Học nhiều quá, con “tẩu hỏa nhập ma" rồi mẹ ơi!

22/11/2015 07:17
Phan Tuyết
(GDVN) - Nghe lời than thở của cô con gái đang học lớp 10 mà xót cả ruột gan nhưng không biết làm cách gì để giúp con được.

LTS: Nhìn lịch học kín mít, cảnh chạy xô học thêm của con, là một bậc phụ huynh, tác giả Phan Tuyết không khỏi đau lòng. 

Dưới đây là những trải lòng của tác giả về những bất cập còn tồn tại của ngành giáo dục cần được chấn chỉnh nếu muốn giảm áp lực cho học sinh. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Nhìn lịch học của con treo trên tường, tôi cũng thấy muốn hoa cả mặt mày. Buổi sáng, hôm thì đi trực trường, hôm học thể dục, học quân sự, tập văn nghệ giao lưu theo chủ điểm hàng tháng, đi ngoại khóa... thời gian còn lại là lịch học thêm của các môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn gần như kín bưng. 

Học chính khóa buổi chiều, con đi từ 12 giờ trưa đến gần 6 giờ tối mới về đến nhà nhưng hôm nào phải đi học thêm con thường ở luôn tại đó. Sau hồi trống tan trường, con chỉ kịp ăn vội cái gì đó ngoài cổng trường là đôn đáo chạy tới lớp học cho kịp. 

Kết thúc một ngày học cũng gần 10 giờ đêm. Nhìn con phờ phạc, mệt mỏi, mắt díp lại nhưng cố gắng gượng không dám ngủ vì còn phải học bài để mai đến lớp. 

Học nhiều quá, con “tẩu hỏa nhập ma" rồi mẹ ơi! ảnh 1
Học nhiều quá, con “tẩu hỏa nhập ma rồi mẹ ơi!” (Ảnh: vnexpress.net)

Thấy mẹ khuyên nghỉ bớt chỗ học thêm, con nói: “Sao có thể không đi học thêm được khi thời gian trên lớp thầy cô chỉ kịp dạy xong phần lý thuyết là hết giờ. Có đi học thêm, tụi con mới biết cách làm bài tập thực hành, chứ cứ ở nhà có mà “mù tịt tìn tin” hay sao? 

Dù đi học thêm mất nhiều thời gian như thế nhưng cũng thấy vui vì mình hiểu thêm bài, biết làm được những dạng bài tập khó mà ở lớp thầy cô không thể giảng. Con không mệt khi phải đi học thêm mà cực kì mệt khi ngày nào cũng phải học thuộc lòng phần bài cũ”.

Qua tìm hiểu một số học sinh, hầu như em nào cũng tỏ ra bức xúc với cách dạy của một số thầy cô, cách cho chép bài đến mỏi tay, cách cho kiểm tra bài theo kiểu thuộc lòng để “sao y bản chính” đến từng dấu phẩy. 

Những môn học như Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng, Sử, Địa, Sinh...Nói theo lời một số học sinh là “Nỗi ám ảnh kinh hoàng” bởi phần lớn thầy cô giáo còn truyền đạt theo phương pháp thầy đọc, trò chép mà rất ít người sử dụng phương pháp dạy học mới để học sinh nắm kiến thức tại lớp và tái hiện bài theo sự hiểu biết của các em. 

Học nhiều quá, con “tẩu hỏa nhập ma" rồi mẹ ơi! ảnh 2

Một ngày ‘chạy sô’ của học sinh lớp 9

Mỗi ngày, Mai Lan phải dậy từ 5h sáng, chưa kể việc làm bài tập về nhà, cô bé học sinh lớp 9 này phải tốn khoảng 11 giờ liên tục cho việc học chính khóa ở trường và 3 ca luyện thi.

Để làm một bài kiểm tra 1 tiết môn Giáo dục quốc phòng, học sinh phải học thuộc hơn mười trang vở ghi kín mít chữ.

Mỗi ngày học tới 5 môn, môn nào cũng phải học bài như thế bởi không kiểm tra miệng, sẽ kiểm tra 15 phút hay kiểm tra 1 tiết mới thấy các em thật “phi thường”.

Học thuộc bài còn phải soạn bài. Có môn học nào buộc phải soạn đủ môn học đó...

Căng thẳng, mệt mỏi và áp lực, nhiều em nghĩ cách đối phó cho xong. Em lên mạng chép, em giở sách mẫu copy vào để khi thầy cô kiểm tra sẽ không bị phạt.

Ngày nào cũng thế, nhìn con chỉ học và học. Mắt thâm quầng vì mất ngủ. Người xanh xao vì ăn uống thất thường do không đúng bữa. Hai vợ chồng tôi cũng là giáo viên nên chỉ biết khuyên con học vừa phải, dành thời gian nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe.

Chẳng những con không nghe còn nói lại: “Nếu muốn con không học nhiều như thế chỉ có nước bỏ học ở nhà thôi mẹ ạ”.

Giảm áp lực học cho các em, cấm việc dạy thêm học thêm chưa đủ. Một điều quan trọng không kém là thầy cô giáo cần đổi mới phương pháp dạy học và cách đánh giá của mình. 

Cần nên khuyến khích các em việc hiểu bài tại lớp và biết trả lời theo sự hiểu biết của mình. Đề kiểm tra nên có câu hỏi mở mới phát huy hết sự hiểu biết và cách vận dụng của các em. Tránh tình trạng các em đọc vẹt, thuộc vẹt như hiện nay. 

Phan Tuyết