Không để bất cứ người dân nào “màn trời chiếu đất” vì bão số 10

16/09/2017 06:12
Như Hải (Tổng hợp)
(GDVN) - Thủ tướng chỉ đạo, “Việc đầu tiên là bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân, không để rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, thiếu cơm lạt muối, đứt bữa".

Bão số 10, đổ bộ vào Hà Tĩnh, Quảng Bình vào lúc 11h ngày 15/9, gây ra mưa lớn, gió mạnh.

Theo đánh giá của lãnh đạo Hà Tĩnh, đây là cơn bão mạnh nhất trong 27 năm qua, cũng là cơn bão có thời gian đổ bộ lâu nhất ở địa phương Hà Tĩnh này.

Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn - ông Nguyễn Xuân Cường có mặt tại thị xã Kỳ Anh nơi tâm bảo đi qua cũng đánh giá, đây là cơn bão rất mạnh, qua diễn biến thực tế, có thể thấy những dự báo đưa ra đều rất sát.

Bão số 10 đã tạo ra cột sóng cao tới gần 10 m ở biển Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh (ảnh Vietnamnet.vn).
Bão số 10 đã tạo ra cột sóng cao tới gần 10 m ở biển Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh (ảnh Vietnamnet.vn).

Thông tin mới nhất về thiệt hại do bão số 10 gây ra, tại Hà tĩnh bão số 10 đã có 62.512 nhà dân bị đổ, tốc mái; trong đó thị xã Kỳ Anh 17.500 nhà, huyện Kỳ Anh 23.500 nhà, huyện Cẩm Xuyên 20.000 nhà, huyện Lộc Hà 749 nhà, huyện Nghi Xuân 50 nhà, huyện Thạch Hà 570 nhà, Thành phố Hà Tĩnh 640 nhà, Đức Thọ 3 nhà, Hương Khê 1 nhà.

Tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh nơi tâm bão đi qua, ngoài 23.500  nhà dân bị đỗ, tốc mái; nhiều công trình công cộng như: Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở cơ quan bị sập đổ, hư hại mái che, mái nhà để xe.

Toàn huyện có 5000 ha cây gỗ nguyên liệu (keo, tràm và cây ăn quả) bị đổ gãy; 150 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bi thiệt hại; hệ thống đê điều, giao thông trên địa bàn bị ảnh hưởng, trong đó đoạn đê đi qua thôn Nam Hải (Kỳ Hải) bị sạt lở nghiêm trọng...

Bão số 10 làm đổ tháp truyền hình phát thanh của thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh (ảnh Vietnamnet).
Bão số 10 làm đổ tháp truyền hình phát thanh của thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh (ảnh Vietnamnet).

Riêng tại thị xã Kỳ Anh, bão làm đổ sập cột ăng-ten Đài truyền hình phát thanh và cột phát sóng Viettel làm mất liên lạc nhiều giờ.

Nhiều đoạn đê biển thuộc các huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh bị nước tràn qua gây sạt và vỡ một số điểm:

Tuyến đê biển Tả Nghèn - Lộc Hà bị vỡ và trôi cống Kho Muối và vỡ 25m đê; tuyến đê biển Cẩm Hà - Cẩm Lộc bị nước tràn qua với chiều dài trên 2km gây sạt lở, Ủy ban Nhân dân huyện đã huy động nhân lực, vật tư, phương tiện chống tràn an toàn; tuyến đê Đá Bạc, huyện Nghi Xuân nước biển tràn qua đê làm ngập nhà dân.

Bão số 10 cũng gây thiệt hại lớn cho tỉnh Quảng Bình, tính đến chiều 15/9, theo thống kê của các cơ quan chức năng, tại Quảng Bình có 1 người chết, 6 người bị thương. Toàn tỉnh cũng có 13 nhà bị sập ở huyện Quảng Trạch, 1.500 nhà bị ngập ở thị xã Ba Đồn và 49.155 ngôi nhà bị tốc mái.

Cổng chào thành phố Đồng Hới, Quảng Bình bị bão quật đổ (ảnh Vietnamnet.vn).
Cổng chào thành phố Đồng Hới, Quảng Bình bị bão quật đổ (ảnh Vietnamnet.vn).

Hiện tại Quảng Bình, mực nước sông Gianh đang dâng cao, gây ngập lụt sâu cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã Ba Đồn.

Các địa phương khác mặc dù tâm bão không đi qua nhưng do ảnh hưởng của bão số 10 đã gây mưa lớn, gió giật mạnh, nhiều nơi có lốc xoáy do nhiễu động thời tiết.

