Lòng Dân với Đảng không nằm ở từ ngữ, văn bản khô cứng, sáo mòn

25/07/2016 10:42
Đăng Trường
(GDVN) - Chỉ đạo của Tổng Bí thư đã đánh trúng vào những “điểm nghẽn” bức xúc của đời sống chính trị, xã hội, vào tâm lý mà người dân đang ngóng chờ, mong mỏi.

Với vỏ bọc quyền, tiền, quan hệ, chủ thể các vụ án tham nhũng càng lớn thì vỏ bọc trên càng cao, áp lực khi đấu tranh, bóc gỡ càng nặng.

Vì thế, chống tham nhũng không thể chỉ hô hào, tuyên chiến bằng khẩu hiệu. 

Để chống tham nhũng phải hành động với hai điều kiện tiên quyết, đó là sự quyết tâm và bản lĩnh. 

Nhìn lại các vụ “đại án tham nhũng” những năm qua cho thấy hai điều kiện tiên quyết này được các cơ quan tiến hành tố tụng mà chủ công là lực lượng Công an thể hiện đậm nét từ sự vào cuộc rốt ráo của “người cầm trịch” đến các cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra.

1. Gỡ bỏ những hoài nghi, những đồn đoán, thay vào đó là không khí phấn chấn, sự nóng lòng chờ đợi, dõi theo diễn tiến, kết quả mới.

Đó là trạng thái tâm lý của người dân trước những chỉ đạo rốt ráo, quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đối với các vụ việc bức xúc, nổi cộm gần đây. 

Lòng Dân với Đảng không nằm ở từ ngữ, văn bản khô cứng, sáo mòn ảnh 1

“Nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm của Tổng Bí thư?

Lòng dân với Đảng suy cho cùng không phải nằm ở những văn bản, từ ngữ khô cứng, sáo mòn; không phải ở những khẩu hiệu mà thể hiện từ hiện thực sinh động, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. 

Chỉ đạo của Tổng Bí thư đánh trúng vào những “điểm nghẽn” bức xúc của đời sống chính trị, xã hội, vào tâm lý mà người dân đang ngóng chờ, mong mỏi. 

Làm rõ, xử nghiêm những đối tượng tham nhũng, tiêu cực, những kẻ sống sa đọa, vơ vét của dân cũng giống như ta gỡ bỏ ung nhọt, dẫu biết phải chịu đau và áp lực song để có cơ thể khỏe mạnh… đó là việc tất yếu phải làm!
 
Tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 18/4/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: 

Cần tập trung chỉ đạo xử lý một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; tài liệu, chứng cứ chắc đến đâu xử lý đến đó, sau đó điều tra xử lý tiếp nhằm tạo sự lan toả và chuyển biến tích cực trong phát hiện, xử lý tham nhũng”. 

Lường trước những khó khăn, phức tạp, những áp lực mà cơ quan chức năng gặp phải khi xử lý án tham nhũng, Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh từ “sức ép” và lưu ý cơ quan chức năng phải kiên quyết vượt qua, không chịu bất kỳ sức ép của tổ chức, cá nhân nào. 

Sự lưu ý của Tổng Bí thư xuất phát từ thực tiễn, từ tính chất hết sức phức tạp của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, đòi hỏi phải bản lĩnh và quyết tâm trong hành động.

Từ thực tiễn điều tra án tham nhũng do cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân thực hiện cho thấy, phải kiên quyết ngay trong khâu chỉ đạo, điều hành, từ những quyết sách, quyết định của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đến thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, các điều tra viên. 

Đại tướng Trần Đại Quang trong một cuộc họp chỉ đạo ban chuyên án truy bắt đối tượng Giang Kim Đạt.
Đại tướng Trần Đại Quang trong một cuộc họp chỉ đạo ban chuyên án truy bắt đối tượng Giang Kim Đạt. 

Thứ hai, để khui ra đối tượng tham nhũng, để điều tra án tham nhũng đòi hỏi phải có đủ bản lĩnh để vượt qua sức ép với ba lớp vỏ bọc của chủ thể tham nhũng (quyền, tiền, quan hệ). 

