LTS: Thực tế, nhiều người có chức có quyền khi phạm tội đều lôi cái “bệnh án bị tâm thần” ra để trốn tránh sự trừng phạt.
Tác giả Nguyễn Cao đề xuất những cơ quan chức năng cần nghiêm túc kiểm tra, xử lý để người dân tin tưởng vào sự công bằng của pháp luật.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Những năm qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin nhiều đối tượng phạm tội: trộm cắp; bảo kê; dâm ô; hiếp dâm… nhưng cứ đến ngày tòa án xử lại thấy lòi ra cái bệnh án “tâm thần”.
Ngay cả bị cáo nguyên là công an đang công tác bình thường nhưng khi phạm tội cũng vướng vào căn bệnh này.
Nhiều cán bộ đang công tác tốt nhưng khi bị pháp luật “sờ gáy” lại xin đi “chữa bệnh” một cách không bình thường.
Nguyên nhân nào khiến loại “bệnh” này ngày một gia tăng?
Ngược dòng thời gian, chúng ta bắt gặp rất nhiều người ngày thường có thể đi du lịch, nhà hàng, sàn nhảy, bảo kê, điều hành hàng trăm tên đàn em.
Nhưng khi bị bắt gần đến ngày xử án thì lại chìa ra cái bệnh án tâm thần như: Nguyễn Văn Vi (tức Vi “Ngộ”, 32 tuổi) thường trú tại Thanh Hóa.
Từ nhiều năm 2013 về trước, Vi “Ngộ” nổi lên là một trong những trùm giang hồ khét tiếng chuyên cầm đầu các sới bạc và hoạt động tội phạm tín dụng đen ở Thanh Hóa.
Đã nhiều lần Tòa án Nhân dân huyện Hà Trung đưa Vi “Ngộ” ra xét xử, nhưng cứ mỗi lần chuẩn bị phiên xử, Vi lại đột nhiên lên cơn tâm thần?
Hay như vụ nguyên thượng sĩ Công an Vũ Văn Quỳnh (Công an Hải Phòng) dâm ô với hàng loạt nữ sinh (năm 2012).
Nguyên thương sĩ Công an Vũ Văn Quỳnh từng bị bắt vì tội dâm ô. (Ảnh: nld.com.vn) |
Sau khi sự việc bị phơi bày Quỳnh đã bị tước quân tịch, nhưng đến ngày xử án thì phải hoãn lại.
Lý do là vì Bản kết luận giám định pháp y tâm thần của Trung tâm giám định pháp y tâm thần TP. Hải Phòng kết luận: Quỳnh bị rối loạn trong ưa chuộng tình dục (F65).
Trước, trong và sau khi gây án Quỳnh bị giảm khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Có những trường hợp tỉnh táo để tham ô công quỹ nhà nước hàng tỉ đồng nhưng khi vụ việc bị phát hiện thì lại bị tâm thần.
Đơn cử như bị cáo Trần Đức Mậu (SN 1956), nguyên là Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng thủy lợi 4 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), kiêm giám đốc chi nhánh miền Trung và giám đốc Ban điều hành công trình thủy điện sông Tranh 2.
Mặc dù gây nên hậu quả nghiêm trọng mà theo Điểm a, Khoản 3, Điều 280 Bộ Luật Hình sự về tội Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, có khung hình phạt từ 13 đến 20 năm tù.
Tuy nhiên, vì lý do "bị bệnh tâm thần" nên đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân chỉ đề nghị tòa xử bị cáo Mậu từ 6 đến 8 năm tù.
Cuối cùng, Hội đồng Xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Đức Mậu 36 tháng tù vào năm 2013?
Công an vào cuộc vụ nhận tiền chạy việc, cán bộ thuế xin nghỉ việc đi chữa bệnh |
Và, trong năm nay, chúng ta thấy nổi lên hàng loạt cán bộ đương chức nhưng khi có dấu hiệu phạm tội lại lấy lí do là đi… chữa bệnh.
Có người chữa bệnh trong nước như bà Đặng Thị Nhung, cán bộ Chi cục Thuế huyện Đông Sơn (Thanh Hóa).
Bà đã nhận 300 triệu đồng để chạy việc cho bà Lê Thị Tuyết (trú tại TP. Thanh Hóa).
Sau khi nhận tiền mà không xin được việc nên gia đình chị Nhung tố cáo, dư luận lên tiếng, thế là bà Tuyết cáo bệnh và xin nghỉ 3 tháng không lương để đi chữa bệnh.
Rồi những trường hợp đầy quyền lực như Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy đang lên chức rầm rầm, thế mà khi bị phát giác sai phạm liền tìm cách “ra nước ngoài chữa bệnh trót lọt”.
Những trường hợp đó đã cho ta thấy nhiều kẽ hở và cả cách quản lí đối với người phạm tội…
Nếu chúng ta liệt kê, sẽ còn rất nhiều những trường hợp mắc căn bệnh “tâm thần” hoặc đi “chữa bệnh” một cách kì lạ.
Khi được bổ nhiệm, đề bạt thì phấn khởi, lúc có vi phạm thì... đi chữa bệnh |
Đây là một tiếng chuông đáng báo động trong việc xét xử bị cáo và việc quản lí cán bộ ở nước ta.
Dư luận sẽ đặt câu hỏi lớn cho những bị cáo “tâm thần” và những người vi phạm rồi lấy cớ "đi chữa bệnh” và cả những trung tâm Y tế khi khám và chứng nhận “tâm thần” một cách đầy uẩn khúc này?
Bởi có những bị cáo khi xét xử thì lên cơn bệnh, nhưng khi cho đi “chữa bệnh” lại tiếp tục gây án một cách tỉnh táo!
Pháp luật Việt Nam luôn thể hiện sự công minh nhưng cũng rất nhân đạo đối với con người phạm tội.
Việc pháp luật đã thể hiện tính nhân văn cao đẹp, phù hợp với văn hóa của người Việt nhằm hướng tới sự hoàn lương của mỗi bị cáo khi phạm tội là cần thiết.
Nhưng, những thân nhân của các bị cáo, cũng như các cán bộ khi biết mình phạm tội đã lợi dụng kẽ hở này để che giấu đi hành vi tội ác của mình hòng trốn tội lỗi mà mình gây ra là điều đáng bị lên án.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng phải nghiêm túc kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, những cơ sở y tế và các cơ quan đã tiếp tay làm giả các bệnh án hay bẻ cong cán cân công lý để tránh những dị nghị không đáng có đối với các cơ quan đang thực thi pháp luật.