Tại Thừa Thiên Huế, vào 20h ngày 14/9 khi bão còn chưa đổ bộ vào đất liền thì lốc xoáy đã làm 600 ngôi nhà bị tốc mái ở phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.

Tại bãi biển Quất Lâm (huyện Giao Thủy), thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu) và một số xã ven biển ở Nam Định có mưa, kết hợp triều cường dâng cao, sóng biển đánh cao, nước biển vượt qua bao đê ngoài tràn vào khu dân cư ven biển gây ngập nặng.

Tại Nghệ An, nhiều tuyến đê biển cũng bị nước tràn qua gây ngập úng cục bộ. Một số tuyến đê biển ở các xã như Quỳnh Thọ, Sơn Hải, Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa… huyện Quỳnh Lưu, phường Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Quỳnh Xuân thị xã Hoàng Mai cũng bị nước tràn qua vô cùng nguy hiểm.

Tại Đồ Sơn Hải Phòng sóng biển đánh cao đến 5m, gây nguy hiểm.

Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tại theo báo cáo nhanh của các địa phương bị ảnh hưởng bão số 10, tính hết ngày 15/9, cả nước có 3 người chết, 8 người bị thương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát nắm tình hình về thiệt hại bão số 10 (ảnh chinhphu.vn).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát nắm tình hình về thiệt hại bão số 10 (ảnh chinhphu.vn).

Thông tin từ cổng thông tin điện tử chinhphu.vn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đến Quảng Bình vào chiều tối 15/9, tại đây Thủ tướng đã đi thị sát và có những chỉ đạo kịp thời.

Thủ tướng chỉ đạo, “Việc đầu tiên là bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân, không để rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, thiếu cơm lạt muối, đứt bữa do bão số 10 gây ra”.

Thủ tướng giao các cơ quan chức năng tổng hợp thiệt hại của các địa phương, trong đó có 2 địa phương thiệt hại lớn là Hà Tĩnh, Quảng Bình, trình Thủ tướng phương án xử lý.

Đối với Quảng Bình, Thủ tướng đồng ý cấp 3.000 tấn gạo hỗ trợ người dân; đồng ý giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kịp thời giải quyết giống lúa, rau màu cho Quảng Bình để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình phương án xây dựng các công trình mà tỉnh Quảng Bình đề nghị như khu neo đậu tàu thuyền và nghiên cứu trung tâm cứu hộ, cứu nạn.

Tăng cường lực lượng quân đội cùng địa phương hỗ trợ kịp thời người dân sửa chữa nhà cửa. Đây là nhiệm vụ cấp bách ngay sau cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp thăm hỏi người dân ngay khi tâm bão số 10 đi qua (ảnh chinhphu.vn).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp thăm hỏi người dân ngay khi tâm bão số 10 đi qua (ảnh chinhphu.vn).

Theo thông tin từ chinhphu.vn, để chỉ đạo ứng phó với bão số 10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại Hà Tĩnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các cấp chính quyền tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục hướng dẫn, triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản; bảo quản nông sản.

Cùng với đó, phải tiếp tục kiểm tra, thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn hồ đập; tiếp tục quản lý chặt chẽ, cấm tuyệt đối tàu thuyền ra khơi, hạn chế phương tiện trên các tuyến giao thông xung yếu.

Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp cần nhanh chóng tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men, đảm bảo không người dân nào bị đói ăn, bệnh tật.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ những khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời người dân đến nơi an toàn.

“Huy động lực lượng để hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách; sửa chữa các công trình trường học, bệnh viện, tiếp đó là trụ sở các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất trên địa bàn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bão số 10 đã suy yếu, nhưng Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo trong đêm nay và ngày mai (16/9), ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa 50-150mm, có nơi trên 200mm.

Riêng các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình từ ngày mai mưa giảm nhanh.

Từ nay đến ngày 17/09, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị sẽ xuất hiện 1 đợt lũ.

Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình lên mức báo động báo động 2 - báo động 3; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị lên mức báo động 11.

Trung tâm này cũng dự báo nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở các khu đô thị, các thành phố lớn như Thành phố Vinh (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh, Thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Quảng Trị, Đông Hà (Quảng Trị).

Riêng tại Quảng Bình, thị xã Ba Đồn và Thành phố Đồng Hới sẽ có nguy cơ ngập úng.

Như Hải (Tổng hợp)