Sự kiên quyết và bản lĩnh của lực lượng Công an thể hiện trong 8 vụ án tham nhũng trọng điểm đã xét xử (các vụ Lâm Ngọc Khuân, vụ Phạm Văn Cử, vụ Trần Quốc Đông, vụ Dương Thanh Cường, vụ Vũ Quốc Hảo, vụ Phạm Thị Bích Lương, vụ Lê Hùng Sơn, vụ Nguyễn Thế Dũng); vụ đang xét xử (Phạm Công Danh), vụ chuẩn bị xét xử (Hà Văn Thắm) cùng những vụ nổi cộm trước đó (bầu Kiên, Dương Chí Dũng) hay vụ đang điều tra Giang Kim Đạt, Nguyễn Xuân Sơn… 

Các vụ án tham nhũng trọng điểm này đều được cơ quan công an phát hiện, điều tra làm rõ trong giai đoạn 2011-2015 và một số vụ nay đang tiếp tục được điều tra mở rộng. 

Đây chính là nhiệm kỳ thể hiện dấu ấn nổi bật của lực lượng Công an nhân dân trong phát hiện, điều tra, xử lý án tham nhũng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, đứng đầu là đồng chí Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Trần Đại Quang (nay là Chủ tịch nước). 

2. Trở lại vụ án Dương Chí Dũng, hành trình truy bắt kịch tính như phim trinh thám khi đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài với sự tổ chức chặt chẽ của ê kíp cán bộ. 

Lòng Dân với Đảng không nằm ở từ ngữ, văn bản khô cứng, sáo mòn ảnh 3

Liên ngành tư pháp là gì mà quyền lực khiếp thế?

Khi trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 14-6-2012, nghĩa là sau gần một tháng bị can Dũng bỏ trốn, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định quyết tâm truy bắt đối tượng, đồng thời cho biết đang chỉ đạo làm rõ việc có hay không lộ, lọt thông tin. 

Chia sẻ về điều này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thời điểm đó, dư luận luôn đặt câu hỏi xung quanh việc Dương Chí Dũng bỏ trốn với những ý kiến ngờ vực, liệu có ai đó bảo kê, bật đèn xanh?! 

Mọi lời giải thích sẽ là thừa, chỉ có việc bắt Dương Chí Dũng mới giải toả được hoài nghi trong dư luận. Vì vậy, lời hứa quyết tâm truy bắt của Bộ trưởng Trần Đại Quang khi đó đã tạo niềm tin và sự nóng lòng chờ đợi “đáp số chất vấn”. 

Lòng Dân với Đảng không nằm ở từ ngữ, văn bản khô cứng, sáo mòn ảnh 4

Bộ trưởng Trần Đại Quang: Đánh quyết liệt tội phạm tham nhũng, kinh tế

(GDVN) - Phải đánh thẳng, đánh mạnh, đánh quyết liệt không để tồn tại “vùng cấm” trong phòng chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm kinh tế.

Trong vai trò “cầm trịch”, Bộ trưởng tổ chức, bố trí lực lượng đảm bảo nguyên tắc bí mật, bất ngờ, vừa chỉ đạo, đôn đốc ban chuyên án, đồng thời nắm rõ tâm tư, khó khăn của cán bộ, chiến sĩ để động viên, tháo gỡ. 

Và cái đêm tổ công tác miệt mài tại Thủ đô nước bạn, người chỉ huy cao nhất của Bộ Công an cũng thức để điện đàm, dõi sát và kịp thời có chỉ đạo, giải quyết những vấn đề nảy sinh... 

Ngẫm điều này, ta thấy rằng, đây chính là minh chứng về tính hiệu quả trong chỉ đạo, điều tra các vụ án lớn. 

Kiên quyết nhưng luôn giữ trạng thái bình tĩnh để tháo gỡ những nút thắt của vụ án, giúp ban chuyên án vượt qua áp lực, từ đó khơi dậy được quyết tâm tập thể đi đến thắng lợi, ấy là phương cách chỉ đạo điều tra vụ án tham nhũng Vinalines của Bộ trưởng Trần Đại Quang.  

Xét xử vụ Dương Thanh Cường và đồng phạm.
Xét xử vụ Dương Thanh Cường và đồng phạm.

Ở vụ Nguyễn Đức Kiên, dù không xảy ra việc đối tượng bỏ trốn nhưng để tính toán biện pháp nghiệp vụ bắt giữ an toàn, điều tra làm rõ sai phạm của nhân vật khét tiếng một thời này đòi hỏi sự cẩn trọng, chặt chẽ. 

Ngoài tiền bạc thuộc loại khủng, ai cũng biết, ông bầu bóng đá có ánh mắt sắc lạnh này có vị thế quyền lực ghê gớm ở ngân hàng thương mại như thế nào; củng cố tài liệu chứng cứ và bắt một can phạm như vậy, đó thực sự là bài toán nghiệp vụ, pháp luật khó. 

