Trong chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, có nội dung Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Xung quanh nội dung này, ngày 27/10, bên hành lang kỳ họp thứ 4, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình).
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: "Làm nhanh, nóng vội với giáo dục thì không thể hiệu quả được" (ảnh Trinh Phúc). |
Qua trao đổi có thể thấy, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương rất đồng tình lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
Ông Nguyễn Ngọc Phương cho rằng: "Phải làm cho kỹ nếu cần thiết không chỉ lùi một năm mà vài năm cũng được, không nên nóng vội, đốt cháy giai đoạn áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới".
Các nhà quản lý giáo dục, xin hãy nghĩ lại! |
Trước thắc mắc, nếu việc lùi chương trình một năm mà vẫn chưa chuẩn bị được tốt và khắc phục được điều kiện để triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới thì trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào, vị đại biểu này cho rằng: “Theo tinh thần của Trung ương, giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Khi đã nói giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu thì Đảng rất quan tâm, Chính phủ rất quan tâm, Quốc hội cũng rất quan tâm nên ai cũng muốn làm cho nhanh.
Nhưng bài học làm nhanh, nóng vội với giáo dục thì không thể hiệu quả được. Chính vì thế, theo tôi nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm cao phải làm kỹ.
Không thể nói Bộ Giáo dục và Đào tạo đem kế hoạch thay đổi đi thì trách nhiệm thấp là không đúng”.
Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới nhiều người sợ rằng nếu tính toán không kỹ sẽ rơi vào vết xe đổ của VNEN, sẽ bị phụ huynh phản đối, nhiều địa phương tẩy chay, ông Nguyễn Ngọc Phương có quan điểm rằng:
“Cải cách giáo dục, kể cả VNEN là nằm trong hệ thống cải cách giáo dục. Tôi cho rằng, tất cả cải cách giáo dục thời gian qua đều thất bại, hiệu quả thấp, không đưa lại niềm tin cho người dân và kể cả xã hội.
Lỗi trước hết xuất phát từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc áp dụng thí điểm, hiệu quả thấp. Việc áp dụng đổi mới giáo dục phải tính đến điều kiện của Việt Nam, môi trường Việt Nam.
Cách giảng dạy của Việt Nam thì phải theo lối đi của Việt Nam. Bây giờ, đội ngũ của chúng ta còn nhiều hạn chế nhưng đưa áp dụng nóng vội một mô hình giáo dục tiên tiến như VNEN là chưa phù hợp.
Thực ra, mô hình trường học mới VNEN là tiên tiến nhưng đội ngũ giáo viên hiện chưa đủ khả năng, chưa tiếp cận được với chương trình ấy”.
Theo vị đại biểu Quốc hội của đoàn Quảng Bình: “Việc nhiều năm đổi mới giáo dục chưa thành công, nguyên nhân trong đó có sự nóng vội, thiếu rà soát, thiếu tính toán, thiếu cân nhắc, thiếu đồng bộ.
Thay đổi về chương trình trước hết phải tính đến yếu tố con người. Nên phải thay đổi về đào tạo đội ngũ giáo viên, tiếp đến là cơ sở vật chất.
Phải triển khai có hiệu quả về thực nghiệm chương trình để rút kinh nghiệm. Trong quá trình chỉ đạo, phải tổng kết kinh nghiệm trong điều hành, quản lý.
Những việc này thời gian qua làm có sự hạn chế. Lần này phải khắc phục những việc này đã để mang lại hiệu quả hơn”.
Trao đổi với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương có thể thấy, để thành công trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này thì thách thức lớn nhất là chất lượng đội ngũ.
Chương trình tốt, sách giáo khoa tốt nhưng đội ngũ không được đào tạo lại để phù hợp với nội dung và chương trình thì khó thực hiện.
Thêm nữa, điều kiện cơ sở vật chất hiện nay để thực hiện đáp ứng yêu cầu của nâng cao cải cách giáo dục là không thể đáp ứng được. Đấy là yếu tố gây hạn chế của giáo dục.
Vị đại biểu này cho rằng: “Thời gian tới, đối với chương trình phải soạn thảo kỹ lượng, khi ứng dụng phải thực nghiệm, lấy ý kiến trong hệ thống giáo dục, lấy ý kiến của các nhà khoa học và các nhà giáo đã nghỉ hưu.
Đối với cơ sở vật chất phải yêu cầu các tỉnh, xã - phường phải đầu tư, kêu gọi xã hội hóa, nâng mức đóng góp địa phương lên để tạo điều kiện và phải thay đổi đào tạo đội ngũ giáo viên phù hợp với chương trình”.
Trước thực tế, việc dành sự quan tâm lớn cho xây dựng chương trình trong khi ít quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng:
“Nếu chỉ quan tâm đến chương trình sách giáo khoa và không quan tâm đến chất lượng đội ngũ và điều kiện triển khai thì chắc chắn triển khai đổi mới chương trình sách giáo khoa lần này sẽ mang lại hiệu quả không cao”.