xây dựng một xã hội tự do, dân chủ thì điều kiện tiên quyết là phải tôn trọng chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc. Đó chính là hành động thuận chiều theo quy luật của lịch sử. 

Phải khẳng định rằng, người dân Libya mới là lực lượng quan trọng nhất – họ chính là người viết nên lịch sử đất nước họ - vì vậy người dân Libya phải là người quyết định và được tạo điều kiện để quyết định vận mệnh của họ, đất nước họ, dân tộc họ.

Những ai muốn giúp đất nước  Libya, vì nhân dân Libya thì trước hết phải mang đến và giữ gìn một nền hòa bình cho đất nước Libya, tạo điều kiện cho một sự tự do, bình đẳng cho người dân Libya và nuôi dưỡng một nền dân chủ cho xã hội Libya. 

Đây không chỉ là khẩu hiệu mà nó đã được hiện thực hóa tại Myanmar khi lãnh đạo của đất nước biết thể hiện đúng vai trò của mình trong lịch sử dân tộc.

Cho dù sự phồn vinh của đất nước, sự sung túc của người dân Myanmar còn ở phía trước, nhưng sức mạnh của sự đoàn kết dân tộc – yếu tố quan trọng nhất đảm bảo sự ổn định và phát triển xã hội – đã được những người đứng đầu đất nước nuôi dưỡng và tác thành.

Từ Libya và Myanmar, người ta nhìn sang Sirya, một đất nước có điều kiện và hoàn cảnh không khác gì Libya và hiện tại các lực lượng cả trong và ngoài nước đang đi tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Nội chiến Sirya đã cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng của người dân vô tội, nhưng giải pháp cho nó thì vẫn đang bế tắc vì các bên chưa tìm được tiếng nói chung – mà thực ra là quyền lợi của họ chưa được thỏa mãn – làm cho đất nước Sirya trở thành căn cứ địa cho lực lượng khủng bố phát triển và tung hoành.

Và giải quyết vấn đề Sirya không chỉ vì người dân và đất nước Sirya mà nó còn liên quan đến sự ổn định ngay tại các quốc gia đã tham gia vào việc tạo nên sự bất ổn tại Libya và Sirya. 

Theo BBC ngày 6/12, trước khi Gaddafi bị lật đổ, ông ta đã chính thức cảnh báo Liên minh châu Âu rằng, nếu chế độ của ông ta sụp đổ, sẽ có nhiều người di cư đến châu Âu, tạo nên sự hỗn loạn trong cộng đồng dân cư và bất ổn cho xã hội.

Gaddafi là một nhà độc tài, chứ không hẳn là một Đấng Cứu Thế, nhưng dường như ông ta đã đúng trong lời cảnh báo đó.

Đã đến lúc lãnh đạo các lượng, phe phái tại Sirya nhìn sang Myanmar để học cách hành xử - bắt tay hoà giải vì lợi ích dân tộc và tương lai của đất nước mình.

Còn với những lực lượng quốc tế có ảnh hưởng quyết định tới chiến trường và chính trường Sirya thì sự hoài niệm của người dân Libya về “nhà độc tài Gaddafi” chính là một lời cảnh báo hữu hiệu cho những quyết định của họ - phải vì lợi ích của dân tộc Sirya, phải chấm dứt việc đánh đổi xương máu của người dân vô tội cho những toan tính của riêng mình, nếu không muốn chính họ tiếp tục phải trả giá đắt.

Ngọc Việt