So với Dương Chí Dũng, mối quan hệ làm ăn với nước ngoài của ông bầu này còn khủng hơn với những toan tính sắc lẹm, có nghĩa nếu đánh động để gã bầu tóc bạc bỏ trốn thì cuộc truy tìm sẽ vô cùng gian nan. Còn bầu Kiên thì vẫn tự tin như thể “đội trời đạp đất”

Thế nên khi cơ quan cảnh sát điều tra ập vào trụ sở làm việc thì ông này ngó lơ “C nào, C nào dám bắt tôi” (C là ký hiệu các Cục Cảnh sát nghiệp vụ, Bộ Công an). Kiên “bạc” còn gằn giọng, chắc “các ông bắt nhầm người”. 

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đối mặt rất nhiều áp lực khi có ý kiến tuyên bố “bầu Kiên vô tội” và doạ sẽ xử lý những ai “bắt oan” ông Kiên. 

Để có kết quả này, cơ quan cảnh sát điều tra đã tính toán nhiều phương án nghiệp vụ và trên cơ sở chỉ đạo sát sao, trực tiếp của Bộ trưởng Trần Đại Quang đã đảm bảo việc bắt giữ an toàn, đúng luật và vượt qua áp lực, sức ép để điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Kiên “bạc”.

Việc bắt giữ Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng Phòng kinh doanh Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc tập đoàn Vinashin (gọi tắt Vinashinlines) cũng là một chiến công đặc biệt xuất sắc; thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng; sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ của cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an dưới sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Đại tướng Trần Đại Quang. 

Trong thời gian dài kể từ năm 2010, vụ việc tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt khi không ít lần tổ chức trinh sát, xác minh không thành công. Các trinh sát an ninh mà chủ công Cục An ninh kinh tế tổng hợp luôn trăn trở với câu hỏi về khoản lỗ, nợ lên đến 10.000 tỉ đồng của Công ty Vinashinlines, công ty này rơi vào tình trạng phá sản. 

Trong nhiều cuộc họp, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo của Bộ Công an là những phần đã rõ của vụ án thì tiến hành xử lý theo quy định pháp luật; trường hợp còn bỏ trốn (trong đó có Giang Kim Đạt) phải quyết tâm truy bắt bằng được, dù đây là công việc rất khó khăn. Cùng việc xác minh, làm rõ nguồn gốc tài sản phải kết hợp với việc truy thu tài sản cho Nhà nước.  

Không có vụ án nào dễ dàng cả, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn càng có tính phức tạp, cam go. Thành công đạt được từ sự nỗ lực bền bỉ, từ trí tuệ và quyết tâm thì thành công đó càng có ý nghĩa và đúc rút thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý giá” – Bộ trưởng Trần Đại Quang dặn dò cán bộ, chiến sĩ khi tổ chức truy bắt Giang Kim Đạt lẩn trốn ở nước ngoài. 

Kết quả, cùng việc bắt giữ Giang Kim Đạt, cơ quan điều tra truy thu khối tài sản hơn 18 triệu đô la – một con số rất đáng khích lệ trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. 

Trong 5 năm (2011-2015), bằng việc đẩy mạnh đấu tranh chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, lực lượng công an nhân dân đã giúp thu hồi và truy thu thuế cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng. 

Hiện, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang xét xử bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB. 

Lòng Dân với Đảng không nằm ở từ ngữ, văn bản khô cứng, sáo mòn ảnh 6

Vụ án Phạm Công Danh: Quyết tâm làm trong sạch môi trường ngân hàng

(GDVN) - Gần tròn hai năm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) được cơ quan chức năng phanh phui.

Thiệt hại mà bị cáo Danh và đồng phạm gây ra trong vụ án này lên tới hơn 9.000 tỷ đồng - một con số lịch sử trong lĩnh vực tố tụng. 

Đánh giá rất cao quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chỉ đạo đưa vụ án ra xét xử, luật sư Trần Viết Hưng, Trưởng văn phòng luật sư Công Lý, Hà Nội nhận định: 

Điều này thể hiện sự quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh đẩy lùi tội phạm kinh tế, tham nhũng làm trong sạch môi trường ngân hàng”. 

Ông cũng cho rằng, trong quá trình điều tra vụ án Phạm Công Danh cũng như các vụ án tham nhũng lớn trong những năm gần đây, Bộ Công an và các cơ quan điều tra đã luôn tiến hành khẩn trương, quyết liệt, đưa ra truy tố nhiều đối tượng tham nhũng cộm cán, vượt qua các áp lực, trở ngại. Vì vậy, lực lượng công an được người dân đặt niềm tin trong cuộc chiến chống tội phạm tham nhũng.
 
Tiếp tục thực hiện giai đoạn II của vụ án Phạm Công Danh, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, dù khối lượng công việc rất lớn, liên quan đến nhiều doanh nghiệp, cơ quan và nhiều đối tượng nhưng tinh thần là phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ điều tra. 

Xác định  đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, trong quá trình điều tra có nhiều khó khăn, vướng mắc nên lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là Bộ trưởng Tô Lâm đã có các chỉ đạo cụ thể, tạo điều kiện để cơ quan điều tra tập trung lực lượng điều tra, làm rõ. 

3. Dù đạt những kết quả tích cực song so với yêu cầu, cuộc chiến chống tham nhũng còn nhiều điều khiến người dân chưa hài lòng, cảm thấy lo lắng.

Mức án một số vụ “đại án” chưa tương xứng với hành vi, tính chất, mức độ tội phạm. Có vụ nghiêm trọng dù đã được điều tra, làm rõ song việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự khiến dư luận ngờ vực, liệu có ai “chống lưng”? 

Dẫn giải bị cáo Phạm Công Danh ra toà.
Dẫn giải bị cáo Phạm Công Danh ra toà.

Như vụ vỡ đường ống nước sông Đà, kết quả điều tra bổ sung của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định cả 5 thành viên Hội đồng Quản trị Vinaconex (các ông Phí Thái Bình - Chủ tịch, Nguyễn Văn Tuân - Tổng giám đốc, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm) đã có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 229, Bộ luật Hình sự. 

Tuy nhiên, Liên ngành tư pháp Trung ương miễn truy cứu với các lý do như: phạm tội lần đầu, khai báo thành khẩn, có đóng góp cho ngành xây dựng...  Nhiều luật sư cho rằng, nếu miễn truy tố cho những lãnh đạo cốt cán, đầu đàn như vậy chẳng những gây nên tiền lệ xấu, nguy hiểm trong đường lối xử lý mà còn gây mất niềm tin nơi quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ còn nhiều khốc liệt!

Dư luận hoan nghênh, tin tưởng trước sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư và mong rằng, cùng việc vượt qua “sức ép”, áp lực như lưu ý của Tổng Bí thư thì cũng cần phải làm rõ để xử lý nghiêm những ai, những thế lực nào vẫn cố tình cản trở, gây sức ép, bao che cho đối tượng tham nhũng. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - luật Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc một số quan chức cấp cao, đại gia phải ra đứng trước vành móng ngựa để nghe cáo buộc các tội danh tham nhũng cho phép chúng ta ghi nhận thành quả đáng khích lệ của công tác bảo đảm thực thi pháp luật trong khu vực công quyền - một công tác đặc biệt khó khăn. 

Lòng Dân với Đảng không nằm ở từ ngữ, văn bản khô cứng, sáo mòn ảnh 8

Tiền có cánh, đất có chân và những thứ đúng quy trình!

(GDVN) - Tiền chẳng nằm đâu ngoài két sắt, ngân hàng,đất chẳng thể tan biến như mây trước gió mà có thể lòng vòng theo một quy trình nào đó để tự rửa sạch.

Theo ông, hình phạt nghiêm khắc dành cho bị cáo là lời cảnh báo, một khi nhận thấy nguy cơ đứng trước vành móng ngựa, quan chức sẽ tự cố gằng kiềm chế bản thân trước cám dỗ, nhờ đó, tham nhũng bị đẩy lùi. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng) thì bày tỏ, khi ta thấy được cái tinh vi, phức tạp của tội phạm tham nhũng càng hiểu được vai trò, nỗ lực của lực lượng Công an. 

Bà khẳng định, trong nhiệm kỳ 2011-2015, đồng chí Trần Đại Quang trên cương vị Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã thể hiện dấu ấn đậm nét trong việc chỉ đạo phát hiện, điều tra, bóc gỡ tội phạm kinh tế, tham nhũng, nổi bật ở các “đại án tham nhũng” mà chúng ta đang nói tới. 

Tôi tiếp tục tin tưởng và chờ đợi những kết quả, hành động cụ thể của đồng chí trên cương vị Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương” – Phó Giáo sư Bùi Thị An bày tỏ. 

Nhiệm kỳ 2016-2021, với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, chúng ta tin tưởng cuộc chiến chống tham nhũng sẽ đạt những kết quả tích cực, khả quan.

Đăng Trường